Chuyển mình sau 3 năm thi hành luật
PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định: “Từ khi Luật Thủ đô có hiệu lực và được quán triệt đến các cấp học trong ngành đã có những tác động tích cực đến nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD&ĐT Hà Nội. Những quy định đặc thù để GD&ĐT phát triển bền vững, những chính sách phát triển GD&ĐT để con em nhân dân Thủ đô được học ở trường chất lượng cao ngang tầm khu vực, ngay giữa Thủ đô là một mục tiêu rất có ý nghĩa. Đội ngũ cán bộ, giáo viên đã có trình độ chuẩn và trên chuẩn. Cơ sở vật chất đã được tăng cường. Một số nơi đã có trường học ngang tầm khu vực. Trang thiết bị dạy và học ngày càng hiện đại hơn. Chất lượng giáo dục ở những trường CLC đang có sự giám sát của toàn xã hội. Đây là một hướng đi đúng trong thời kỳ hội nhập và phát triển”.
Ngành GD&ĐT Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục
Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Để thực hiện Điều 12 của Luật Thủ đô, ngành GD&ĐT Hà Nội đã tham mưu với UBND Thành phố ban hành Quyết định 20/2013/QĐ-UBND ngày 24/6/2013 quy định cụ thể tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục chất lượng cao; Quyết định 21/2013/QĐ-UBND ngày 24/6/2013 quy định về việc bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao, ngoài chương trình GDMN, GD phổ thông để áp dụng đối với tất cả các cơ sở GDMN, giáo dục phổ thông CLC nhằm tạo hành lang pháp lý để các đơn vị giáo dục công lập thực hiện, đáp ứng nhu cầu của con em nhân dân Thủ đô. Cùng với đó, thêm một thuận lợi cho ngành GD&ĐT Hà Nội khi HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 15/NQ-HĐND đã tạo ra sự tích cực trong xây dựng môi trường giáo dục có tính cạnh tranh lành mạnh… Đặc biệt, trước khi Luật Thủ đô có hiệu lực, ngày 12/7/2012, Hà Nội đã ban hành quyết định về quy hoạch, phát triển hệ thống giáo dục của thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Điểm thuận lợi cho ngành GD&ĐT Hà Nội trong việc thực hiện Luật Thủ đô là mong muốn của nhân dân Thủ đô cho con em mình được học tập trong môi trường tốt, chất lượng tốt, ngang tầm khu vực. Thế nhưng, bên cạnh đó, ngành GD&ĐT Thủ đô cũng gặp phải khó khăn bởi địa bàn rộng, có nhiều cơ sở giáo dục ở xa trung tâm thành phố. Tình hình phát triển kinh tế các vùng miền còn nhiều chênh lệch.
Sau 3 năm thực hiện Luật Thủ đô, Hà Nội đã được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục THCS mức độ 1, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tính đến năm 2016, toàn thành phố đã có trên 2.600 trường học và các cơ sở giáo dục với hơn 1,7 triệu học sinh, gần 134 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên. Ngành GD&ĐT Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục, nhận được Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD&ĐT. Toàn thành phố đã có 1.135 trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó có 52,7% trường công lập).
Đặc biệt, Hà Nội đã có 11 trường học đã được Thành phố ra quyết định công nhận trường CLC (trong đó có 2 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 1 trường THCS, 3 trường THPT) và 14 trường đang thí điểm xây dựng theo các tiêu chí chất lượng cao. So với năm 2012, trước khi có Luật Thủ đô, toàn ngành chưa có đơn vị trường học thuộc cấp học nào đạt CLC theo đúng quy định.
Ngành GD&ĐT Hà Nội cũng đã tích cực phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Thủ đô và của dân tộc, đồng thời xây dựng văn hóa và nếp sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo Điều 11 và Điều 25 của Luật Thủ đô. Trên thực tế, từ năm học 2010-2011, bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” đã được đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông của Thành phố. Và từ khi có Luật Thủ đô, việc giảng dạy nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh càng được quan tâm và tăng cường.
Dẫn đường đến mô hình chất lượng cao
Một trong những nội dung trọng tâm của Luật Thủ đô về giáo dục và đào tạo là xây dựng các trường CLC. Khoản 3, Điều 12 của Luật Thủ đô nêu rõ: Xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông CLC trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Việc theo học tại các cơ sở giáo dục CLC theo nguyên tắc tự nguyện. Khoản 5 của Luật cũng chỉ rõ: UBND Thành phố có trách nhiệm quy định cụ thể các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục CLC. Quy định bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao ngoài chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông để áp dụng đối với các cơ sở giáo dục CLC.
