Tham dự hội nghị có Thiếu tá Nguyễn Phương Nhung - Phó đội trưởng Đội An ninh giáo dục và khoa học, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an thành phố (CATP) Hà Nội; đồng chí Lê Đức Thuận - Quận Uỷ viên, Trưởng phòng GDĐT quận; Trung Tá Phạm Trung Tuyến - Phó trưởng Công an quận; các đồng chí cán bộ quản lý, các thầy cô giáo là Tổng phụ trách, Bí thư Chi đoàn, nhân viên phụ trách tham vấn học đường của các trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn quận.
|
Trung tá, PGS. TS Nguyễn Thị Thúy Hạnh - Giảng viên Khoa Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát Nhân dân chia sẻ với cán bộ, giáo viên quận Ba Đình về phương pháp nhận diện và ngăn ngừa bạo lực học đường |
Phát biểu tại hội nghị, Trung Tá Phạm Trung Tuyến - Phó trưởng Công an quận Ba Đình đã nêu lên thực trạng sự nhức nhối của tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật trong thời gian gần đây và sự cần thiết của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh.
Dưới sự dẫn dắt của báo cáo viên - Trung tá, PGS. TS Nguyễn Thị Thúy Hạnh - Giảng viên Khoa Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát Nhân dân cùng những tình huống tiểu phẩm giả định, hội nghị đã đề cập đến vấn nạn bạo lực học đường, một vấn nạn vô cùng nhức nhối trong những năm gần đây.
Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, xu hướng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng dưới nhiều dạng như: Bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực ngôn từ, bạo lực vật chất… Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ thông tin, bạo lực học đường đã không chỉ còn là vấn đề tại trường học và xảy ra trong tầm kiểm soát của nhà trường, mà đã biến chuyển thành bạo lực mạng - với không gian mạng xã hội rộng lớn mà nhà trường và gia đình không thể kiểm soát hoàn toàn.
Hội nghị cũng đã phân tích nguyên nhân của tình trạng gia tăng vấn nạn bạo lực học đường nói chung, bạo lực mạng nói riêng. Nguyên nhân chủ quan đến từ sự phát triển tâm sinh lý của trẻ vị thành niên, đặc biệt là lứa tuổi 12-18 tuổi - lứa tuổi có sự thay đổi lớn nhất về tâm sinh lý. Trung tá Thuý Hạnh khẳng định, đây là độ tuổi đặc biệt có những nhu cầu về mong muốn khẳng định bản thân, mong muốn kết bạn để được lắng nghe… Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan đến từ sự lơ là của gia đình, xã hội… cũng làm gia tăng tỷ lệ các vụ việc bạo lực học đường xảy ra mà không được can thiệp kịp thời.
Tại hội nghị, báo cáo viên cũng nêu lên những nguy cơ về thuốc lá điện tử đang len lỏi trong giới trẻ, gây nhiều nguy hại cho sức khỏe thể chất, tinh thần của người dùng và ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh, an toàn xã hội.
Muốn phòng chống bạo lực học đường và các hành vi sai lệch của một bộ phận thanh thiếu niên, học sinh, rất cần sự chung tay góp sức của nhiều lực lượng, từ gia đình, nhà trường, các thầy cô giáo đến toàn thể cộng đồng. Vì vậy, thông qua hội nghị, Trung tá Thuý Hạnh đã khẳng định tầm quan trọng của gia đình - nhà trường - xã hội trong việc đẩy lùi bạo lực học đường, các hành vi vi phạm pháp luật.
Hội nghị đã mang đến những kiến thức pháp luật bổ ích và thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết về pháp luật và kĩ năng phòng chống bạo lực học đường cho cán bộ, giáo viên, từ đó góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.