Thầy giáo Lượng sinh ra trong một gia đình thuần nông tại thôn Lê Dương, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội. Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân có 36 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Mặc dù trong nhà chỉ có duy nhất một mình là trai. Tuổi đời còn rất trẻ khi đó thầy mới gần 18 tuổi. Độ tuổi đẹp nhất của đời một con người ấp ủ biết bao ước mơ hoài bão lớn nhưng với trách nhiệm của một côngdân nước Việt thầy đã gạt lại hết phía sau những ước mơ hoài bão đó để nhập ngũ vào chiến trườngtheo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Năm 1978, đang học lớp 10 (nay là lớp 12) Trường cấp 3 Thanh Oai. Chưa đủ tuổi nhập ngũ thầy Lượng đã khai thêm tuổi để cùng các đàn anh đứng vào đoàn quân “Bảo vệ vùng biên giới Tây Nam” của Tổ quốc. Mẹ Lượng khóc hết nước mắt, nghĩ khôn, nghĩ dại: “Nhà chỉ có một mụn con trai, vào chiến trường bom rơi, đạn lạc, lỡ như…”. Nhưng hai cha con anh đã quyết rồi, bà chỉ biết lặng thầm nuốt nước mắt vào trong. Cầm trên tay Giấy báo nhập ngũ, Lượng tạm gác công việc học tập, tạm biệt mái trường thân thương, thầy cô, bạn bè… hăm hở lên đường với quyển sổ lưu bút dày đặc lời động viên, khuyến khích của các bạn, nhắc nhở cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, hẹn hết giặc lại về tiếp tục sách vở bút nghiên.
Ngày 29 tháng 11 năm 1978 anh nhận lệnh nhập ngũ, tập trung tại hội trường Minh Sinh, Thanh Oai, Hà Nội rồi vào Ao Kềnh, Lương Sơn, Hòa Bình huấn luyện tại trung đoàn 854, Tiểu đoàn 2, Đại đội 2.
Sau 3 tháng huấn luyện anh nhận lệnh vào Nam đi từ Thường Tín, Hà Nội vào tổng kho Long Bình rồi xuống Tân Cảng Sài Gòn. Đi tàu biển ra Đảo Phú Quốc bổ sung vào đơn vị Hải quân vùng năm Duyên Hải. Từ đảo Phú Quốc anh chuyển sang cảng Côngpôngxom làm nghĩa vụ quốc tế. Từ tháng 3 năm 1979 đến tháng 11 năm 1983 anh được bổ sung vào Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 950 Hải quân chiến đấu và bảo vệ vùng biển, đảo Koh Kong, Campuchia. Nhiệm vụ chính của đơn vị Hải quân của anh là chiến đấu trên biển bảo vệ đảo Koh Kong và cảng Công pôngxom (Cảng Xilucpi, Campuchia).
Ngày 14/2/1981 đơn vị anh lại nhận lệnh đi làm nhiệm vụ giải phóng biên giới Thái Lan, Campuchia. Trong thời gian chiến đấu anh thừng xuyên bị những cơn sốt rét rừng hành hạ dẫn đến sức khoẻ bị suy kiệt. Đơn vị phải khẩn trương đưa Lượng ra tuyến sau điều trị, rồi trở về Thành phố Hồ chí Minh để điều dưỡng. Sau một thời gian sức khoẻ hồi phục anh lại được đơn vị đưa sang Cămpuchia tiếp tục chiến đấu.Vào hồi 14 giờ ngày 14/2/1981 anh bị thương tại trận đánh mở cửa, cuộc chiến giữa một đơn vị Đặc công nước của anh có một đại đội đấu chọi với một chốt Trung đoàn Khơ Me Đỏ nên anh đã bị thương. Sau đợt điều trị và điều dưỡng dài ngày nhưng anh không đủ sức khỏe trở lại đơn vị và thể theo nguyện vọng, Lượng được đơn vị cho về phục viên trở về hậu phương tiếp tục ước mơ cháy bỏng, học tiếp học kì 2 lớp 10 cuối cấp 3 tại Trường Trung học Sư phạm Tuần Giáo Lai Châu.Sau khi học xong hết chương trình cấp III tại đây, anh tiếp tục thi tuyển vào Trường Trung học Sư phạm để học tập.
