Quê
tôi ở Ba Vì vùng đất địa linh nhân kiệt nhưng cũng là nơi “chó ăn đá,
gà ăn sỏi” và là một trong những huyện nghèo của tỉnh Hà Tây trước đây.
Cả huyện có bảy xã miền núi, đồng bào chủ yếu là người dân tộc Mường,
Dao sống xung quanh chân núi Tản Viên. Người dân nghèo khó, buôn bán hạn
chế, sản xuất nông nghiệp chiếm vai trò chủ đạo nhưng cuộc sống nói
chung rất thanh bình. Những đứa trẻ con nơi đây lớn lên khỏe mạnh cùng
núi rừng với ba vụ lúa,ngô, sắn và rồi cứ đến tuổi cũng được bố mẹ cho
cắp sách đến trường. Xã nào cũng có trường cấp I, II nhưng trường cấp
III thì cả bảy xã mới chỉ có duy nhất trường Thanh niên vừa học vừa làm
sau này đổi tên là trường THPT Ba Vì. Mãi đến năm 1994 trường Phổ thông
Dân tộc nội trú của huyện mới được thành lập và những học sinh dân tộc
thiểu số của chúng tôi mới được quan tâm và được cấp học bổng, nuôi ăn
học từ lớp 6 đến hết lớp 12. Ban đầu trường chỉ tuyến sinh các khối lớp
7,8,9, mỗi khối một lớp. Tuy tuyển sinh ít nhưng tôi đã may mắn được trở
thành học sinh của khóa học đầu tiên năm đó vì có thành tích học tập
khá.
Tôi
nhập trường với một tâm thế háo hức lạ thường vì được rời chốn quen
thuộc của mình để đến một nơi mới mẻ hơn tuy nó chỉ cách nơi ở của tôi
20 km. Ngôi trường bé tí tẹo, đơn sơ với hai dãy nhà cấp bốn, tường được
quét vôi màu xanh, phía dưới lát những ô gạch hoa xinh xinh màu nâu .
Xung quanh sân trường chỉ là những bãi đất trống cỏ mọc lổn nhổn, có chỗ
cỏ dại tốt ngập đầu. Trước đây, khu đất này là bãi tha ma của người dân
địa phương, khi trường được thành lập họ mới di chuyển mộ phần đi chỗ
khác. Nhìn những huyệt mộ vừa bốc đi, đất lấp vội vàng, dang dở khiến
tôi rùng mình. Và thế là những đứa trẻ như chúng tôi lại có dịp phát huy
trí tưởng tượng và truyền tai nhau những câu chuyện ma mị. Với học sinh
thành phố sẽ chẳng có ấn tượng gì với ngôi trường như thế nhưng với
những học sinh dân tộc vùng sâu, xa như chúng tôi thì ngôi trường như
thế đã là cả một thiên đường rồi. Con đường đất bụi mù từ quốc lộ 87 dẫn
vào trường cứ hun hút như giấc mơ của chúng tôi ngày ấy.
Trường
mới thành lập nên cái gì cũng thiếu thốn. Những năm thập niên chín mươi
cuộc sống còn khó khăn, Ủy ban nhân dân tỉnh tuy đã rất quan tâm nhưng
ngân sách hạn hẹp nên số học bổng mà chúng tôi nhận được chỉ là bảy mươi
nghìn đồng một tháng. Đó là toàn bộ số tiền dùng để mua nào thức ăn,
gạo, củi, nước mắm, mì chính...và các sinh hoạt phí khác cho mỗi học
sinh. Khó khăn là thế nhưng chúng tôi vẫn yên tâm học tập và cùng nhau
vui vẻ chung sống. Trường lúc đầu chỉ có bảy thầy cô giáo và hai nhân
viên kế toán, thủ quĩ. Mọi người ai cũng phải tất bật lo lắng cho học
sinh từ việc học đến việc ăn, ngủ và vì thế tôi thán phục, cũng như kính
yêu các thầy cô giáo, các cô chú cán bộ công nhân viên của nhà trường
giống như những người thân yêu của mình vậy nhưng người có tác động đến
tôi nhiều nhất và tôi yêu quí nhất lại chính là thầy Hiệu trưởng . Thầy
trong tôi là niềm tin, sự ngưỡng mộ, là cả bầu trời loang tím trên đỉnh
núi Ba Vì thủa ấy.
