Toàn cảnh buổi giao lưu
Phát biểu tại buổi giao lưu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang nhấn mạnh: Olympic các môn khoa học trẻ quốc tế (IJSO) là một kì thi dành cho học sinh lứa tuổi 15, được tổ chức bởi một hội đồng các nhà khoa học tâm huyết, các giáo sư hàng đầu đến từ nhiều nước trên thế giới. IJSO thường niên được tổ chức với mong muốn tạo ra một môi trường để các nước chia sẻ các kinh nghiệm giáo dục nhằm phát triển chất lượng giáo dục quốc gia nói riêng và tạo đà cho hợp tác giáo dục toàn cầu nói chung. Đây cũng là sân chơi tri thức tạo nhiều cơ hội cho học sinh được trải nghiệm với các hoạt động nghiên cứu khoa học và giao lưu với bạn bè quốc tế; đồng thời là sân chơi bổ ích, lý thú khuyến khích học sinh đam mê, đi theo con đường nghiên cứu khoa học ngay từ khi còn nhỏ tuổi. Đề thi của IJSO đưa ra các vấn đề khoa học để học sinh giải quyết, rèn luyện tư duy phản biện và kĩ năng thực hành. IJSO còn tạo cơ hội để giáo viên các môn khoa học trao đổi về chương trình giảng dạy, xu hướng phát triển giáo dục về các môn khoa học giữa các quốc gia, từ đó tác động tích cực đến việc giảng dạy liên môn toán học và các môn khoa học khác bằng tiếng Anh trong nhà trường. Tiếp cận với đề thi IJSO còn tạo ra thách thức đối với các giáo viên dạy các môn khoa học để thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy, tiếp cận với tri thức tiên tiến của nhân loại.
Đoàn học sinh Việt Nam tại kì thi Olympic khoa học trẻ quốc tế lần thứ 14
Các bài thi của IJSO bao gồm các bài kiểm tra lý thuyết và thực hành về các chủ đề khoa học như Sinh học, Vật lý, Hóa học, Toán học. Các bài kiểm tra được thiết kế nhằm tập trung sự hiểu biết của học sinh về các khái niệm và khả năng áp dụng các khái niệm cho các tình huống được mô tả trong các bài kiểm tra. Các học sinh tham dự kì thi phải trải qua ba phần thi bao gồm: Bài thi tự luận (multiple choice examination), bài thi lý thuyết (theoretical examination), bài thi thực hành (experimental examination), mỗi bài thi đều chứa các câu hỏi thuộc về 3 lĩnh vực chính: Vật lí, Hóa học và Sinh học.
Công tác chuẩn bị ra đề thi IJSO được BTC chuẩn bị rất chu đáo, cẩn trọng. Các nước đăng cai đăng ký trước từ 2- 3 năm. Đối với Việt Nam và nhiều nước không nói tiếng Anh, công tác này càng quan trọng hơn vì việc dịch đề càng chính xác thì càng giúp cho học sinh hiểu rõ nội dung và yêu cầu của các câu hỏi.
Tính từ năm 2004 đến 2017, IJSO đã tổ chức 14 lần, năm nay 2018 sẽ là lần thứ 15 được tổ chức tại Boswana. Việt Nam đã tham dự 10 năm với kết quả ấn tượng 47 huy chương các loại, trong đó có 5 HCV, 23 HCB, 19 HCĐ. “Có thể nói, thành tích nổi bật qua các kì IJSO của Việt Nam được cải thiện đáng kể nhờ vào sự đầu tư, quan tâm của Bộ GD&ĐT, UBND Thành phố Hà Nội, sự chỉ đạo quyết liệt và chủ trương linh hoạt của Sở GD&ĐT từ công tác chọn đội tuyển đến công tác huấn luyện đội tuyển. Các học sinh đội tuyển sau khi tham dự kì thi IJSO trở về, nhiều em tiếp tục tham gia vào các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, quốc tế các môn khoa học tự nhiên, tham dự kì thi nghiên cứu khoa học dành cho học sinh và đạt được thứ hạng cao. Hầu hết các học sinh sau đó đều đi di học ở các trường đại học top đầu trên thế giới. Kết quả này một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của kì thi IJSO trong việc xây dựng nền tảng kiến thức và sự đam mê khoa học của các em học sinh”- Phó Giám đốc Lê Ngọc Quang nhận định.