Cô giáo em là cô Lê Thị Vân, hiện là giáo viên dạy toán của trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Qua lời kể của cô: “Ngày đó, cô chuyển từ Ninh Bình ra Thủ đô để đoàn tụ gia đình; năm học 2012 - 2013, cô được phân công về trường THCS Khương Đình công tác và chủ nhiệm lớp 7A4. Khi bắt đầu tiết học, cô thật sự ngạc nhiên khi thấy các học trò lớp mình rất ham chơi và hiếu động. Sau khi nhận lớp 1 tháng cô bị khản giọng, mất tiếng không nói nổi. Sau nhiều đêm băn khoăn, trăn trở cô nghĩ mình phải làm gì để khắc phục được tình trạng này, làm sao để giúp được những học trò học yếu cố gắng vươn lên và yêu thích môn toán bây giờ? Thế rồi, bằng tình yêu thương, sự quan tâm, chân tình và cởi mở, cô dành thời gian tìm hiểu để biết từng hoàn cảnh của học trò, rồi tìm cách động viên, khích lệ, ân cần chỉ bảo, giúp đỡ mỗi trò theo một cách riêng. Sau 3 tháng, các anh chị đã tiến bộ rõ rệt cả về ý thức và học tập, lớp cô được nhận Cờ luân lưu xuất sắc dẫn dầu toàn trường. Năm sau, cô Vân tiếp tục làm chủ nhiệm lớp 8A4, chất lượng học tập và mọi hoạt động của lớp diễn ra rất tốt và lớp đã 02 lần được nhận Cờ luân lưu xuất sắc. Tuy cô không chủ nhiệm tiếp lớp 9 nữa, nhưng các anh, các chị học sinh lớp 9A4 vẫn rất yêu quý cô. Sau này, khi đã đỗ vào các trường đại học nhưng tình cảm mà các anh chị dành cho cô vẫn vẹn nguyên như ngày nào”.
Những năm học tiếp theo, thấy lớp có nhiều bạn học yếu, cô đưa ra đề xuất sẽ thưởng cho bạn nào đạt từ điểm 9 trong các bài kiểm tra nếu là học sinh nhóm I, từ điểm 8 nếu là học sinh nhóm II để có sự thi đua trong các nhóm và trong lớp. Sau kỳ thi học kỳ I, cô có phần thưởng cho những học sinh đạt điểm 9 trở lên, để khích lệ tinh thần học tập của học trò và cũng là động lực giúp chúng em phấn đấu hăng say hơn trong học kỳ II. Đến kỳ thi vào THPT, các anh chị đạt điểm cao cô đều có phần thưởng động viên làm động lực tích cực cho những học sinh khóa sau noi gương mà cố gắng phấn đấu.
Bên cạnh đó, cô thường xuyên kèm cặp, chỉ bảo tận tình cho những bạn tiếp thu chậm vào quỹ thời gian cho phép. Trong mỗi giờ học, nếu thấy học sinh mệt mỏi, uể oải, cô lại kể cho cả lớp nghe một mẩu chuyện nhỏ, hài hước để khuấy động không khí; giờ ra chơi cô thường ngồi lại tâm sự chuyện trò để biết hoàn cảnh từng học sinh mà kịp thời động viên, giúp đỡ nếu cần. Cô thực sự coi học trò như những đứa con của mình, giờ sinh hoạt lớp, giờ hoạt động ngoài giờ lên lớp, cô thường lồng ghép chia sẻ những kỹ năng mềm, những câu chuyện có thực trong cuộc sống hoặc những câu chuyện sưu tầm trên báo, mạng, những bài thơ, bài văn và tổ chức các hoạt động cho lớp. Cô còn tham gia thi văn nghệ, dạy múa võ rồi cùng các trò biểu diễn khi lớp cô phụ trách có tiết sinh hoạt dưới cờ sáng thứ hai đầu tuần.
Mỗi năm khi giao mùa, cô thường đem áo khoác mùa đông của học sinh bỏ quên không đem về giặt sạch sẽ thơm tho rồi đem đến gửi cô Tổng phụ trách phát thanh trên loa xem bạn nào để quên đến nhận và chỉ một thoáng thôi số áo đó đã hết, thậm chí là cả áo sơ mi trắng và quần áo thể thao.
