- Họ và tên tác giả: Nguyễn Văn Quỳnh
- Chức vụ và nơi công tác trước khi nghỉ hưu: Tổ trưởng tổ Văn Trường THPT Nguyễn Văn Cừ Gia Lâm
- Năm sinh: 1948. Nhập ngũ ngày 22 tháng 4 năm 1968- đi B
- Chức vụ, đơn vị Hội hiện nay: Chủ tịch Hội CGC xã Lệ Chi - Gia Lâm- Hà Nội
- Đã tham gia chiến trường B từ năm 1968 đến năm 1972. Bị thương ngày 10/2/1972 ra Bắc.
Hòa bình đã hơn bốn mươi năm, nhưng ký ức về những ngày cùng đồng đội nơi chiến trường trong các trận đánh vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi người lính chúng tôi từng tham gia chiến đấu nơi chiến trườn để - bảo vệ Tổ quốc.
Trong hàng triệu những người con đất Việt đã dấn thân, khoác lên mình bộ quân phục màu xanh và nhận lấy danh xưng - người lính bộ đội Cụ Hồ đầy tự hào, họ là những chiến sĩ tự nguyện lấy máu mình tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc, bảo vệ non sông đất nước. Ngày nay, sống trong thời bình nhưng ký ức về những thời khắc hào hùng đó luôn in dấu đậm nét trong tâm trí tôi. Kí ức cũ như sương nơi đỉnh núi cao ngày mù trời, lúc cuồn cuộn chảy tuôn, khi nghẹn lắng. Trận đánh đêm ấy hiện trong kí ức xa xôi khi tôi nhớ lại và càng nhớ hơn những người đồng chí, đồng đội của mình.
Ấy là một buổi chiều tháng 5 năm 1969, trên đất Đại Lộc thuộc huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam. Đã hơn 5 giờ chiều mà nắng vẫn gay gắt, trời trong vắt. May có gió biển thổi vào nên dễ chịu đôi chút. Không khí toàn đơn vị thật yên tĩnh. Hình như có điều gì hệ trọng đang sắp tới. Chúng tôi đều cảm nhận như vậy mà không ai nói ra. Rồi cơm chiều.
Rồi mọi việc tuần tự như lịch mọi ngày….Bỗng có lệnh: “Các đồng chí tập hợp”
Trong đêm, lại nơi cửa rừng nên nghe rõ từng tiếng. Chỉ 3 phút sau, các tiểu đội, trung đội của đại đội đã chỉnh tề, đông đủ chờ lệnh. Tiếng đại đội trưởng Hoàng nhỏ, ấm mà dứt khoát: “Đêm nay C3 đánh vào phía Tây đồi Gò Cấm – có nhiệm vụ tiêu diệt 4 chốt hỏa lực của địch để các đơn vị bạn đánh vào trung tâm diệt Sở chỉ huy và tên Trung đoàn trưởng E5 Mỹ. Có vậy mới phá tan âm mưu địch đánh lên Bắc Đại Lộc mở đường đánh chiếm Tây Giang của chúng…. Đúng giờ G phát hỏa”. Mệnh lệnh vừa rứt, một bàn tay chắc nịch đặt vào tay tôi: “Đồng chí xạ thủ phó B40 - cho tôi – có cả Đại đội phó Tiệp”. Tôi bất ngờ một chút, rồi lí trí mách bảo - ý nghĩa của trận đánh đêm nay, tôi phải làm gì?
Thảo nào mấy hôm nay, tôi được đồng chí Thắng A trưởng, nhập ngũ 1966 hơn tôi 4 đến 5 tuổi, đã kì cựu trong chiến đấu, hướng dẫn tôi rất kĩ về cách bắn B40, cách tiếp cận hỏa lực địch, chọn địa hình và vận động…Ánh trăng thượng tuần soi đủ để hơn một trăm lính chúng tôi hành quân từ vùng giáp gianh vào vị trí chiến đấu: nhanh, gọn, chính xác và bí mật. Hồi hộp, lo âu và cả tò mò nữa, tất cả đang ùa về đầu tôi lúc ấy.