Vào trường, Lượng là Bí thư chi đoàn luôn nêu cao tấm gương của anh Bộ đội Cụ Hồ. Hoàn thành tốt chương trình Trung cấp sư phạm năm 1987, ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại khá cùng thẻ thương binh hạng 4/4 tỉ lệ thương tật 25%.
Sau khi được ra trường Từ tháng 9/1987 thầy xung phong nhận công tác giảng dạy ngay tại trường Tiểu học Huổi Luông huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Đây là một ngôi trường thuộc xã biên giới Việt Nam -Trung Quốc. Cũng tại ngôi trường này thầy đã tìm hiểu và xây dựng gia đình kết duyên với cô giáo trẻ Quách Thị Lan người quê Hưng Yên cùng công tác nơi đây. Giảng dạy ở một ngôi trường vùng cao được 4 năm. Do hoàn cảnh gia đình cả hai bên đều có cha mẹ già yếu cần người chăm sóc. Bố vợ của thầy không may mắc bệnh hiểm nghèo mất sớm, gia đình chỉ có 2 chị em mà người em trai của vợ lại đang công tác trong quân ngũ, chỉ còn lại một mình mẹ già thường xuyên đau ốm anh bàn với vợ phải hy sinh một thời gian dài vợ chồng xa nhau thầy xin cho vợ chuyển về Hưng Yên để vợ thầy thay em trai chăm sóc mẹ già để em yên tâm công tác.
Còn thầy xin chuyển về Quê hương là xã Tam Hưng, Huyện Thanh Oai để chăm sóc cha mẹ vì cả nhà chỉ có mình thầy là trai các chị, em gái đều đã đi xây dựng gia đình người thì ở xa nên không có người chăm sóc. Xin được về huyện nhưng thầy xung phong giảng dạy tại Trường Tiểu học Thanh Thuỳ vì lúc đó Trường Tiểu học Thanh Thuỳ là một xã vùng xa của huyện còn thiếu quá nhiều giáo viên.
Vợ của thầy khi được chuyển về Hưng Yêncó thời gian chăm sóc mẹ già nhưng cũng chính nơi đây thầy cô đã sinh hạ được 2 người con một trai, một gái. Một mình người vợ tảo tần nuôi 2 con nhỏ và chăm sóc mẹ già nên hàng tuần thầy cũng phải đạp xe mấy chục cây số từ Tam Hưng Thanh Oai xuống Hưng Yên để đỡ đần vợ cùng chăm sóc mẹ già, con thơ. Sau 10 năm vợ thầycông tác ở Hưng Yên lúc này em vợ của thầy đã ổn định công việc nên đón mẹ cùng về chăm sóc. Năm 2000 thầy mới xin chuyển công tác cho vợ về Thanh Oai và cũng về cùng trường Tiểu học Thanh Thuỳ nơi thầy đang công tác. Đến năm 2003 thì vợ thầy mới xin chuyển về trường Tiểu học Tam Hưng công tác để tiện bề chăm sóc bố mẹ chồng già yếu. Còn thầy đến 8/ 2006 mới xin chuyển công tác về trường Tiểu học Tam Hưng. Trong thời gian này mặc dù vẫn phải giảng dạy xa nhà, hoàn cảnh gia đình còn gặp nhiều khó khăn, sức khoẻ có phần hạn chế song thầy vẫn quyết tâm theo học lớp Đại học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho bản thân.
Trong 14 năm giảng dạy tại ngôi trường này có biết bao nhiêu thế hệ học sinh, nhất là những học sinh cá biệt rất ngưỡng mộ, yêu mến thầy vì thầy nghiêm khắc, tâm huyết trên bục giảng lại vừa cảm thông, gần gũi, tâm tình khi giảng dạy cũng như sinh hoạt ngoại khóa cùng học sinh.
Nhiều lần thầy trò tham gia hội diễn văn nghệ ở trường nhân dịp các ngày lễ lớn. Một kỷ niệm còn đọng mãi trong ký ức học trò lúc bấy giờ, đó là lần tham gia Hội thi “Tiếng hát thầy và trò” do nhà trường tổ chức. Ngày mai thầy dự thi hát đơn ca, nhưng sáng nay cổ thầy khản đặc, học sinh cùng nhau đi luộc giá đỗ để thầy uống nước lấy giọng và hội thi năm đó, thầy đoạt “Giải nhì đơn ca” với ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la”. Tiết mục đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng các thầy cô và học trò. Nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam hàng năm Liên đội Trường Tiểu học Tam Hưngthường xuyên có các hoạt động tri ân ghi nhớ công lao đóng góp của thầy nhằm giáo dục các thế hệ học trò.