Em còn nhớ khi trường em đang trong thời gian xây lại, phải thuê địa điểm bên trường Trung cấp sư phạm mẫu giáo Hà Nội, không may cô bị ngã xe máy vỡ mắt cá chân, phải bó bột tới một tháng. Khi được gỡ bột, chân cô vẫn đau, đi lại phải dùng nạng hỗ trợ nhưng cô vẫn không quản ngại, gom nhặt quần áo của học sinh về giặt sạch sẽ, gấp cẩn thận đem đến trường trả cho các bạn với số lượng lên tới hơn 60 bộ quần áo. Trong tủ lớp, lúc nào cô cũng có sẵn hai cuộn chỉ màu trắng, đen, một túi nhỏ cúc áo để phòng khi học sinh nô đùa không may bị tuột chỉ hoặc đứt cúc áo thì cô khâu luôn cho ngay tại lớp.
Em cũng từng chứng kiến và ghi lại được hình ảnh cô bôi kem nẻ cho các em học sinh lớp 6A9 mà cô chủ nhiệm, bôi thuốc trị côn trùng cắn cho em Dương Ngô Tiến Dũng lớp 7A6, một việc làm tưởng như rất nhỏ thôi nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong trái tim của chúng em. Bởi lúc đó, không còn khoảng cách Cô - Trò nữa mà cô thân thương, gần gũi như một người mẹ vậy.
Trong lớp, có những học sinh ham mê game online bỏ cả buổi học, thậm chí đi đến nửa đêm, cô đã cùng phụ huynh đi tìm và khuyên nhủ, dùng tình cảm thuyết phục dần dần để học sinh hiểu vấn đề và thay đổi. Ví dụ như anh Hà Mạnh Khang học sinh lớp 8A3 (Năm học 2014 - 2015) từ một học sinh tự kỷ không ghi chép bài chỉ ngồi trong lớp gây rối, hay nổi cáu…, thế mà được cô quan tâm động viên, anh đã tiến bộ rất nhiều. Cô đã thuyết phục được gia đình cho anh đi học trường Cao đẳng nghề Mỹ thuật Công nghiệp sau khi học xong lớp 9.
Trường hợp anh Bùi Gia Huy học sinh lớp 8A6 bị bạo bệnh, liệt hai chi dưới, phải mở khí quản trợ thở, tính mạng bị đe dọa nguy cấp. Cô giáo Hiệu trưởng viết thư kêu gọi các tấm lòng hảo tâm, các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh và học sinh toàn trường giúp đỡ tinh thần và vật chất để gia đình anh Huy đỡ khó khăn trong thời gian điều trị bệnh. Chính cô Vân đã là người nhiệt tình hưởng ứng và kêu gọi mọi người ủng hộ với số tiền lên đến 12.510.000 đồng, tổng số tiền qua 3 lần quyên góp lên tới 235.546.000 đồng. Với số tiền đó, gia đình anh Huy đã có kinh phí điều trị kịp thời, nhờ vậy qua cơn nguy kịch và hiện nay anh đã khỏe mạnh, trở lại đi học bình thường cùng với chúng em. Tuy anh phải học xuống một lớp so với các anh chị cùng trang lứa nhưng đó là niềm hạnh phúc vô bờ cho gia đình anh, cho tất cả các thầy, các cô, học sinh toàn trường THCS Khương Đình nói riêng và cho tất cả những tấm lòng thương yêu giúp đỡ anh Huy nói chung.
Không những thế, cô còn đưa học sinh đi thăm và tặng quà Tết nhằm động viên và chia sẻ với các bệnh nhân trong viện K không được về quê ăn Tết; đến Bệnh viện Nhi, Bệnh viện huyết học và truyền máu Trung ương vào dịp Tết thiếu nhi 1/6 để thăm hỏi và trao quà cho các bé phải nằm viện. Cô muốn cho các em học sinh thấy sức khỏe quý trọng như thế nào và thấy được mình may mắn, hạnh phúc hơn rất nhiều người; từ đó giúp chúng em cố gắng nỗ lực và trân quý bản thân, trân trọng cuộc sống, biết suy nghĩ tích cực, biết nhận và sửa lỗi khi mình mắc lỗi.
Khi đọc được những lời kêu gọi sự hỗ trợ giúp đỡ trên mạng, với tinh thần thương người như thể thương thân, cô Vân kêu gọi các thầy cô, bè bạn và mọi người giúp đỡ em Nguyễn Khánh Tùng, học sinh lớp 4 bị hen phế quản cấp dẫn đến hôn mê, tim và phổi phù nề, suy cấp điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số tiền quyên góp được là 9.900.000 đồng; hiện nay, em Khánh Tùng đã khỏe mạnh và trở lại trường học.
