Ảnh minh họa
Trong cuộc sống xã hội hàng ngày, con người luôn có nhu cầu giao tiếp với bạn bè, với mọi người trong mọi lĩnh vực như học tập, công tác và sinh hoạt đời thường. Những lời nhận xét, những đánh giá khen, chê của người đời, hoặc tích cực, hoặc tiêu cực sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự nghiệp của một con người. Cách sống biết phục thiện, tán thưởng và ủng hộ người khác không những thể hiện sự tôn trọng của chúng ta đối với mọi người mà quan trọng hơn đã góp phần động viên, khích lệ người khác có lòng tự tin để hoàn thiện những công việc tốt đẹp mà họ đã ấp ủ mong muốn hoàn thành.
Cùng với nhiều phẩm chất mà tuổi trẻ học đường cần rèn luyện như trí, đức, thể, mỹ… học sinh cần phải học cách tán thưởng người khác đúng lúc và đúng mức độ bằng tình cảm chân thành. Tán thưởng người khác là cách sống lịch thiệp, biết mình, biết người, thể hiện sự khiêm tốn để học tập bạn hữu và cùng bạn hữu trưởng thành trong cuộc sống.
Ở đây, không nên nhầm lẫn giữa biểu hiện tốt đẹp trong việc tán thưởng, đánh giá người khác một cách đúng đắn, chân tình với thói a dua, nịnh bợ làm mất nhân cách con người khi đề cao một ai đó thiếu chính xác nhằm mục đích cầu lợi cá nhân. Mặt khác, chúng ta cần tránh xa cách nghĩ, cách sống hẹp hòi, ích kỷ khi phủ nhận tài năng của người khác bằng thái độ hằn học, dèm pha, đả kích. Những biểu hiện lệch lạc ấy sẽ làm con người trở nên tầm thường và tự mình xa lánh bạn bè, cuộc sống không thể vươn xa được. Đúng như Francis Bacon-một triết gia người Anh thế kỷ XVII đã từng nói: “Trong tâm hồn của những người biết tôn trọng, tán thưởng người khác có ánh ban mai và những bông hoa nở rộ quanh năm, còn những kẻ coi thường người khác, tân hồn như nước bị đóng băng, lạnh lẽo, hoang vu”.
Câu chuyện xưa về mối quan hệ giữa nhà văn Nga nổi tiếng Ivan Turgenev sau khi tình cờ đọc được cuốn tiểu thuyết “Thời thơ ấu” của một tác giả trẻ tuổi trong một lần đi săn là một minh chứng về hiệu quả lớn lao của sự tán thưởng, ủng hộ. Đọc xong cuốn sách, nhà văn vô cùng thích thú và đã ngợi khen, khích lệ: “Người thanh niên này nếu như vẫn tiếp tục viết thì tiền đồ của anh ta nhất định sẽ rất sáng lạn”. Sự tán thưởng của Turgenev là một lời tiên đoán tài tình và đã trở thành động lực mạnh mẽ giúp người thanh niên đó có nhiệt huyết và lòng đam mê để sống và viết văn. Người thanh niên đó chính là Lep-Tônxtôi đã trưởng thành với sự nghiệp văn chương đồ sộ, một nghệ thuật gia, tư tưởng gia, một nhà văn nổi tiếng của nước Nga và thế giới với các tiểu thuyết để đời như “Chiến tranh và hòa bình”, “Anna Karenina”, “Sống lại”…
Ở Việt Nam chúng ta, không ít những tài năng nổi trội được nhiều người biết đến không chỉ bằng sự nỗ lực phấn đấu của bản thân mỗi người mà còn được sự quan tâm tán thưởng, động viên, dìu dắt của người đời. Sự thành đạt của mỗi người nếu không nhận được tấm lòng yêu thương, khẳng định của người khác thì bông hoa tài năng cũng sẽ bị héo tàn, mai một. Câu chuyện về “Thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa, quê ở Nam Sách, Hải Dương vào những năm 1968, 1969 cũng là một minh chứng sinh động về tác dụng của sự tán thưởng. Một cậu bé mới 10 tuổi, học trường làng mà đã xuất bản tập thơ “Góc sân và khoảng trời” được cả nước biết đến, ngợi khen trong đó có bài thơ nổi tiếng “Hạt gạo làng ta”. Thành công của Trần Đăng Khoa là tài năng nhưng không thể thiếu được vai trò quan trọng của người phát hiện, động viên, dìu dắt. Chính nhà thơ Xuân Diệu đã góp phần không nhỏ để tài năng thơ Trần Đăng Khoa đến được với mọi người.
Chúng ta còn biết đến những tài năng trẻ tuổi trên nhiều lĩnh vực hoạt động của con người Việt Nam như nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng thế giới Đặng Thái Sơn, Kiện tướng cờ vua quốc tế Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn… và những chàng trai, cô gái thông minh của các trường THPT trong cả nước đã thành công trong cuộc thi tài cuối năm để chứng tỏ mình khi vượt lên được đỉnh Olympia giành vòng nguyệt quế vinh quang. Sự thành công và nổi tiếng của họ là sự nỗ lực cá nhân nhưng không thể thiếu sự quan tâm của những người thân yêu trong gia đình, sự dẫn dắt tận tình của các thầy cô giáo đáng kính cùng sự động viên của bạn bè. Rõ ràng, tác dụng của những lời động viên, tán thưởng đã giúp con người thành công trong sự nghiệp của mình.
Đối với các em học sinh trong nhà trường phổ thông, việc học tập, tu dưỡng và sinh hoạt đời thường đòi hỏi các em phải nỗ lực phấn đấu để trở thành con người phát triển toàn diện. Không chỉ tự mình cố gắng, các em còn phải học tập bạn bè, biết tán thưởng để giúp đỡ bạn bè tiến bộ và cũng là giúp mình vươn lên trong cuộc sống.
Mong rằng, nếp sống biết tán thưởng, ủng hộ người khác, ủng hộ bạn hữu sẽ trở thành thói quen, đạo đức của mỗi học sinh. Các thầy cô giáo trong nhà trường phổ thông, các bậc ông bà, cha mẹ cần quan tâm để học sinh biết tán thưởng người khác bằng tình cảm trong sáng để hoàn thiện thêm một nét đẹp nhân cách của con người