Với nhận thức trên, thế hệ trẻ ngày nay nói chung, học sinh trong nhà trường nói riêng rất cần tạo cho mình một thói quen đạo đức về tấm lòng biết ơn đối với xã hội. Từ trong nhận thức, chúng ta cần thấy rằng trên thế giới này, ngoài bố mẹ là người đã sinh thành, nuôi dưỡng, chúng ta còn phải mang ơn rất nhiều người đã tạo điều kiện để ta sống và tồn tại. Người nông dân một nắng hai sương cho ta cơm gạo, nhà trường cho ta kiến thức, người công nhân dệt nên vải vóc cho ta may quần áo, người thợ xây cho ta nhà ở, những liệt sĩ không tiếc máu xương để đem lại cuộc sống độc lập, tự do cho chúng ta… Ngay cả một việc nhỏ nhất khi ta lạc đường cũng cần có người giúp đỡ, chỉ dẫn. Tất cả những con người ấy với nhiều công việc và nghề nghiệp khác nhau trong xã hội đã mang trí tuệ, công sức và lòng nhiệt tình để tạo nên của cải tinh thần và vật chất giúp ta có một cuộc sống tiện nghi, đầy đủ, hạnh phúc. Chẳng lẽ chúng ta lại dửng dưng trước công ơn của họ?
Thực tế hiện nay cho thấy, không ít học sinh còn vô tâm trong cuộc sống hàng ngày từ việc được chăm sóc chu đáo thường xuyên ở nhà, đến việc đầy đủ phương tiện, đồ dùng học tập khi cắp sách đến trường các em đều được gia đình chăm lo nhưng mấy khi các em nghĩ đến nỗi nhọc nhằn kiếm sống của cha mẹ để nuôi con ăn học? Các em có thấy hết được lòng yêu thương và sự tận tình của các thầy cô giáo trong từng tiết giảng bài để giúp chúng ta nắm vững kiến thức và mở rộng tầm hiểu biết đối với cuộc đời? Có ai trong chúng ta dửng dưng trước những nỗi vất vả của những người lao động làm thuê từng ngày trong cuộc sống phải bươn chải khó khăn? Tất cả những điều vô tâm ấy cần được học sinh chúng ta nhìn nhận lại để có một cách sống, một cách cư xử đúng đắn mang đậm tình người. Đó là chưa kể đến những chuyện đau lòng đã từng xảy ra như việc con cái không biết nghe lời, thậm chí còn ngược đãi đối với cha mẹ; học sinh không tuân thủ kỷ cương nhà trường, vô lễ đối với thầy cô giáo và tệ hại hơn, có những em còn lêu lổng chơi bời với cuộc sống buông thả! Những biểu hiện về cách sống đó cần phải loại bỏ vì nó không phù hợp với đạo lý thông thường.
Khắc sâu một tấm lòng biết ơn đối với mọi người, học sinh chúng ta trong nhà trường đã thể hiện một cách sống đẹp khi biết đề cao và tôn trọng mọi người để từ đó biết cách cư xử, giao tiếp mang đậm nét văn minh, lịch sự. Đây cũng là một biểu hiện của phẩm chất khiêm tốn, lễ phép, mực thước ở một con người có văn hoá mà mỗi học sinh cần rèn luyện. Một điều rất có ý nghĩa là trong nhà trường hiện nay đang có cuộc vận động về nếp sống thanh lịch với lời giáo huấn có tính chất chiến lược “Tiên học lễ, hậu học văn” rất phù hợp với việc hình thành thói quen về tấm lòng biết ơn đối với mọi người nhằm giáo dục tư cách đạo đức của học sinh. Một khi phẩm chất này đã trở thành nếp sống văn hoá thì từ cách nói năng đến cách cư xử, giao tiếp, người học sinh sẽ thực sự có cách sống thanh lịch, đẹp đẽ. Những câu nói “cảm ơn”, “xin lỗi” được sử dụng kèm theo một thái độ nhã nhặn của các em sẽ khiến mọi người xung quanh có thiện cảm và các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo sẽ rất hài lòng, tự hào. Mang tấm lòng biết ơn đối với mọi người, tình cảm của học sinh sẽ chân thành trong sáng hơn, con mắt của các em nhìn cuộc sống tươi vui hơn và đặc biệt cách nhìn đối với những người lao động qua nhận thức của các em sẽ thiện cảm và biết tôn trọng hơn. Từ đó, những biểu hiện tiêu cực về một lối sống vô cảm, ích kỷ, thiếu quan tâm tới người khác … ở tuổi học trò cũng dần dần mất đi, nhường chỗ cho một cách sống đẹp, văn minh, thanh lịch.
Để hình thành thói quen về tấm lòng biết ơn, bản thân mỗi học sinh phải phấn đấu, tu dưỡng hàng ngày để phẩm chất tốt đẹp này trở thành một nếp nghĩ, tình cảm thường trực của các em. Mặt khác, vai trò của gia đình, của các bậc phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo trong nhà trường cũng hết sức quan trọng nhằm góp phần uốn nắn, nhắc nhở, bồi dưỡng, giáo dục các em sớm hình thành thói quen về tấm lòng biết ơn để mỗi học sinh đều có một tâm hồn khoẻ mạnh, một niềm tin yêu đối với cuộc đời, một cuộc sống hạnh phúc đầy ý nghĩa trong thế giới tình cảm giữa con người với con người.