Thầy
tên là Bạch Công Tiến, lúc làm hiệu trưởng thầy mới chỉ 34 tuổi. Dáng
người thấp đậm, nước da trắng nhưng nhìn thầy chững chạc hơn tuổi rất
nhiều. Bây giờ tôi cũng bằng tuổi thầy ngày đó nhưng nay tôi thấy mình
chỉ là một cô giáo đang từng bước dò dẫm trên đường đời phía trước, đang
dần hoàn thiện trang giáo án của cuộc đời mình với nhiều bỡ ngỡ, run sợ
còn thầy trước đây đã là một thuyền trưởng vững vàng tay lái, sẵn sàng
đương đầu với bão giông. Yêu mến thầy nên chúng tôi vẫn thường hay dõi
theo bóng thầy mỗi khi thấy thầy xuất hiện trên sân trường. Dáng hình
thầy với bước chân khoan thai, tay chắp sau lưng, ánh mắt đăm chiêu bước
trên sân trường mỗi buổi chiều đã khiến tôi chẳng thể nào quên được.
Tôi biết thầy lo lắng khi nhận nhiệm vụ làm hiệu trưởng một ngôi trường
chuyên biệt vừa mới được thành lập, cơ sở vật chất thiếu thốn đủ đường.
Thiếu giáo viên, thiếu phòng học, thầy đã phải gửi những đứa con đầu
lòng sang học nhờ trường THPT Ba Vì hai năm. Chúng tôi chỉ học bên đó
còn hết giờ lại trở về phòng nội trú ăn, ngủ, sinh hoạt. Thầy rất thương
chúng tôi nên đã cố gắng bằng mọi cách có thể để có thêm được nguồn tài
trợ từ các tổ chức nước ngoài hay các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để
chúng tôi được trang bị nước sạch, có thêm sách tham khảo để đọc, được
ăn no hơn, mặc ấm hơn…
Có
thể ví kí ức chính là dòng sông năm tháng chảy qua tâm hồn mỗi người,
thời gian càng nhiều thì lượng phù sa bồi phủ lên tâm hồn con người càng
dày dặn. Thường thì kí ức đầu tiên với mỗi người sẽ sâu đậm, mạnh mẽ và
dai dẳng vô cùng, khi người ta càng lớn tuổi thì kỉ niệm quá khứ lại
hiện lên càng rõ .Vậy nên dù hai mười năm đã trôi qua thì trong tôi vẫn
còn nguyên vẹn về ngày đầu tiên sống ở ngôi trường mới. Đêm đầu tiên, cả
khu nội trú chỉ ngủ được khoảng ba, bốn tiếng đồng hồ kể từ khi tiếng
kẻng báo giờ vang lên. Ba giờ sáng nhìn ánh điện ngoài sân trường chiếu
xuống lớp sương thu loang loáng khiến chúng tôi cứ tưởng trời đã sáng và
thế là tất cả khu nội trú cùng rủ nhau thức dậy đánh răng, rửa mặt. Sau
đó chẳng biết làm gì cho trời mau sáng, cả lũ từng đứa một ngồi kể
chuyện về gia đình mình để rồi cùng bật khóc nức nở vì nhớ nhà. Nhà thầy
Tiến ở ngay cạnh trường, hai vợ chồng thầy cùng một con nhỏ sống trong
căn nhà cấp bốn cũng chẳng hơn khu kí túc là mấy. Đêm đó, khi nghe thấy
tiếng học trò khóc lại thấy các phòng ở đèn bật sáng chưng đã khiến thầy
hoảng sợ, lo lắng và ngay lập tức chạy vội lên trường, đến từng phòng ở
của học sinh để hỏi han. Biết chuyện chúng tôi nhớ nhà thầy thở phào
nhẹ nhõm, rồi cũng cùng thức để an ủi động viên chúng tôi cho tới sáng.
Đêm
mùa đông ở vùng núi thường rất lạnh và có sương giá nên chân taybuốt
cóng, tê dại. Chúng tôi cuộn tròn trong những chiếc chăn bông ấm áp do
nhà trường cung cấp nhưng vẫn biết có bước chân thầy vẫn lặng lẽ ngoài
hành lang chờ cho học trò ngon giấc mới về nghỉ. Sớm hôm sau, thầy vẫn
đều đặn dậy từ năm rưỡi sáng để xem chúng tôi đã thức dậy và tập thể dục
hay chưa. Quả thật vì đang tuổi ăn, tuổi ngủ nên chúng tôi rất lười vận
động. Biết các thầy cô trực đã đánh kẻng báo thức nhưng tất cả vẫn cố
tình im lìm ngon giấc.Sau này khi thấy thầy hiệu trưởng đều đặn dậy sớm
để lên trường giám sát hay gọi chúng tôi dậy tập thể dục thì tất cả,
không ai bảo ai đều dường như có một ý thức rằng cần phải thực hiện
nghiêm túc thói quen sớm mai này. Không phải chúng tôi sợ thầy mà vì
kính nể và tôn trọng thầy biết bao.
