Học tập cần có động cơ
Động cơ là điều thúc đẩy, sai khiến người ta làm điều gì đó, giống như đoàn tàu phải có “đầu máy” để kéo hay đẩy cho nó chuyển động. Trong hoạt động học tập của học sinh, xây dựng động cơ học tập là vô cùng cần thiết. Động cơ học tập phải được hình thành dần dần, theo một quá trình, không phải bỗng dưng mà có được. Trong việc hình thành động cơ học tập cho học sinh, vai trò của nhà trường, của các thầy cô giáo là rất quan trọng. Tuy nhiên, với học sinh phổ thông, nhất là học sinh tiểu học, vai trò của gia đình, cha mẹ cũng không kém phần quan trọng. Chúng ta dễ dàng nhận thấy, có gia đình, con cái rất tự giác học tập, cha mẹ không phải nhắc nhở nhiều. Ngược lại, không ít gia đình huy động cả nhà vào “sự học” của con, mà “cứ rời ra là … nó không học nữa”.
Động cơ học tập có hai dạng, động cơ bên trong và động cơ bên ngoài. Động cơ bên trong chính là ý thức sự cần thiết phải có hiểu biết, khát khao khẳng định bản thân, muốn tương lai tươi sáng hơn… Động cơ bên ngoài là những thứ tác động từ bên ngoài như đi học rất vui, để bố mẹ hài lòng, để được thầy cô khen ngợi, để được khen thưởng… Cả hai dạng động cơ học tập phải được hình thành dần dần, tùy theo lứa tuổi mà dạng động cơ nào được “ưu tiên” hơn. Càng nhỏ tuổi, việc hình thành động cơ học tập bên ngoài càng quan trọng. Chúng ta chưa thể nói với một em học sinh lớp Một rằng “Học tập là một nghĩa vụ, là quyền lợi của mỗi công dân”, hay “Không học thì sau này sẽ không có tương lai tươi sáng”. Chúng ta cũng chưa thể nói đến “trách nhiệm phải học” và lý luận với các em rằng: “Bố mẹ đi làm, con phải đi học, không học thì làm gì?”. Đã có em trả lời bố mẹ rằng: “Con không đi học đâu, học chán lắm, con ngủ đến trưa rồi dậy xem ti vi, chơi điện tử, thích hơn”.
Cuộc sống xã hội phát triển, không phải điều gì cũng đúng như “lý thuyết”, nên khi xây dựng động cơ học tập cho con, cha mẹ không được “lý luận” quá nhiều. Có ông bố bảo cậu con trai đang học lớp 10 rằng: “Con không học để sau này còn thi đại học thì biết làm gì mà ăn, thời buổi này không có bằng cấp thì khó xin việc lắm”. Cậu con trai nói lại ngay rằng: “Con thấy chú Hùng có học đại học đâu mà bây giờ chú ấy là ông chủ, còn bố học cao, nhà mình vẫn ở nhà tập thể cũ nát”. Có bà mẹ bảo con: “Người có học sẽ được kính trọng, tôn vinh trong xã hội”, cô con gái trả lời: “Con thấy mấy cô “hot girl” học vừa vừa, lại được tung hô khắp nơi, còn mấy chị học cao có khi lại … ế chồng”. Không ít trường hợp bố mẹ đuối lý trước lý sự (cùn) của con cái, đã dập tắt cuộc nói chuyện bằng việc mắng mỏ, quát nạt con, bảo con “hỗn láo, mất dạy”.
Nhiều bậc phụ huynh tạo dựng động cơ học tập cho con chưa phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Với trẻ nhỏ, đang học tiểu học, cha mẹ “lên lớp” với những điều cao siêu. Ngược lại, với học sinh trung học, lại vẫn duy trì cách khuyến khích học tập như với trẻ nhỏ. Chẳng hạn, nếu học tốt bố sẽ cho đi chơi biển, mua cho xe đạp điện, điện thoại hay cho tiền. Vì thế, hiệu quả chưa cao.