Trong thời gian về công tác tại địa phương, thầy đã góp phần đáng kể cùng các thầy cô giao trong nhà trường đưa phong trào giáo dục xã nhà khởi sắc với những thành tích nổi bật. Trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi và học sinh giỏi cấp huyện, cấp Thành phố, thi văn nghệ thể thao…, Trường đều đoạt giải cao. Quê hương vẫn còn nhiều gia đình nghèo khó thầy dạy miễn phí cho học sinh nghèo vượt khó. Thầy còn tổ chức cho học sinh thường xuyên làm sạch, đẹp trường, lớp.
Tháng 3 năm 2020, Thầy Tào Gia Lượng được Nhà nước cho về nghỉ hưu theo chế độ. Với khả năng sức khoẻ hiện có của mình thầy chăm chỉ rèn luyện thể thao nâng cao thể lực với phương pháp sáng,chiều đi bộ, tối sinh hoạt cùng Câu lạc bộ Hội cựu chiến binh. Tuổi đã cao, vết thương chiến tranh vẫn luôn hành hạ, song Thầy vẫn yêu đời, vui vẻ tích cực tham gia các hoạt động trong các tổ chức xã hội ở địa phương, góp phần xây dựng làng xóm ngày càng đổi mới, xứng đáng quê hương được Nhà nước phong tặng “Tam Hưng Anh dũng” trong thời kì kháng chiến chống Pháp với phong trào Mặt trận Liên Việt. Năm 1995, xã được Đảng, Nhà nước phong tặng “Anh hùng LLVTND” trong thời kì chống Mỹ. Năm2015 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
Trong vai trò một người thầy, thương binh Tào Gia Lượng đã dành một phần tư thế kỷ rèn giũa cho nhiều học sinh nên người, thành đạt và đóng góp cho xã hội. Trong gia đình, truyền thống yêu nước và hiếu học tiếp tục được các con, các cháu thầy kế thừa.
Con trai lớn của thầy sinh năm 1991 nay là bác sĩ quân y hiện tại đang theo học lớp Thạc sĩ chuyên khoa ngoại tại Học viện Quân y viện 103, Hà Đông, Hà Nội.
Con gái sinh năm 1995 học xong Thạc sĩ Toán học. Hiện là giáo viên trường Trung học cơ sở Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội.
Hiện các cháu đã xây dựng gia đình các con dâu, rể của thầycũng đều là nhà giáo đang giảng dạy tại các trường THPT của thành phố Hà Nội.
Trong quá trình công tác và khi được nghỉ hưu thầy sinh sống tại địa phương thầy được nhân dân yêu mến, kính trọng. Ông Lê Tiến Dư Đại diện lãnh đạo địa phương xúc động nói: “Thầy Lượng là một người tổng hợp của nhiều tình cảm. Thứ nhất là tình cảm của một nhà giáo mẫu mực đối với học trò và phụ huynh. Tình cảm thứ hai là tấm lòng giữa những người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, chiến đấu và hy sinh vì độc lập tự do. Thứ ba là tình cảm giữa con người với nhau, thể hiện qua hành động, việc làm của Thầy trong sinh hoạt của hội Cựu chiên binh địa phương.
Có rất nhiều anh hùng, liệt sĩ đã được ghi danh vào trang sử hào hùng của
dân tộc. Còn Cựu chiến binh, thầy giáo Tào Gia Lượng một người lính Cụ Hồ bình dị, một thương binh hạng 4/4, một nhà giáo âm thầm, miệt mài với những “chuyến đò” tri thức, lặng thầm cống hiến, lặng thầm hy sinh, không sử sách nào ghi danh, nhưng con cháu, bạn bè, đồng đội và biết bao thế hệ học sinh tri ân, khắc ghi: “Sâu nặng ân tình” của người cha, người ông đáng kính, người thầy giáo thương binh suốt một thời “tận hiến”. Thầy thật xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong ngành giáo dục và là tấm gương sáng để các cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường và nhân dân học tập và noi theo.