Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện chính sách phát triển GDMN giai đọan 2006-2015.
Dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Phó chủ nhiệm UB Văn hóa GD thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng cùng đại diện chính quyền, Sở GD&ĐT 63 tỉnh thành, các trường ĐH, CĐ sư phạm cùng tham gia hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: Hội nghị toàn quốc 10 năm phát triển GDMN nhằm tổng kết, đánh giá một giai đoạn với những dấu mốc quan trọng về phát triển GDMN của đất nước, khẳng định những kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế, khó khăn, bất cập, nguyên nhân cũng như bài học kinh nghiệm.
Trên cơ sở đó xác định phương hướng phát triển GDMN giai đoạn 2016-2025 phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển của GDMN khu vực và thế giới.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, Bộ GD&ĐT ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu và sẽ hoàn thiện báo cáo này để trình Chính phủ.
Phát triển vượt bậc
Từ bậc học non yếu nhất trong hệ thống GD, sau 10 năm, với sự quyết tâm của Chính phủ, Bộ GD&ĐT cùng các địa phương và người dân trong việc đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực, đến nay, GDMN có sự khởi sắc đáng ghi nhận.
Theo Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Bá Minh, năm học 2005-2006, cả nước có 11.009 trường thì đến năm 2014-2015, số trường học của bậc MN đã đạt 14.203 trường, trong đó có 12.379 trường công lập. Trường lớp mở rộng lại ngày một khang trang, đội ngũ giáo viên tăng (277.684 người) nên số trẻ ra lớp cũng ngày một đông. Năm học vừa qua, cả nước huy động được 25,3% trẻ nhà trẻ ra lớp. Trẻ mẫu giáo đạt 88,3%, riêng trẻ 5 tuổi đi lớp luôn ở mức 99,4%.
Trẻ ra lớp đông nên Bộ GD&ĐT thường xuyên yêu cầu các trường học phải đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ thông qua việc xây dựng trường học an toàn. Các địa phương cũng thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở GDMN xây dựng kế hoạch và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất, tinh thần cho trẻ; Phối hợp với ngành Y tế triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho trẻ trong các cơ sở GDMN.
Đảm bảo 100% trẻ đến trường được khám sức khỏe định kỳ và theo dõi sự phát triển bằng biểu đồ tăng trưởng. Trẻ được ra lớp, học chương trình mới nên chất lượng GD không ngừng được cải thiện. Thay vì tập trung vào việc dạy kiến thức, trẻ tiếp thu thụ động nay trẻ trở thành trung tâm của mọi hoạt động, mọi phương pháp giáo dục.
Phương châm "học bằng chơi, bằng trải nghiệm" đã giúp trẻ có tuổi thơ trọn vẹn qua những vần thơ, câu ca và những trò chơi dân gian. Mỗi giờ học trên lớp, góc chuyên đề hay buổi ngoại khóa, trẻ lại được trải nghiệm và sáng tạo theo sở thích, trí tưởng tượng của mình.
Cùng vào cuộc
Có được kết quả trên, trước hết là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua chính sách phát triển GDMN.
Thực hiện Đề án đổi mới cơ chế tài chính giai đoạn 2009-2014, tỷ lệ nhà nước chi cho GD đào tạo tương đối cao (chiếm từ 5,5% đến 5,6% GDP). Tỷ trọng chi ngân sách Nhà nước cho GD&ĐT trong giai đoạn này cũng chiếm 20% tổng chi ngân sách, trong đó chi cho GDMN tăng từ 11,5% đến 14%.
Bên cạnh việc tăng ngân sách cho GD, Nhà nước còn thực hiện chế độ miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ là con hộ nghèo và cận nghèo. Trong 4 năm, từ 2012-2015, số trẻ được hỗ trợ ăn trưa là 1.816.667 trẻ với tổng số tiền là 1.962 tỷ đồng.
