Xã Thanh Thùy nơi cô giáo Phan Thị Thúy Vân công tác có nhiều nghề phụ như nghề kim khí, điêu khắc, làm trống,.. Làng nghề phát triển đời sống nhân dân trong xã ngày càng được nâng cao, nhưng đồng thời cũng nẩy sinh ô nhiễm môi trường về không khí, tiếng ồn, nguồn nước. Vậy làm thế nào để gìn giữ môi trường sống được trong lành? Trước hết cô giáo đưa vấn đề Tích hợp vào trong các hoạt động dạy học, giáo dục như: xây dựng chủ đề, chủ điểm trong các tiết sinh hoạt lớp, tiết Hoạt động ngoài giờ lên lớp. Đặc biệt, trong các tiết dạy “Văn minh thanh lịch”, tiết dạy Hoạt động ngoại khoá các vấn đề địa phương trong môn Giáo dục công dân, nhằm nâng cao ý thức, hành động của mỗi học sinh về bảo vệ môi trường Xanh - Sạch - Đẹp.
Để tạo được cuộc tuyên truyền rộng lớn, mỗi khối cô giáo thành lập một câu lạc bộ, hướng dẫn các em sáng tác thơ, bài hát, vè, vẽ tranh, đóng các tiểu phẩm, về chủ đề bảo vệ môi trường. Và thi tập làm phóng viên môi trường để các em có cơ hội đến các hộ gia đình điều tra và tuyên truyền. Để hoạt động của các em học sinh đạt được kết quả tốt nhất, cần phải huy động được sự giúp đỡ của các lực lượng giáo dục khác. Vì vậy, cô giáo đã tìm gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương, Hội làng nghề; Hội phụ nữ; Đoàn thanh niên để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Xã Thanh Thùy có nghề phụ cho nên phụ huynh ít quan tâm đến hoạt động vui chơi sau giờ học của các em. Ở nhà sân chơi của các em là chiếc máy tính, chiếc điện thoại với những trò chơi không lành mạnh. Ở trường giờ ra chơi ngoài trò đánh tú lơ khơ, đá bóng các em không còn trò chơi nào khác. Trong dạy học và tự nghiên cứu, cô giáo thấy có nhiều trò chơi dân gian rất có giá trị nhưng ngày nay đã bị mai một, phần lớn học sinh ngày nay không biết đến.Vậy làm thế nào để các em học sinh có một sân chơi bổ ích, lành mạnh và giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc qua các trò chơi dân gian.
Cô giáo Thúy Vân đã mạnh dạn đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường kết hợp với các em chi đội trưởng ở 14 lớp làm phiếu điều tra tìm hiểu về sự hiểu biết các trò chơi dân gian của học sinh, kết quả thu được rất đáng buồn khi các em chỉ kể được tên vài trò chơi dân gian nhưng không biết cách chơi, luật chơi. Vì vậy, cô giáo đã kết hợp với Tổng phụ trách đội, Bí thư chi đoàn trường cùng 14 giáo viên chủ nhiệm lớp hướng dẫn cho các em những trò chơi dân gian thông qua các tiết Sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, Thể dục. Thực tế cho thấy, sau khi được hướng dẫn và thực hiện các trò chơi dân gian các em học sinh đã rất hứng thú, yêu thích các trò chơi dân gian, một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Đặc biệt ngày lễ hội Làng, Tết Nguyên Đán, rằm Trung thu, cô giáo chủ động gặp các cụ trong Hội người cao tuổi và Đoàn thanh niên xin tổ chức cho các em chơi các trò chơi dân gian.
Trong các giờ ra chơi, cô giáo Thúy Vân nhận thấy các em học sinh đã chơi các trò chơi dân gian rất nhiệt tình như: chơi truyền, nhảy lò cò, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê,.. còn các trò chơi không lành mạnh đã bị đẩy lùi. Và các em tham gia dự thi bài Tích hợp liên môn với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị các trò chơi dân gian” kết quả 02 em đã đạt giải Ba cấp Thành phố. Trò chơi dân gian giúp các em sống gần gũi, đoàn kết, có tinh thần tập thể đồng thời đẩy lùi các các tệ nạn xã hội, lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.