Tháng 3/2019, nhà trường có nhận được 2,5 tấn khoai lang của đồng bào Gia Lai kêu gọi giải cứu, cô Vân là người rất nhiệt tình trong việc kêu gọi các bậc phụ huynh, bạn bè và học sinh lớp 8A4 chúng em; kết quả lớp 8A4 đã tiêu thụ được 246kg thu về 3.200.000 đồng, nhà trường cũng đã bán hết số khoai lang đó trong một buổi sáng vào đúng ngày 26/3.
Tháng 8/2020, mặc dù cô bị đau lưng, thoát vị đĩa đệm và phải vào bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để điều trị. Song, cô đã khóc khi biết được hoàn cảnh của chị Hồ Thị Tú Anh sinh năm 2003 quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An bị u cột sống ác tính. Cô viết bài kêu gọi giúp đỡ mẹ con chị Tú Anh trên mạng xã hội. Sau 2 lần quyên góp được tổng số tiền là 12.700.000 đồng.
Không chỉ là người nhiệt tình, trách nhiệm, say mê với công việc mà cô còn chỉ dạy cho chúng em từng lời ăn, tiếng nói, từng công việc nhỏ nhặt như quét lớp, lau nhà…, miệng cô hướng dẫn, tay cô thực hành, cô không nề hà bất cứ công việc gì để dạy chúng em biết làm việc đó một cách thành thạo.
Cô còn rất yêu thể thao và là một vận động viên tích cực tham gia các giải của Ngành Giáo dục quận Thanh Xuân và đạt giải ba cầu lông đôi nam nữ độ tuổi trên 45.
Dịp khai giảng năm học 2020-2021, cô cùng với các thầy cô trong BGH nhà trường, phụ huynh và học sinh trường THCS Khương Đình tới thăm, động viên các cụ và tổ chức Trung thu yêu thương cho các bé có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa tại Trung tâm từ thiện dưỡng lão và hướng nghiệp Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh do Công đoàn Văn phòng Quốc hội tổ chức. Tại đây cô đã trao quà tặng trung tâm trị giá 5 triệu đồng.
Cô Vân tâm sự: “Khi nhìn thấy các con cố gắng và có nhiều tiến bộ, cô cảm thấy vui và hạnh phúc vô cùng. Cô mong muốn các con trở thành người tốt, người tử tế ngay từ lúc này chứ không phải đợi sau này lớn lên các con mới trở thành người công dân tốt như một số người vẫn thường nói”. Những suy nghĩ, những việc làm đó của cô đã lan tỏa đến học sinh và mọi người xung quanh một thông điệp “Cuộc sống sẽ trở nên có ý nghĩa hơn rất nhiều khi chúng ta biết yêu thương”. Cô đã gieo trong lòng chúng em những hạt giống nhân ái tình người để chúng em biết làm người tốt, người tử tế đúng nghĩa của nó.
Câu chuyện về cô còn rất dài, nếu kể tiếp thì chưa biết khi nào mới hết, chỉ biết rằng các thế hệ học sinh đã từng được học cô vẫn luôn ghi nhớ và dành cho cô những tình cảm rất đặc biệt. Cô luôn coi học trò của mình như những đứa con để dạy bảo, dìu dắt. Mỗi lần lớp chúng em làm được một việc tốt hay được xếp loại xuất sắc cô rất vui, chúng em tự cảm nhận được tình cảm của cô như một người mẹ dành cho những đứa con. Tuy rằng tuổi học trò nhiều lúc còn ngỗ nghịch, lười học, bướng bỉnh để cô phải buồn, phải giận nhưng trong sâu thẳm chúng em luôn thầm cảm ơn cô và tự hứa sẽ cố gắng chăm ngoan hơn, học giỏi hơn để không phụ lòng cô. Từ tấm gương của cô giáo Lê Thị Vân, chúng em đã học được rất nhiều điều, làm người phải biết cho đi trước khi được nhận lại, từ những việc làm tuy nhỏ nhưng cô đã cho chúng em biết được giá trị nhân văn rất lớn. Cô giúp chúng em cảm nhận được “Giá trị của món quà không quan trọng bằng thái độ của người tặng quà”, cô thực sự đã là “Người giao mầm tấm lòng nhân ái” cho lớp lớp thế hệ học sinh.