Trong những năm qua, các địa phương cũng đã tăng chi ngân sách cho GDMN, nhờ vậy mức chi bình ngân ngân sách/trẻ/năm tăng từ 2,1 triệu đồng năm 2005 lên 5,8 triệu đồng/trẻ năm 2014.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng cho biết: Tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển GDMN, cụ thể là hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp, thu gọn điểm lẻ và phát triển đội ngũ nhà giáo để tiến tới đảm bảo đủ định biên giáo viên/lớp, linh hoạt vận dụng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, nông thôn mới để đáp ứng nhu cầu phát triển GDMN đồng thời kêu gọi xã hội hóa từ doanh nghiệp, phụ huynh.
Tiếp tục phấn đấu
Trong bối cảnh đời sống người dân còn nhiều khó khăn, rõ ràng những đầu tư cho GD nói chung và GDMN nói riêng đôi khi chưa được như ý muốn. Điều này khiến cho một số chỉ tiêu đạt còn thấp. Điển hình như tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp chưa đạt mức 30% như mục tiêu. Cả nước mới có 31,1% trường MN đạt chuẩn quốc gia thay vì 50% như kỳ vọng.
Ngoài ra, mạng lưới trường lớp tuy phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu gửi con của người dân, đặc biệt ở các khu đô thị, khu công nghiệp khiến nhiều gia đình phải gửi con ở nhóm trẻ tự phát, không đảm bảo an toàn. Tại các vùng, miền vẫn còn khoảng cách về chất lượng GD và chăm sóc trẻ. Tình trạng thiếu GV chưa được khắc phục.
Đặc biệt ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung bộ, tỷ lệ giáo viên/lớp còn thấp. Cả nước vẫn còn 30.090 nhóm, lớp ghép 2 đến 3 độ tuổi. Ở một số điểm lẻ, trẻ 5 tuổi chưa được tách thành lớp riêng để chuẩn bị tâm thế vào lớp 1...
Trước thực trạng trên, các đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng cần phải coi GDMN là gốc, là giai đoạn vàng cho mọi sự phát triển sau này nên sớm khắc phục điểm yếu để tạo điều kiện cho GDMN phát triển hơn nữa.
Theo đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa, thực tế chứng minh ở đâu kinh tế phát triển, ở đó GDMN khởi sắc và ngược lại. Vì vậy, cần tháo gỡ khó khăn về cơ chế để đầu tư cho GDMN ngang bằng với bậc học khác. Cần có chính sách đủ mạnh, ưu đãi để thu hút xã hội hóa giáo dục giống như các ngành khác. Xác định rõ tư tưởng, phổ cập là trách nhiệm của cả trường công lẫn trường tư nên phải được đầu tư công bằng, dưới nhiều hình thức. Quan tâm hơn nữa đến trẻ dưới 5 tuổi...
-Tính đến hết năm học 2014-2015, cả nước 14.203 trường MN, 277.684 giáo viên. Có 14.199 trường thực hiện chương trình GDMN mới.
-Cả nước hiện có 97,8% đơn vị cấp xã, 92,4% đơn vị cấp huyện và 71,4% đơn vị cấp tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi. Những tỉnh còn lại phấn đấu đạt chuẩn năm 2016.
GDMN có sự phát triển vượt bậc, có tính cách mạng từ hệ thống văn bản đến cơ sở vật chất, đội ngũ và sự tin tưởng của phụ huynh thể hiện qua số trẻ ra lớp. Có thể nói, đây là tài sản quý, là tiền đề cho sự phát triển những năm tiếp theo. GĐ Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế Phạm Văn Hùng.
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân nên số phòng học kiên cố liên tục tăng, đồ dùng dạy học trang bị đầy đủ, phong phú. Đội ngũ GV không chỉ tăng về số lượng, chất lượng mà đời sống cũng được cải thiện. Thay vì nhận thóc, gạo, nay các cô lĩnh lương theo thang bậc, trình độ, được đóng bảo hiểm xã hội, y tế như các bậc học khác... Vụ trưởng Vụ GDMN Nguyễn Bá Minh.
Theo GD&TĐ