Những
ngày được nghỉ, không phải tự học thì chúng tôi lại đề nghị các bạn nhà
ở gần đó mang khoai, sắn hay bất cứ thứ gì ăn được để cùng nhau vào khu
bếp nhà trường mượn nồi rồi lấy củi đun nấu. Nấu chín cả lũ lại xuýt
xoa tranh nhau ăn. Thầy biết chuyện nhưng không phê bình hay nghiêm cấm,
chắc thầy tưởng chúng tôi đói nên mới làm vậy nhưng thực chất chỉ là
những thói nghịch ngợm của thời “ nhất quỉ, nhì ma” mà thôi. Sau này khi
đã học ở Hà Nội, nhìn thấy những thứ quà quê ngon mắt trên gánh hàng
rong trên khắp các tuyến phố tôi lại chạnh lòng và mong muốn một lần nữa
được sống trong cảm xúc của những ngày đã qua.
Thầy
của chúng tôi nhìn bên ngoài là người có vẻ lạnh lùng, khó gần. Các
thầy cô giáo hay nhân viên trong trường cũng thường nói vậy và rất e
ngại khi tiếp xúc với thầy nhưng với những đứa học trò chúng tôi thời đó
thì được nói chuyện với thầy là niềm vui, sự hạnh phúc. Thầy là cả bầu
trời tri thức về mọi lĩnh vực. Thời đó chúng tôi ai cũng thích giờ chào
cờ, không phải đó là tiết học mà không phải học mà chỉ đơn thuần là được
nghe thầy nói. Thầy ít khi trách mắng học trò mà chủ yếu là kể cho học
sinh nghe về những tấm gương của những bạn bè cùng trang lứa với chúng
tôi trên khắp đó đây, giới thiệu những nền giáo dục tiên tiến của thế
giới hay là những kỹ năng sống và óc sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của
người Nhật, Singapo…để khích lệ chúng tôi học tập, noi theo. Giờ chào
cờ không hề có tiếng động, những cặp mắt cứ tròn xoe nuốt từng lời. Có
lẽ tâm hồn mỗi học sinh thời đó giống như những mảnh đất còn sơ khai và
chúng tôi là những mầm cây mới chỉ đang đón nhận những tia nắng ấm áp
đầu tiên của cuộc đời đang rất cần tới những bàn tay gieo trồng, chăm
sóc .Thời đó chúng tôi chỉ có kênh giải trí là chiếc tivi đen trắng xem
nhờ nhà thầy cô hay người dân quanh đó, đâu giống như học sinh của tôi
hiện nay đã sớm biết đến công nghệ thông tin, lên mạng, “lướt wep” nên
ít khi chịu lắng nghe.
Thầy
vốn đa tài khi không chỉ hát hay mà còn chơi được cả hai loại nhạc cụ
ghita và organ. Tôi còn nhớ có lần một đoàn khách đến thăm trường và
chúng tôi đã chuẩn bị tập luyện một số những tiết mục văn nghệ để chào
mừng. Không may cho chúng tôi hôm đó anh nhạc công lại không thể đến
đúng giờ .Khi mọi người đang rất bối rối thì thật bất ngờ thấy đã bước
lên sân khấu, hài hước nói với khách những câu chữa cháy tình huống rồi
thản nhiên đệm đàn cho học sinh múa, hát . Phải nói chúng tôi ngưỡng mộ
thầy lắm.
Có
lần thầy đã gọi tôi sang phòng và khi đó tôi thấy thầy đang ngồi cạnh
cây đàn organ, kế bên là bác nhạc sĩ nghiệp dư của địa phương cũng là
một phụ huynh của học sinh trong trường. Thầy tươi cười bảo tôi ngồi
xuống và nói thầy đang sáng tác một bài hát về mái trường của mình và
yêu cầu tôi cùng tham gia sáng tác. Tôi cảm thấy vinh dự và cũng rất lo
lắng nên suốt buổi hôm đó trái tim cứ liên tục đập rộn ràng. Kết quả,
tôi cũng chẳng nghĩ được gì nhiều, chủ yếu vẫn là thầy tự mình sáng tác
.Cứ nghĩ ra được câu từ, điệu nhạc nào thầy lại yêu cầu tôi cùng bác
nhạc sĩ tham gia góp ý, chỉnh sửa. Bài hát đó giờ đã thành bài hát
truyền thống của nhà trường với lời mở đầu là những ca từ thật đẹp: “Ai
qua đây hãy nhớ ghé dừng chân. Quê hương tôi xanh bát ngát một màu. Soi
in nghiêng dưới bóng núi Ba Vì, ngôi trường của em, em quí, em yêu....”
nhưng đến nay tôi cũng chẳng thể nhớ nổi đâu là câu ca mình nghĩ ra
nữa. Bài hát đã in sâu trong kí ức của tôi cùng hình bóng người thầy năm
ấy.
