BÀI 1: Cô giáo Phạm Thị Dung- Trường THCS Chu Văn An, huyện Thanh Trì:
TỰ HÀO LÀ VỢ LÍNH ĐẢO
Sẽ không thể nói hết khó khăn của những người phụ nữ có chồng đi làm nhiệm vụ nơi biển đảo. Để hoàn thành tốt công việc ở trường, chu toàn công việc gia đình, các chị phải nỗ lực gấp nhiều lần. Sự nỗ lực ấy không thể đo đếm được, nhưng đều xuất phát từ tấm lòng hướng về biển đảo thân yêu của quê hương, về người chồng đang kiên cường bám biển và cả tình yêu với các thế hệ tương lai của đất nước. Trong trái tim của cô giáo Phạm Thị Dung, Trường THCS Chu Văn An, huyện Thanh Trì, tình yêu ấy luôn đong đầy và là nguồn động lực để chị luôn là cánh hoa san hô gửi niềm tin và sự tự hào đến người chồng của mình- Thượng úy Nguyễn Đức Chiều, hiện đang làm nhiệm vụ Lái trưởng tàu 51-11-75 tại Lữ đoàn 649, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần.
Lặng lẽ làm “tròn vai” để chồng yên tâm làm nhiệm vụ
“Bén duyên” với nghề dạy học bởi những ấp ủ từ ngày còn ấu thơ. Cô giáo Phạm Thị Dung bộc bạch: Từ nhỏ, tôi đã rất thích làm cô giáo, đặc biệt là tôi rất ngưỡng mộ các cô giáo chủ nhiệm của tôi hồi học cấp II nên khi lớn lên mặc dù đỗ vào các trường ĐH khác, tôi vẫn chọn học trường CĐSP Hà Nội. Ra trường, tôi đi dạy hợp đồng và thi đỗ viên chức ở trường THCS Hữu Hòa, huyện Thanh Trì.
Bắt đầu với công việc “trồng người” cũng là lúc cô giáo Dung quen anh Nguyễn Đức Chiều, người bạn đời của mình sau này qua lời giới thiệu của một đồng nghiệp. Chị nhớ lại: Biết anh là lính, làm nhiệm vụ tận Hải Phòng, không được gặp nhau thường xuyên nhưng tình cảm của chúng tôi đã lớn dần qua các tin nhắn và các cuộc gọi điện hỏi thăm của anh. Sau 1 năm tìm hiểu, chúng tôi đã quyết định kết hôn.
Từ tháng 2/2007, anh Nguyễn Đức Chiều bắt đầu nhận nhiệm vụ đi công tác xây dựng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Khi đó, cô giáo Dung mới sinh cháu lớn được 3 tháng. Vợ chồng trẻ mới cưới, con còn nhỏ dại, nhưng chị vẫn động viên anh an lòng nhận nhiệm vụ. Chuyến công tác đó của anh kéo dài 6 tháng. Với cô giáo Dung, đó là chuyến công tác đầu tiên anh xa nhà lâu ngày như vậy, có lẽ khoảng thời gian ấy không bao giờ vợ chồng cô quên. Chị kể: Trước mắt tôi là bao khó khăn vất vả. Con thì nhỏ, bố chồng là thương binh, đã từng là chiến sĩ bị địch bắt tù đày, bị tra tấn ở đảo Phú Quốc nên trái gió trở trời là đau ốm, mẹ chồng tuy còn trẻ nhưng còn phải đi chợ từ sáng sớm đến trưa mới về. Hết 4 tháng nghỉ chế độ, tôi gửi con cho ông nội trông buổi sáng, buổi chiều bà nội đi chợ về trông đỡ ông, còn tôi vừa chăm con vừa đi làm. Rất may, khi đó tôi dạy trường gần nhà và Ban giám hiệu nhà trường cũng rất tạo điều kiện cho tôi về thời gian nên mọi khó khăn cũng qua đi…
Cô giáo Phạm Thị Dung bên học trò thân yêu
Biết anh Chiều cũng rất lo lắng cho gia đình, thương vợ trẻ, con thơ nhưng hiểu hơn ai hết những tâm tư, khó khăn của người lính phải xa nhà đi giữ biển đảo quê hương, hiểu rằng công việc của các anh quanh năm ngày tháng lênh đênh trên biển cả thực sự đã rất vất vả và đôi khi còn nguy hiểm nữa nên chị không muốn anh phải lo lắng nhiều cho mẹ con mình. Chị chia sẻ: Tôi cứ lặng lẽ làm “tròn vai” của mình, vừa chăm lo gia đình, vừa hoàn tất việc dạy học. Bên cạnh đó, lúc nào tôi cũng động viên anh là mẹ con tôi rất khỏe, mọi việc đều rất tốt. Thậm chí khi con bị ốm đi viện, tôi cũng không dám kể chuyện cho chồng vì sợ anh lo lắng ảnh hưởng đến công việc. Chỉ khi nào anh được về nhà vui vầy bên gia đình, tôi mới kể lại cho anh nghe mà thôi. Thực sự, suy nghĩ lớn nhất của tôi lúc đó là cố gắng sống khỏe mạnh, chăm con thật tốt, làm việc thật tốt để chồng yên tâm công tác, không phải lo lắng về mọi việc ở nhà, chắc tay lái để cả tàu được an toàn và hoàn thành sớm nhiệm vụ, trở về thăm gia đình.
