Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, đã tạo nên nền văn hiến rực rỡ mang đậm dấu ấn Thủ đô. Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 đã ghi dấu một chặng đường phát triển của Thủ đô Hà Nội, mà còn là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Trong không khí tiết trời đẹp của mùa Xuân Hà Nội, hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội, Trường THCS Ngô Gia Tự, quận Long Biên đã tổ chức Buổi gặp mặt những nhân chứng lịch sử của Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động Chào mừng 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (1954 – 2024) của nhà trường, nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị lịch sử của Thủ đô, truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và Nhân dân Hà Nội trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, qua đó khơi gợi trong các em học sinh trường THCS Ngô Gia Tự tình yêu, lòng tự hào về những trang sử vẻ vang của nhân dân thủ đô trong cuộc đấu tranh dựng nước giữ nước vĩ đại.
Nhà trường vinh dự và tự hào khi được chào đón sự hiện diện của cụ Trần Quý Ngưỡng, cụ Nguyễn Văn Thiệu – những người lính đầu tiên thuộc tiểu đoàn 308 tiến vào tiếp quản Thủ đô, những cựu chiến binh hiện đang sinh sống trên địa bàn phường Đức Giang.
Đến dự với chương trình có sự hiện diện của lãnh đạo Đảng ủy phường Đức Giang, các đồng chí là Bí thư, Tổ trưởng tổ dân phường trên địa bàn phường Đức Giang, Ban Giám hiệu, thầy cô giáo và các em học sinh tiêu biểu của trường THCS Ngô Gia Tự.
Trong buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Mậu Minh - Bí Thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường đã có đôi lời phát biểu cũng như gửi những bó hoa, món quà ý nghĩa để bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn với hai bác cựu chiến binh đã có những đóng góp to lớn cho chiến thắng của quân và dân Thủ đô trong những năm tháng lịch sử năm 1954.
Đặc biệt, trong cuộc gặp gỡ này, các thầy cô giáo cùng các em học sinh đã được lắng nghe hồi ức về thời khắc lịch sử của ngày Giải phóng thủ đô 10/10/1954 từ các nhân chứng lịch sử - cụ Trần Quý Ngưỡng, cụ Nguyễn Văn Thiệu.
Những hồi ức được các nhân chứng lịch sử chia sẻ là những điều vô cùng quý giá đối với các em học sinh nhà trường. Trong sự xúc động, bồi hồi, các em đã có những nhận thức rõ hơn về truyền thống vẻ vang của thủ đô Hà Nội, đồng thời ý thức được vai trò của thế hệ trẻ ngày hôm nay trong công cuộc dựng xây đất nước, tiếp bước chiến công của thế hệ đi trước.
Buổi gặp mặt các nhân chứng lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 do trường THCS Ngô Gia Tự tổ chức ngày đã thành công tốt đẹp, và những dư âm sau đó sẽ còn được nhắc lại mãi đối với các thế hệ học sinh trường Ngô Gia Tự.