Không ít học sinh bây giờ đi học như là một thói quen, là đi “học hộ bố mẹ”. Không biết có nhiều lắm không số học sinh nghỉ học một hôm, bỏ học một bài mà thấy “tiếc đứt ruột”? Lý do của tình trạng này thì có nhiều, nhưng một trong những lý do quan trọng là vì trẻ thiếu động cơ học tập đúng đắn, phù hợp.
Xây dựng động cơ học tập cho con, khó cũng phải làm
Con cái sau này hạnh phúc, thành đạt, hay bất hạnh, vất vả cũng đều ảnh hưởng tới cuộc sống của chính các bậc làm cha, làm mẹ, vậy tại sao các bậc phụ huynh lại đành “trăm sự nhờ nhà trường”?. Ai cũng biết chăm lo sức khỏe cho mình và gia đình, chứ có ai “ủy quyền” tất cả cho bệnh viện và bác sĩ đâu?.
Làm gương cho con và xây dựng nền nếp gia đình học tập là quan trọng hàng đầu. Bố lười học, lười làm, mẹ không bao giờ sờ đến một tờ báo, cuốn sách, ăn tối xong thì bố đi chơi hàng xóm, mẹ ngồi “buôn dưa lê” thì làm sao nhắc nhở con chăm chỉ học tập được? Từ nhỏ, trẻ thường xuyên thấy bố nghiên cứu tài liệu, mẹ cứ rảnh lúc nào là cầm sách đọc lúc đó sẽ thấy được khích lệ rằng “Học có điều gì đó hay lắm nên bố mẹ mới say mê học đến thế”. Đặc biệt, muốn con say mê học tập, cha mẹ không bao giờ được “phỉ báng” việc học và chữ nghĩa. Để con có hứng thú học tập, cha mẹ phải nói về các thầy cô với lòng tôn kính. Cha mẹ khi ngồi xem ti vi chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” cùng với con mà phát ngôn rằng: “Mấy đứa này chỉ được cái học gạo, đứa nào mắt cũng cận lòi. Thế mà tiền thưởng có mấy triệu bọ, thua xa ca sĩ A, nghệ sĩ B chỉ hát mỗi một bài mà “cát xê” được hai chục triệu đồng”, thì coi như mọi điều bố mẹ nhắc con phải chăm học, say mê học tập đều đổ xuống sông, xuống biển hết. Bố dẹp tủ sách của con lại để lấy chỗ đặt bể cá vàng cho bố ngắm, mẹ sẵn sàng cho con tiền ăn gà rán KFC, nhưng lại ngần ngừ khi con xin tiền mua quyển truyện mà con thích thì giáo dục, dạy dỗ làm sao được con.
Các bậc phụ huynh cần khơi gợi trí tò mò, ham hiểu biết của trẻ, đây cũng chính là cách làm cho việc học của trẻ trở nên thú vị hơn. Khi con hỏi một điều gì đó, không nên lúc nào cũng chỉ bảo tận tình. Hãy nói với con rằng, điều này con sẽ được biết ở giờ học môn Khoa học ở lớp, điều kia con có thể hiểu, biết khi đọc trong quyển sách A mà mẹ mua cho con hôm trước. Bài này con có thể trao đổi với chị gái (anh trai), anh ấy (chị ấy) học lớp trên con, nên hiểu hơn bố mẹ. Theo bản năng, đói thì đầu gối phải bò. Muốn biết, muốn hiểu thì phải hỏi, phải đọc, phải xem, phải nghe. Trẻ em không phải là cái bình rỗng để cha mẹ đổ đầy kiến thức vào đó mà là một căn phòng cần được thắp lên ngọn lửa đam mê, chiếu sáng. Tuy nhiên, khi nhắc nhở con học bài này, xem sách kia, đừng quên “kiểm tra” kẻo trẻ mau quên, mục đích của chúng ta không đạt được, rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.