Câu nói của thầy mà tôi nhớ nhất : “ Các
em phải dẹp bỏ sự tự ti vốn có của người dân tộc, đừng để người khác
coi thường mình.Dù là trình độ học vấn hay trong giao tiếp, ứng xử cũng
phải chứng tỏ cho họ thấy mình không thua kém gì họ”. Nhờ thầy mà
chúng tôi được giao lưu với một số đoàn khách quốc tế trong đó có đoàn
học sinh trường trung học Meisay Nhật Bản. Nhờ thầy mà chúng tôi có đủ
sự tự tin vào bản thân mình và đã luôn cố gắng tận dụng hết vốn tiếng
Anh có thể để hòa đồng và vui chơi cùng các bạn. Đã có những bạn lớp tôi
kết thân với các bạn học sinh Nhật Bản và điều đó đã giúp ích các bạn
rất nhiều khi học văn bằng hai tiếng Nhật ở trường đại học. Nhờ duy trì
mối quan hệ tốt đẹp nên thời gian sau trường tôi còn có một đoàn học
sinh được cùng thầy Hiệu trưởng bay sang Nhật thăm trường bạn theo lời
mời và sự tài trợ của họ. Thầy đã cho chúng tôi đến gần hơn với thế
giới, đã cho chúng tôi sự tự tin cần thiết trong cuộc sống sau này mà
thói quen này phải nhờ rèn luyện mới có. Điều đó đã khiến khoảng cách
của học sinh dân tộc thiểu số với học sinh vùng xuôi được rút ngắn lại
và ước mơ chinh phục những ngôi trường đại học mơ ước đến gần hơn với
học sinh miền núi như tôi. Khóa học sinh đầu tiên của trường đỗ đại học
chưa đến chục người nhưng thầy đã rất vui và ngày chúng tôi nhận giấy
báo điểm mỗi đứa cũng đồng thời nhận được món quà từ thầy là số tiền một
trăm nghìn đồng . Chúng tôi vui sướng và cũng rất xúc động. Số tiền ấy
là cả một tháng học bổng có dư giúp chúng tôi phần nào trang trải khi
nhập học ở Thủ đô.
Năm
học lớp 12, mặc dù biết trường Đại học sư phạm Hà Nội lấy điểm khá cao
nhưng tôi đã quyết tâm phải thi vào ngành sư phạm vì kính yêu những
người thầy, người cô của mình. Ngày tôi tốt nghiệp về trường giảng dạy
cũng là ngày thầy chuyển công tác khác do hết nhiệm kì. Thỉnh thoảng do
yêu cầu của công việc thầy cũng vẫn về thăm trường. Tôi thấy thầy ít khi
ở lâu lại trường có lẽ vì sợ tim mình lại thổn thức, quyến luyến với
những gì đã qua. Tôi biết thầy buồn lắm. Thầy nói với tôi: “Buồn chứ
,trường là thành quả lao động đầu tiên của mình mà. Tuy nhiên, thầy vẫn
rất vui vì bây giờ tuy không còn là nhà giáo nữa nhưng vẫn được xã hội
tôn trọng gọi là thầy, cả cơ quan của thầy không ai được thế đâu đấy.” Thầy cười như để che dấu đi nỗi buồn đang dâng lên trong mắt rồi vỗ vai tôi động viên: “ Phải tự mình cố gắng em nhé!”. Bên thầy, tôi vẫn thấy mình nhỏ bé như cô học trò ngày nào.
Trường
tôi giờ đã là ngôi trường nổi tiếng trong khu vực với chất lượng dạy và
học cũng như chất lượng cơ sở vật chất. Khi Hà Tây sát nhập vào Hà Nội
thầy trò nhà trường lại càng được quan tâm và ưu đãi nhiều hơn. Ngôi
trường bé xinh ngày nào giờ đã thay da đổi thịt với những dãy phòng học,
khu kí túc xá rộng rãi, đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu học
tập và sinh hoạt của học sinh. Trường đã được UBND thành phố Hà Nội nâng
cấp, mở rộng thêm 2.3 ha với nhiều hạng mục công trình hiện đại. Thầy
Hiệu trưởng mới rất cởi mở và là người dám nghĩ, dám làm nhưng với tôi,
tận sâu trong kí ức vẫn có một ngôi trường với hai dãy nhà cấp bốn thấp
thoáng dưới chân núi Ba Vì ngày nào cùng những năm tháng không thể nào
quên.