Và rồi một tiếng nổ ầm giữa đồi Gò Cấm: tiếng súng các loại rền vang, pháo sáng và cả ánh lửa của đạn sáng rực cả một vùng trời. Tôi nghe rõ tiếng anh thắng “nằm xuống, kiểm tra đạn dự phòng”. Tôi đang lần đạn dự phòng thì “ống thổi lửa” của anh Thắng lóe sáng bay vù vù về phía địch. Trúng rồi nên chốt đại liên của chúng tắc tỵ. (Đồng bào Quảng Nam gọi B40 là “ống thổi lửa”). Chúng đã phát hiện ra hỏa lực của mình - sau hai quả B40 của anh Thắng. Tôi nghe không rõ tiếng lính Mỹ: Vi xi hay Mi xi gì đó. Tôi đang cố nhìn về phía địch để xem thế nào, thì tiếng đồng chí Tiệp: “nằm áp đất, hỏa lực địch”. Một vùng chớp lửa xanh lòe. Và một tiếng “ối”, cánh tay anh Thắng đập vào đầu tôi. Choáng một chút, tôi nhận ra nhiệm vụ của mình. Xác định đúng vị trí hỏa lực địch, tôi bóp cò… Cả đại liên và phóng lựu của chúng ở chốt bên phải im bặt. Chỉ có tiếng la ó và tiếng kêu của chúng giống lên inh ỏi.
Được đấy, tiếng đồng chí Tiệp nói một mình hay nói cho tôi nghe. Bấy giờ bộ binh C3 và cả đơn vị bạn tràn lên sở chỉ huy trung đoàn E5. Pháo sáng, máy bay địch, đạn, pháo cứ ầm ầm. tôi chợt nhìn về phía anh Thắng, máu ướt đầm vai áo, tay vẫn để bên khẩu B40. “Đưa đồng chí Thắng ra tuyến sau ngay”. Tôi và đồng chí Tiệp phải mất đến 2 phút mới nâng được anh Thắng lên vì anh Thắng cao lại to người. rồi lệnh trên. “Đồng chí Tiệp tăng cường khẩn cho B2. Thế là còn một mình tôi đánh vật với việc cõng anh Thắng qua cánh đồng Lộc Sơn về tuyến 2. Ruộng mấp mô, nhìn không rõ, tôi lại thấp bé, cứ lảo đảo, choạng sang bên này rồi bên kia. “Thôi để anh ngồi đây, em vào đi”. Tôi hiểu “vào đi” là vào đánh tiếp, nhưng không được: mệnh sống của anh lúc này hơn tất cả. Khi chạng vạng sáng thì tôi cũng cõng anh Thắng tới tuyến 2 có du kích nữ cáng anh đi về phẫu thuật. Mệt rã rời, tôi thở phào và uống một hơi nước như chưa bao giờ được uống nước.
Tôi quay lại trận địa tìm 2 khẩu B40 thì các đồng chí tổ thông tin đã cầm hộ bảo về hậu cứ đi: ổn rồi …
Hôm nay ngày 20 - 4 - 2020 ngồi viết về kỷ niệm trận đánh này tôi lại bồi hồi xúc động nhiều. Có điều anh Thắng của tôi vừa mất ngày 28 tháng 11 âm, nhằm ngày 14 tháng 12 năm 2019. Nhìn vào tấm Huân chương chiến công hạng ba mà đơn vị tặng cho tôi về trận đánh đêm ấy, tôi thấy hình như có cả linh hồn anh trong đó.
Xin tạ ơn anh!
Kí ức thời bom lửa, kỷ niệm ấy tôi chỉ muốn tự mình lưu giữ. Nay đã kể ra rồi chẳng còn là của riêng mình nữa. Tôi tự hào về quá khứ, đó là những năm tháng chiến tranh gian khổ nhưng cả dân tộc đồng lòng vượt qua chiến thắng kẻ thù hùng mạnh bậc nhất thế giới để cảm nhận giá trị của hòa bình, của độc lập tự do.
Câu chuyện mà tôi ghi lại ở trên là một trong muôn ngàn câu chuyện của người lính nơi chiến trường khi giáp mặt với kẻ thù - những người đã góp một phần làm nên lịch sử trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Đó là những câu chuyện của tinh thần khát khao chiến đấu, hi sinh cho Tổ quốc, của tình đồng chí, đồng đội... Nó giúp cho thế hệ sau hình dung ra một thời đỏ lửa của những năm tháng không thể nào quên để nhận chân giá trị hòa bình, độc lập của Tổ quốc hôm nay.