Tiếp đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, về phía Sở GD&ĐT Hà Nội có NGƯT.TS Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở cùng các đồng chí trong BGĐ; Chủ tịch CĐGD Hà Nội; Lãnh đạo các phòng ban của Sở, phòng GD&ĐT các quận, huyện.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi làm việc
Những nội dung được đề cập trong buổi làm việc bao gồm: Kết quả của giáo dục và đào tạo Hà Nội sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW của BCH TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cho học sinh sinh viên của ngành GD&ĐT Hà Nội; Công tác giảng dạy lịch sử truyền thống địa phương trong hệ thống trường phổ thông các cấp; Kết quả, những thuận lợi và khó khăn sau 5 năm triển khai giảng dạy Bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” trong các trường phổ thông; Công tác tuyển sinh đầu cấp và việc thực hiện Thông tư 22 của Bộ GD&ĐT về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. Ngoài ra, lãnh đạo hai cơ quan cũng thảo luận về công tác xây dựng trường Chất lượng cao; việc dạy tiếng Anh trong các nhà trường; công tác phân luồng học sinh; dạy bơi cho học sinh…
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết: Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh (trong đó có việc thực hiện Thông tư 22 của Bộ GD&ĐT) chính là một trong những điểm nhấn trong việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo. Việc thực hiện đổi mới sẽ đánh giá học sinh theo cả quá trình, không tạo áp lực lên các em, đồng thời đảm bảo khách quan. Giám đốc Sở cũng cho biết thời gian qua Sở đã tiến hành tinh giản bộ máy quản lý (từ 14 phòng ban hiện còn 9 phòng ban). Các Trung tâm GDTX, dạy nghề, kỹ thuật tổng hợp cũng được sáp nhập lại. Học sinh học GDTX có thể kết hợp với trung tâm đào tạo nghề để học nghề ngắn hạn. Việc hợp nhất kỳ vọng sẽ tạo ra sự phân luồng mạnh. Các trường THPT, nhất là trường ngoài công lập có thể liên kết với các trường trung cấp nghề để sau 3 năm học, học sinh có thể tốt nghiệp THPT và trung cấp nghề.
Toàn cảnh buổi làm việc
Giám đốc Nguyễn Hữu Độ mong muốn tiếp tục được Thành phố quan tâm nâng cao chất lượng bồi dưỡng đội ngũ. Các quận, huyện bên cạnh việc bồi dưỡng chính trị thì dành thêm kinh phí để bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên. Hiện nay các trường mầm non không có biên chế giáo viên chuyên biệt (âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất…) là điều chưa hợp lý, vì vậy Sở mong muốn các trường này có giáo viên chuyên biệt để nâng cao chất lượng dạy học. Bên cạnh đó, cần có chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên chuyển lên làm công tác quản lý; thêm biên chế giáo viên ngoại ngữ và bảo vệ tại các trường.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã chia sẻ với ngành GD&ĐT Hà Nội những khó khăn trong công tác giáo dục và đào tạo. Cụ thể như sức ép từ quá tải, thiếu đất; áp lực từ kỳ vọng của cả nước dành cho giáo dục Thủ đô và gồm cả áp lực từ việc thổi phồng thông tin của một số cơ quan báo chí… Tuy nhiên, ngành GD Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận như chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn luôn dẫn đầu cả nước, giảm dần khoảng cách giữa các quận nội thành và huyện xa trung tâm; xây dựng được đội ngũ CBQL và giáo viên chất lượng, tỷ lệ trên chuẩn cao, đặc biệt, ngành GD&ĐT Hà Nội đã làm tốt công tác tham mưu, đồng thời đưa ra và thực hiện nhiều sáng kiến, đề án lớn cho thành phố và Bộ GD&ĐT.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp tục quan tâm, tham mưu chuẩn bị điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học; Tiếp tục triển khai Nghị quyết 29 và có báo cáo sơ kết 3 năm của ngành, đặc biệt quan tâm công tác quản trị trường học, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; Xây dựng kế hoạch, thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Tổng kết 5 năm thực hiện giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”; Chú trọng việc giảng dạy lịch sử truyền thống, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục; Rà soát đội ngũ giáo viên đang giảng dạy bộ môn giáo dục công dân. Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội có thể phối hợp và giúp đỡ Sở GD&ĐT trong việc bồi dưỡng chính trị cho cán bộ quản lý, giáo viên của ngành và định hướng các hoạt động truyền thông.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng đánh giá cao vai trò của Tạp chí Giáo dục Thủ đô trong thời gian qua và mong muốn Tạp chí tiếp tục nâng cao chất lượng về mọi mặt, quan tâm phát triển theo hướng Tạp chí điện tử. Đồng thời, Tạp chí cũng cần làm đầu mối, giới thiệu, cung cấp cho các cơ quan báo chí và xã hội biết những điển hình, tấm gương trong công tác giáo dục và đào tạo của Thủ đô.