Từ nét duyên của thiếu nữ Hà Nội xưa trong trang phục áo dài
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”
Thiếu nữ Hà Nội xưa vốn được biết đến là những người nhã nhặn, nhún nhường. Sự thanh lịch của người thiếu nữ không chỉ toát ra từ lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, lịch sự, bước đi uyển chuyển, khoan thai mà còn ở cách ăn mặc tinh tế và ý nhị. Một trong những trang phục làm tôn thêm nét duyên dáng, thanh lịch đầy nữ tính của thiếu nữ Hà Nội xưa đó là chiếc áo dài. Theo thời gian, do chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, cuộc sống ngày càng phát triển, lối sống của người Hà Nội cũng có những thay đổi. Tuy nhiên, thiếu nữ Hà Nội vẫn giữ được nét đẹp kín đáo, e ấp trong tà áo dài truyền thống. Vào đầu thế kỷ 20, thiếu nữ Hà Thành chuộng những chiếc áo dài dáng suông, giấu dáng đầy e ấp với mái tóc dài đen nhánh được chít gọn gàng bằng chiếc khăn xếp. Nhưng từ năm 1950 với sự du nhập của văn hóa và trào lưu phương Tây, tà áo dài được thiết kế cách điệu. Thiếu nữ Hà Nội tự tin hơn khi diện áo dài chiết nhỏ eo khoe vòng eo con kiến nữ tính, phần tay áo bồng bềnh tăng thêm nét mềm mại cho người con gái. Cũng bởi vậy hình ảnh dịu dàng, quyến rũ của người thiếu nữ Tràng An trong trang phục áo dài đã đi vào thơ ca nhạc họa, đi vào nỗi nhớ của những người yêu Hà Nội, yêu nét đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Trong vẻ thanh lịch, dịu dàng của thiếu nữ Hà Nội xưa có bóng dáng của tà áo dài vờn bay, trong nỗi nhớ Hà Nội bao giờ cũng có nỗi nhớ tà áo thân quen ấy. Và trong những ngày thu tháng 10 lịch sử, nỗi nhớ ấy lại càng được khắc sâu bởi hình ảnh người thiếu nữ Hà Nội trong tà áo dài đón đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. Nét duyên thầm của người con gái ấy đã làm xao xuyến biết bao nhiêu chàng trai.
… Đến nét đẹp văn hóa học đường của nữ sinh Thủ đô thời nay
Cuộc sống hiện đại, chiếc áo dài tân thời lại có cách riêng để tôn lên vẻ đẹp của thân hình người thiếu nữ. Phần trên ôm sát thân, còn hai vạt buông thật mềm mại trên đôi ống quần rộng. Hai tà xẻ trên vòng eo vừa khiến cho người mặc cảm giác thoải mái vừa tạo dáng thướt tha, nữ tính và kín đáo. Không chỉ còn là trang phục trong những ngày lễ, tết của người thiếu nữ, chiếc áo dài với màu trắng tinh khôi – biểu tượng cho sự trong sáng của tuổi học trò đã trở thành đồng phục cho nữ sinh của nhiều trường THPT ở Hà Nội mặc vào những ngày đầu tuần, ngày khai giảng, bế giảng. Đặc biệt hơn, vào những ngày đầu của năm học 2016-2017 này, chiếc áo dài trắng đã trở thành đồng phục cho các em học sinh nữ lớp 9 các trường THCS trên địa bàn quận Thanh Xuân của Thủ đô Hà Nội.
Với mong muốn tạo sự sang trọng và ấn tượng đẹp với các bậc phụ huynh, giáo dục truyền thống, gìn giữ nép đẹp duyên dáng, dịu dàng của nữ sinh Thủ đô, trong đề án phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, quận Thanh Xuân đã có chủ trương đưa chiếc áo dài truyền thống vào các trường THCS. Là một trong những trường đầu tiên được lựa chọn thực hiện thí điểm cho học sinh nữ lớp 9 mặc áo dài truyền thống lên lớp, nhà giáo Cảnh Bạch Yến – Hiệu trưởng trường THCS Việt Nam – Angiêri chia sẻ: Trường THCS Việt Nam – Angiêri có 8 lớp 9 với 171 học sinh nữ. Ngay khi được quận giao thí điểm cho học sinh nữ mặc áo dài vào cuối năm học 2015-2016, nhà trường đã tập hợp để lấy ý kiến của các thầy cô giáo, của phụ huynh và các em học sinh. Từ những ý kiến đóng góp xung quanh những khó khăn khi mặc áo dài đi học, Ban giám hiệu nhà trường đã tìm cách khắc phục để tạo được sự đồng thuận của các bậc phụ huynh và các em học sinh, chiếc áo dài trắng đã chính thức trở thành đồng phục cho các em nữ sinh lớp 9 của nhà trường. Để tạo thuận lợi cho học sinh, nhà trường cũng linh hoạt trong các quy định như số ngày mặc áo dài truyền thống đến trường sẽ là ngày thứ 2 đầu tuần và ngày thứ 7. Những em nào có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường tổ chức tặng áo để các em có đồng phục áo dài mặc cùng các bạn... Bên cạnh đó, nhà trường cũng hướng dẫn các em cách đi đứng, sinh hoạt khi mặc chiếc áo dài. Cũng theo nhà giáo Cảnh Bạch Yến, việc cho học sinh nữ mặc đồng phục áo dài đến trường mang ý nghĩa nhân văn, phù hợp với việc giảng dạy thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội. Mang trên mình chiếc áo dài trắng truyền thống các em gái dường như dịu dàng, e ấp hơn.
Quả thật, khi mang trên mình chiếc áo dài trắng, các nữ sinh THCS trở nên đẹp hơn trong mắt mọi người đặc biệt là các bạn khác giới. Em Lê Hồng Sơn, học sinh lớp 9A, trường THCS Việt Nam – Angiêri cho biết: Em thấy các bạn nữ mặc áo dài trắng rất đẹp. Chiếc áo dài vừa truyền thống vừa hiện đại mang đến vẻ đẹp trong sáng, tinh khiết của tuổi học trò. Còn bản thân các nữ sinh cũng thấy háo hức, tự hào khi được khoác trên mình chiếc áo dài truyền thống của dân tộc. Em Nguyễn Khánh Ngọc, học sinh lớp 9B, trường THCS Việt Nam – Angiêri chia sẻ: Em rất thích mặc áo dài trắng tới trường vì nó không chỉ tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, duyên dáng mà còn nhắc nhở nữ sinh chúng em phải ý tứ, văn minh hơn trong cách nói năng, đi đứng. Chiếc áo dài vốn là nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, của thiếu nữ Hà Nội, vì vậy em luôn cảm thấy tự hào khi mặc áo tới trường. Đặc biệt, bố mẹ em cũng rất ủng hộ khi thấy em mặc áo dài đến trường.
Nhà giáo Cảnh Bạch Yến cũng chia sẻ, cô thực sự xúc động trước hình ảnh nữ sinh mặc áo dài trắng trong lễ chào cờ trang nghiêm và hình ảnh áo dài trắng thướt tha giờ tan trường. Chiếc áo dài trắng không chỉ tạo ấn tượng bởi vẻ đẹp dịu dàng, thuần khiết mà mà nó còn thể hiện một nét đẹp văn hóa học đường của nữ sinh Thủ đô.
Đồng phục áo dài trắng không chỉ tạo nên một nét đẹp văn hóa học đường cho học sinh Thủ đô mà cùng với việc giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” thì việc đưa đồng phục áo dài vào các trường THCS cũng góp phần giáo dục học sinh biết giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống của người Tràng An, của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.