Là một giáo viên giảng dạy môn Ngữ Văn trường THCS Sài Sơn, huyện Quốc Oai,
cô giáo Phan Thị Hoàn được đồng nghiệp và cấp trên đánh giá là một giáo viên, giáo viên chủ nhiệm tận tụy với học sinh. Luôn quan tâm giúp đỡ bằng cả vật chất, tinh thần với đối tượng học sinh cá biệt, học sinh khó khăn, khuyết tật. Cô giáo Phan Thị Hoàn luôn sẵn sàng đứng ra nhận dạy và chủ nhiệm lớp gồm toàn học sinh cá biệt hoặc học kém trong một khối để giáo dục. Khi nhiều giáo viên còn ngần ngại tiếp cận lớp học mô hình VNEN, cô giáo mạnh dạn xin với Ban Giám hiệu được dạy một lớp để tiếp cận những phương pháp và hình thức tổ chức lớp học mới.
Bên cạnh đó, cô giáo luôn tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia vào phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, vận dụng các phương pháp mới vào quá trình dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh, đặc biệt đã ứng dụng một các rất hiệu quả CNTT trong quá trình dạy học.
Năm 2012, rất nhiều giáo viên không riêng gì môn Ngữ văn sử dụng trang web của Bachkim.vn (violet.vn) để tải giáo án, tư liệu phục vụ cho công tác giảng dạy. Nhưng những tư liệu này bị đưa lên rất tùy tiện, thiếu sự tập hợp khoa học, chưa có chất lượng và làm mất nhiều thời gian tìm kiếm mà vẫn không thỏa mãn nhu cầu của giáo viên. Vì thế, cô giáo đã dành nhiều thời gian sưu tập, biên tập trên máy tính những tư liệu cho môn Ngữ văn từ hình ảnh đến audio, video, bảng biểu và toàn văn các tác phẩm có đoạn trích đưa vào giảng dạy trong nhà trường và cả các văn bản tham khảo có liên quan trực tiếp đến tác giả, tác phẩm được đưa vào giảng dạy rồi sắp xếp thành từng mục, theo từng lớp 6,7,8,9 và lưu thành đĩa với tên “Đĩa tư liệu Ngữ văn cấp THCS” tiện lợi cho việc tra cứu. Hơn nữa tập hợp vào đĩa, giáo viên có thể sao chép vào ổ cứng của máy tính để sử dụng mà không cần kết nối mạng internet.
Để có hình ảnh cho các văn bản có liên quan đến vùng lãnh thổ hoặc đặc điểm địa lí tôi không chỉ sưu tầm ảnh có sẵn trên mạng internet mà cô còn sử dụng một số phần mềm như Google Earth để chụp ảnh vệ tinh, Gimp để cắt, chỉnh sửa ảnh. Để có bảng biểu phục vụ cho các bài dạy Ôn tập, tổng kết, cô giáo đã biên soạn các sơ đồ kiến thức trên giấy sau đó trình bày thành bản Power Point giúp giáo viên có thể đưa luôn vào bài giảng. Để cả giáo viên và học sinh có cơ hội đọc toàn văn các văn bản thơ hoặc truyện dài được học trong chương trình, cô giáo đã tìm kiếm trên các trang web văn học tin cậy như Thivien.net, Vnthuquan.org để tìm đọc văn bản và chuyển thành sách ebook bằng phần mềm pdf hoặc prd. Để có audio, video cũng vậy, cô giáo đã dày công tìm kiếm và biên tập để hỗ trợ cho cả giáo viên và học sinh tiếp cận văn bản tiện lợi nhất.
Đồ dùng dạy học thứ 2 của cô giáo là “Đĩa tư liệu về địa phương Quốc Oai”. Để có nguồn tư liệu phong phú, tin cậy, ngoài việc tự tìm hiểu trên mạng, cô chủ động tìm đến cả các nhà báo, nhà giáo, lãnh đạo một số địa phương trong huyện, lãnh đạo Ban chỉ huy quân sự huyện Quốc Oai, cổng thông tin điện tử huyện Quốc Oai, mượn cuốn sách “Lịch sử đảng bộ Quốc Oai”, “Lịch sử đảng bộ Sài Sơn”, cập nhật những thông tin địa phương như Cây di sản, Di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gian…với mục đích biên soạn nguồn tư liệu phục vụ dạy học Văn, Sử, Địa địa phương.
Đĩa tư liệu tích hợp nhiều lĩnh vực: Địa lý, Lịch sử, Sinh học, Văn học, Văn hóa nghệ thuật và được biên tập theo từng mục rõ ràng. Địa lí thì biên tập theo tên địa danh xã. Lịch sử thì biên tập theo dòng thời gian: từ cổ đại đến trung đại và hiện đại. Văn hóa nghệ thuật thì biên tập theo lĩnh vực văn học, nghệ thuật …Trong mỗi thư mục gồm nhiều dạng tư liệu: văn bản chữ, video, audio, hình ảnh…
Có thể nói với “Đĩa tư liệu Ngữ văn cấp THCS” có thể giúp ích rất nhiều, thậm chí lâu dài cho giáo viên Ngữ văn chung của cả nước mà không hề tốn kém về tài chính; còn “Đĩa tư liệu về địa phương Quốc Oai” có ý nghĩa rất lớn cho việc dạy chương trình địa phương của huyện Quốc Oai, giúp học sinh huyện Quốc Oai hiểu đầy đủ, cụ thể và khơi dậy niềm tự hào sâu sắc cho các em về quê hương chính mình.