Từ trước tới nay, trường CLC đã trở thành niềm mơ ước của các trường học trên địa bàn Thủ đô. Thế nhưng, trước khi Luật Thủ đô ra đời, các trường vẫn loay hoay không biết thế nào là một trường CLC và phải làm gì để đạt chất lượng cao. Nhà giáo Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Tất Thành cho rằng: Các tiêu chí cụ thể của Luật Thủ đô không chỉ giúp các cơ quan quản lý dễ dàng quản lý, kiểm tra các trường CLC mà còn giúp đưa ra các tiêu chí để cho các trường phấn đấu. Các tiêu chí hiện nay còn phù hợp với các quy định khác của Bộ GD&ĐT, UBND Thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, theo Sở GD&ĐT Hà Nội đây là một mô hình giáo dục mới nên công tác chỉ đạo, quản lý trong thực tiễn còn gặp một số khó khăn. Đó là, cơ chế tài chính chưa thực sự phù hợp; một số tiêu chí của trường CLC khó đạt; hướng dẫn cụ thể về quy trình vận hành chưa sâu nên một số trường còn gặp lúng túng trong thực tiễn quản trị hoạt động giáo dục theo hướng tự chủ tài chính và tổ chức…
Thực tế triển khai mô hình này cho thấy, với các trường công lập CLC, mức thu học phí hiện nay đã ở mức cao nhất so với trường công lập (mặc dù còn khoảng cách rất lớn với các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, thậm chí chỉ bằng 1/10) nên chưa thu hút được nhiều học sinh như dự kiến, điều này ảnh hưởng đến việc cân đối thu chi của các trường công lập. Các khoản thu chưa đủ chi cho việc tái đầu tư sức lao động, tăng cường cơ sở vật chất và dịch vụ tăng thêm. Trong khi đó, với các trường ngoài công lập thì đội ngũ giáo viên đảm bảo các quy định của trường CLC nhưng lại đang chịu sức ép về tính ổn định và số lượng giáo viên.
Khi một trường được công nhận trường CLC, nhà nước chỉ đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, việc sửa chữa, mua sắm trang thiết bị trong quá trình hoạt động sẽ thuộc về trách nhiệm của đơn vị từ nguồn kinh phí khấu hao tài sản cố định. Điều này cũng đã phần nào gây khó khăn cho các đơn vị trong quá trình hoạt động.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 15 – HĐND khi triển khai thực tế tại các trường công lập hiện đang thực hiện theo mô hình tự chủ một phần, nếu được công nhận trường CLC thì ngân sách chỉ hỗ trợ năm đầu, từ năm thứ hai, những đơn vị này sẽ phải tự chủ về tài chính, tự đảm bảo các hoạt động của nhà trường. Điều này đã gây tâm lý băn khoăn cho các trường tuyển sinh ít, không đủ chi trả lương và các hoạt động khác. Nhà giáo Trần Thị Hoàng Lâm – Hiệu trưởng trường MN Đô Thị Việt Hưng cho biết: “Khi tự chủ từ năm thứ hai, trường phải cân đối và tăng mức thu trên đầu học sinh. Thu càng cao thì số học sinh sẽ càng giảm, dẫn tới gây khó khăn cho phụ huynh và xã hội”.
Chính vì vậy, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tham mưu với Thành phố điều chỉnh một số điểm của Nghị quyết 15 của HĐND Thành phố về việc xây dựng, vận hành và phát triển trường CLC, đồng thời ban hành cơ chế tài chính đặc thù về công tác phổ cập, xây dựng trường chuẩn quốc gia, công tác tuyển dụng tại các trường CLC nhằm phát huy thế mạnh đặc thù của Thủ đô, xây dựng ngành GD&ĐT phát triển theo hướng bền vững, đào tạo ra những thế hệ học sinh tự tin và hội nhập thành công.
NGƯT.TS Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định: Thủ đô Hà Nội đang thực hiện sứ mệnh lớn lao trong những năm đầu thế kỷ 21, đó là dẫn đầu cả nước tiến vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trên cơ sở đạt được những thành tựu về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và an ninh quốc phòng. Muốn vậy không thể không bắt đầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ mỗi nhà trường. Đặc biệt, nguồn nhân lực chất lượng cao là tiền đề để Thủ đô cùng với cả nước tham gia vào khối ASEAN và chủ động bước vào thời kỳ hội nhập, phát triển.
Nhiều người dân Thủ đô có nhu cầu và mong muốn con em mình được học tập, rèn luyện trong một môi trường giáo dục tiên tiến, hiện đại, được thụ hưởng các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo dục chất lượng cao giống như những cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài nhưng có chi phí thấp hơn. Đây vừa là thuận lợi, vừa là thách thức đối với GD&ĐT Hà Nội. Nhiệm vụ của ngành GD&ĐT Thủ đô là phải tiếp tục thực hiện việc phát triển và duy trì hoạt động của các trường CLC theo quy định tại Điều 12 của Luật Thủ đô. Sự khác biệt rõ nét của các trường CLC và các trường khác là phương pháp giảng dạy của giáo viên và chương trình giáo dục. Hà Nội thực hiện “đi chậm mà chắc”, mỗi nhà trường cần nỗ lực tạo dựng uy tín, để chất lượng cao thực sự ở trong lòng dân.