Nghiên cứu này do công ty bảo hiểm Aviva công bố trước khi hàng trăm ngàn học sinh dự bị đại học nước Anh biết được rằng liệu họ đã đạt các điểm số cần thiết cho các khóa học đại học mơ ước của họ hay không. Trong báo cáo với tiêu đề “Generation Regret”, Aviva cảnh báo rằng nhiều người mong ước họ đã không quyết định theo học các trường đại học.
Nghiên cứu cho thấy 37% những người đã từng theo học đại học hối hận vì quyết định trong quá khứ của họ. Tổng cộng 49% trong số người được phỏng vấn cho biết họ hoàn toàn có thể có được công việc hiện tại mà không cần tới một tấm bằng đại học.
Các trường đại học đã chỉ trích nghiên cứu này, và dẫn một dữ liệu khác xuất bản cùng thời điểm cho thấy một mức độ hài lòng cao với các khóa học đại học và cao đẳng. Cuộc khảo sát sinh viên toàn quốc hàng năm, thu thập câu trả lời từ 312.000 sinh viên năm cuối, cho thấy mức độ hài lòng tổng thể đạt 86%, ngang bằng với năm 2015.
Tuy nhiên, Aviva cho biết các cuộc khủng hoảng tài chính đã buộc nhiều người đặt câu hỏi về giá trị của giáo dục đại học. Nghiên cứu cho rằng, thế hệ thiên niên kỷ (tên gọi chung cho thế hệ những người sinh năm từ 1980 đến 2000), ước tính sẽ mất 11 đến 12 năm để trả hết các khoản nợ thời sinh viên của họ, và họ đang vật lộn để kiếm sống hàng tháng.
Các kết quả của Aviva cho biết “thế hệ thiên niên kỷ chỉ có thể dành dụm 156 Bảng vào cuối tháng sau khi trừ các chi phí cuộc sống thiết yếu và đối mặt với việc hoàn trả các khoản vay thời sinh viên khổng lồ”. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 1/3 số người thuộc thế hệ thiên niên kỷ cảm thấy họ phải gánh nhiều gánh nặng tài chính hơn các thế hệ trước.
Louise Colley của Aviva cho biết: “Những gánh nặng tài chính từ thời đại học đã khiến nhiều người trong nhóm tuổi này, trong nhận thức muộn màng, đặt câu hỏi liệu họ đã thực hiện các quyết định đúng đắn và quyết định đó đã mang bao nhiêu giá trị tới cho vị trí của họ hiện nay. Với thu nhập sau thuế tương đối thấp và các khoản nợ đáng kể phải giải quyết, thế hệ thiên niên kỷ gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý tài chính của họ.
Các trường đại học đã bác bỏ những kết quả của nghiên cứu khi cho rằng chúng được dựa trên những dữ liệu khảo sát hẹp. Aviva đã phỏng vấn hơn 2.000 người trong độ tuổi từ 15 đến 55 như một phần của báo cáo tài chính gia đình thường xuyên của công ty này, “với những cuộc phỏng vấn phụ đối với hơn 1.000 người trong độ tuổi từ 18 đến 35, tạo điểm nhấn ở thế hệ thiên niên kỷ”.
Tuy nhiên, các số liệu thống kê chính thức của chính phủ về thị trường lao động của người tốt nghiệp đại học năm 2015, được công bố vào tháng Tư năm nay, tiếp tục cho thấy, nhìn chung các cử nhân có nhiều khả năng tìm được việc làm và thu nhập cao hơn so với những người không học đại học trong thị trường lao động.
Trong dân số nhóm tuổi lao động, người có bằng cấp bình quân kiếm được nhiều hơn những người không tốt nghiệp 9.500 Bảng. Tuy nhiên, khoảng cách này đã bị thu hẹp ở nhóm dân số trẻ, người có bằng cấp đại học có thu nhập cao hơn những người không có bằng đại học là 6.000 Bảng.
Hội Liên hiệp Sinh viên quốc gia Anh (NUS) trong khi từ chối bình luận cụ thể về những kết quả nghiên cứu của Aviva cho biết đã có quá nhiều sinh viên phải chịu cảnh cả đời trả nợ. Sorana Vieru, Phó Chủ tịch phụ trách giáo dục đại học của NUS, cho biết: “Hệ thống học phí 9.000 Bảng là một thí nghiệm thất bại và nó đã không kéo chất lượng giáo dục đại học đi lên hoặc không tài trợ một cách bền vững cho các thiết chế (các trường đại học, học viện) như đã hứa.
Sorana Vieru nói thêm: “Chỉ trong một năm, chính phủ đã hủy bỏ các khoản tiền chu cấp hoặc các học bổng NHS (Học bổng dành cho những người theo học các khóa về y tá, hộ sinh và bác sĩ với mong muốn làm trong Dịch vụ Y tế Quốc gia - National Health Service), cắt giảm trợ cấp của sinh viên khuyết tật, thay đổi các điều khoản hoàn trả nợ khiến sinh viên tốt nghiệp phải trả các khoản nợ của họ sớm hơn và hiện lên kế hoạch tăng thêm học phí. Chúng ta cần khẩn trương xem xét lại hệ thống tài chính không bền vững này, hệ thống sẽ đẩy nhiều sinh viên vào cảnh phải trả nợ cả đời”.