Để tạo hứng thú cho con, giúp con muốn được học, cha mẹ cần biến những giờ học của con ở nhà thành những phút giây bên nhau, chia sẻ, lắng nghe, tránh tạo ra sự nặng nề, khiến con thấy việc học sao khổ thế. Một số cha mẹ quan tâm đến việc học của con chỉ bằng cách hỏi “Con đã làm xong bài về nhà cô giao chưa?”. Hiện nay, các giáo viên tiểu học đã không giao bài về nhà cho học sinh thì nhiều bậc phụ huynh vẫn năn nỉ xin cô cứ giao cho con bài để buổi tối nó chịu học, coi như đó là hình thức “quản con”. Thay vì bắt con ngồi viết 10 dòng chữ mới học, tập chép 2 trang sách giáo khoa, làm thêm vài bài toán nâng cao, hãy hỏi chuyện con ở lớp thế nào? hay chơi với bạn nào? bạn nào học giỏi nhất lớp? con có xung phong lên bảng bao giờ không? tại sao lại không thích học môn Văn? con viết chậm là do mắt kém không nhìn được bảng hay bút hỏng, tay đau?... Mẹ cũng có thể giao bài cho con bằng cách, nếu ở lớp đang học bài văn tả người, trên lớp đã viết tả về bà nội, mẹ đố con tả được bà ngoại?. Trên lớp đã học cộng trừ các số có hai chữ số, mẹ hãy nhờ con tính hộ xem hôm nay mẹ đi chợ tiêu hết bao nhiêu tiền? Làm những việc này không mất thời gian, không phải ngồi “ốp” con, hò hét con viết nhanh lên, viết lùi vào, mà nhẹ nhàng như chơi. Có khi mẹ vừa làm việc nhà, vừa dạy con học theo kiểu chơi với con được.
Khen, thưởng, động viên là một động cơ không chỉ với trẻ em, mà người lớn cũng cần. Tuy nhiên, tùy lứa tuổi, tùy đặc điểm tâm lý của trẻ mà cha mẹ lựa chọn hình thức khen, thưởng cho phù hợp. Thông thường, phần thưởng lớn nhất là phần thưởng người ta khát khao, mong đợi. Nếu con thích được đi chơi, về quê thăm ông bà, thì một chuyến về quê là phần thưởng với con, khiến con hăng hái học tập để giành được phần thưởng này hơn là cho con một hộp bánh to. Với học sinh còn nhỏ, các em rất nhạy cảm với thái độ, nét mặt của cha mẹ, nhạy cảm với sự yêu ghét thì những câu nói động viên, khích lệ như: “Mẹ yêu con!”, “Mẹ vui lắm con trai ạ!”, “Bố rất tự hào về con!”… lại là một phần thưởng rất lớn.
Thay vì hỏi “Hôm nay con được mấy điểm?” khi đón con ở cổng trường, cha mẹ hãy hỏi “Hôm nay con học có vui không?”, hoặc “Hôm nay con học thế nào, có chuyện gì hay kể cho bố nghe với nào?”.
Cuối cùng, các bậc phụ huynh hãy nhớ rằng mình là người bạn của con, là người hỗ trợ tâm lý cho con có hứng thú học tập, chứ không phải là giáo viên ở nhà, nên đừng giảng lại bài cho con. Cha mẹ ít khi đủ bình tĩnh để lắng nghe con nói khi đang giảng bài. Giảng mãi con không hiểu, rất nhiều cha mẹ đã la hét, mắng mỏ, gọi con bằng các từ ngữ xúc phạm, thậm chí đánh đập. Việc liên tục nhắc nhở con học bài cũng hình thành tâm lý cho rằng “việc học là của bố mẹ”, nên trẻ hay ỉ lại, đợi nhắc mới học. Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Khá nhiều bậc phụ huynh giảng bài cho con bị sai. Ghét học, ức chế vì việc học... là những cảm giác rất dễ hình thành khi con ngồi học mà bố mẹ cứ muốn “nhảy” vào giảng bài. Vì thế, bố mẹ không nên giảng bài cho con, hãy để việc đó cho cô giáo. Sẽ có rất nhiều mục tiêu con cần đạt được khi học, ví dụ học cách thực hiện trách nhiệm của mình, mà con sẽ không đạt nếu cha mẹ cứ làm hộ con như vậy”.