Buổi tọa đàm được tổ chức ở thời điểm học sinh chuẩn bị đối mặt với các kỳ thi vượt cấp, sẽ là cơ hội để các em bày tỏ nỗi lòng. Qua đó, cha mẹ, thầy cô, các nhà quản lí cùng thấu hiểu, đồng cảm, có cái nhìn thực tế trọn vẹn, sâu sắc hơn để chia sẻ, đồng hành cùng các em trong chặng đường chinh phục tri thức hiện tại và tương lai.
Tại buổi tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cùng các nhà giáo dục giàu kinh nghiệm như nhà giáo Phạm Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên; nhà giáo Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương; nhà giáo Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Trưng Vương đã trao đổi, chia sẻ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của học sinh cùng quý vị phụ huynh. Thông qua tọa đàm, nhiều khúc mắc, nỗi niềm trăn trở đã kịp thời được giải đáp; nhiều kiến thức, kĩ năng sống giúp các em chủ động nắm bắt cơ hội trong thời đại mới; biết cách vượt qua khó khăn, giải quyết các tình huống trong học tập và cuộc sống; loại bỏ rào cản giữa các thế hệ, giúp cha mẹ và học sinh thấu hiểu nhau hơn.
Nhiều câu hỏi, chia sẻ thẳng thắn, hồn nhiên của các em khiến tất cả những người lớn tham gia tọa đàm phải day dứt. Chẳng hạn như giải quyết thế nào trước những bối rối, cảm xúc mới mẻ của bản thân với bạn khác giới khi bước vào tuổi dậy thì? Làm thế nào để giải tỏa tâm trạng lo âu, căng thẳng trước mỗi kì thi để học tập tốt? Làm sao để cai nghiện game? Tại sao cha mẹ chỉ luôn chì chiết, chỉ trích, mắng nhiếc con cái mà chưa từng một lần động viên, ngợi khen những nỗ lực, cố gắng, thành quả mà con đạt được? Tại sao bố mẹ luôn so sánh mình với “con nhà người ta”? Và làm thế nào để thuyết phục bố mẹ ủng hộ mình chinh phục đam mê, năng khiếu của bản thân? …
Bên cạnh đó, trong hành trình trưởng thành của con trẻ ngày nay có rất nhiều vấn đề cần quan tâm. Bởi lẽ xã hội phát triển, đặc biệt là công nghệ thông tin, khiến cho các em sớm tiếp xúc với những vấn đề người lớn, các em dậy thì sớm. Trong quá trình dậy thì đó ngoài sự biến đổi về mặt cơ thể thì tâm sinh lí các em cũng có nhiều phức tạp. Chính lúc này mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái rất dễ xảy ra nếu như người lớn không quan tâm, gần gũi và tìm hiểu trẻ. Cách tốt nhất, đó chính là làm bạn với trẻ, nói cho trẻ và dạy trẻ biết đúng sai thay vì cấm đoán vô lí và áp đặt.
Nhà giáo Vương Hương Giang, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm chia sẻ tại tọa đàm rằng bất cứ người làm cha, làm mẹ nào cũng đều cùng chung mong ước nuôi dưỡng, giáo dục, chăm lo cho con em một cách tốt nhất, hiệu quả nhất: “Quan trọng hơn, để mỗi em học sinh có một trong tọa đàm hôm nay có thể thêm hiểu, thêm yêu và trân trọng nhất giá trị của bản thân mình, để các em luôn thấy xung quanh các em là bạn bè, thầy cô, cha mẹ, những người luôn đồng hành và cũng luôn sẵn sàng thay đổi để làm bạn với các em, để mỗi thấy có, mỗi người cha, người mẹ chúng ta được các em tin cậy trao cơ hội là điểm tựa tinh thần cho các em khi gặp khó khăn”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam tham dự tọa đàm bằng những chia sẻ thực tế, câu chuyện hài hước, dí dỏm để thấy thời nào cũng có những khó khăn, áp lực mỗi học sinh phải vượt qua. Đồng thời, chuyên gia đầu ngành Trần Thành Nam cùng các nhà quản lí giáo dục cũng truyền thụ những bí kíp hiệu quả mà bản thân đã áp dụng thành công để vượt qua những chông gai tuổi vị thành niên.
Không chỉ các chuyên gia giải đáp, nhiều câu hỏi cũng được chính các em học sinh giải đáp bằng kinh nghiệm từng trải của bản thân.
Tại buổi tọa đàm, thầy cô là cầu nối giữa các bậc phụ huynh và các con học sinh để cùng tìm ra phương án giải quyết tối ưu. Các bậc phụ huynh, học sinh đều bày tỏ mong muốn sẽ được tham gia nhiều hoạt động tương tự, giúp các em học sinh thêm tự tin, kiểm soát tốt tâm lí, biết cách giải quyết các tình huống “có vấn đề” để trở thành công dân toàn cầu thế kỉ 21 tài giỏi – sáng tạo – tự tin – bản lĩnh!