Chị bảo: Cho đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy mình thật may mắn, vì mặc dù chồng đi công tác xa nhưng bên cạnh tôi luôn có người thân bên cạnh, giúp đỡ tôi mỗi lúc khó khăn. Hai bên nội ngoại đều ở gần, anh chị em lại rất hòa thuận nên tôi không cảm thấy đơn độc khi ở nhà chồng một mình mà không có chồng bên cạnh. Hơn nữa, chồng tôi lại rất quan tâm đến vợ con, thường xuyên gọi điện về nhà mỗi khi rảnh, động viên tinh thần cho vợ nên tôi cảm thấy tự tin rất nhiều để hoàn thành tốt mọi việc.
Nói về anh Nguyễn Đức Chiều, ánh mắt cô giáo Dung rạng ngời niềm tự hào: Chồng tôi là một người bố rất quan tâm và yêu thương các con nên dù bố có đi công tác bao nhiêu lâu thì khi về các con cũng rất quấn quýt, yêu bố. Hơn nữa, trong mọi việc ở nhà tôi thường nhắc đến vai trò của bố cho các con thấy bố luôn ở bên cạnh ba mẹ con dù có nhà hay không. Anh cũng thường xuyên gọi điện hỏi thăm vợ con và người thân trong nhà cả bên nội cũng như bên ngoại nên cả nhà đều nhắc đến anh trong câu chuyện hàng ngày. Điều mà tôi tự hào và trân trọng nhất ở anh chính là anh luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao nhưng không bao giờ quên quan tâm đến vợ con.
Mang niềm tự hào đến với học trò
Là giáo viên chủ nhiệm, trong những giờ sinh hoạt lớp theo chuyên đề, cô giáo Phạm Thị Dung thường khéo léo lồng ghép câu chuyện kể về người lính biển đảo để giáo dục lòng tự hào dân tộc và yêu nước cho học sinh. Cô thường kể về sự kiên cường bám biển, về tinh thần lạc quan của người lính chứ tránh nói về những khó khăn, thử thách mà các anh phải đối mặt cũng như những khó khăn của vợ con người lính. Chị bộc bạch: Bản thân tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi việc như các đồng nghiệp khác vì tôi không muốn học sinh biết đến sự vất vả của mình. Trong quá trình dạy học, tôi chỉ mong muốn mang đến cho học sinh những bài giảng hấp dẫn, sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu; đồng thời giáo dục cho các em những đức tính cần thiết để từng bước trở thành người có ích cho xã hội…
Nếu như những người phụ nữ khác để tròn cả 2 vai: gia đình và công việc đã phải nỗ lực rất nhiều thì với những người vợ lính sự nỗ lực ấy càng nhân lên gấp bội. Vừa làm con, vừa làm mẹ và làm thay vai trò của bố, vừa là giáo viên tâm huyết, vững tay nghề, cô giáo Dung đã phải cố gắng hết mình để việc dạy học đạt hiệu quả cao nhất, gia đình được êm ấm nhất. Sự nỗ lực ấy của cô giáo Phạm Thị Dung được thể hiện rõ nét qua các thành tích mà cô đạt được trong công tác dạy học. Cô đã đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp TP, Chiến sỹ thi đua cấp huyện, “Người tốt việc tốt” cấp huyện; Liên tục đạt nhiều sáng kiến kinh nghiệm loại B, C cấp TP… Đặc biệt, từ khi được điều chuyển công tác về trường THCS Chu Văn An ngay từ những năm đầu tiên thành lập, năm nào cô giáo Phạm Thị Dung cũng có nhiều học sinh đạt học sinh giỏi cấp TP, cấp huyện và một số em được chọn tham gia kỳ thi giải toán trên mạng cấp Quốc gia. Với chị, tất cả những thành tích mà chị đạt được luôn có sự động viên tinh thần mỗi ngày của người bạn đời Nguyễn Đức Chiều. “Những lúc mệt mỏi chỉ cần được nói chuyện điện thoại với anh là tôi đã phấn chấn lên rất nhiều và lại có thể tiếp tục làm việc hiệu quả”- Chị chia sẻ.
Chị cũng luôn đón nhận được tình cảm ấm nồng của mọi người dành cho mình để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ năm 2014 đến nay, Sở GD&ĐT Hà Nội, Phòng GD&ĐT Thanh Trì vào các dịp đầu năm học hay đầu năm mới đã tổ chức những buổi gặp mặt tặng quà các nữ nhà giáo có chồng công tác tại quần đảo Trường Sa khiến chị thấy rất xúc động và thêm nỗ lực phấn đấu. Cũng như vậy, nhà trường và các đồng nghiệp luôn quan tâm, tạo điều kiện về thời gian, công việc để giúp chị luôn giữ lửa nghề, lửa đời.
Nhờ vậy, không chỉ “giỏi việc trường”, chị còn luôn chu toàn việc nhà. Hai con của chị khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học giỏi. Cháu lớn Nguyễn Đức Quang Minh (10 tuổi) hiện đang học lớp 4 tại trường Tiểu học Tả Thanh Oai, cháu bé là Nguyễn Đức Minh Thiện (4 tuổi) đang học tại trường MN Tả Thanh Oai. Các con là nguồn động lực, nguồn động viên lớn lao để chị vững tâm hướng về anh, người lính biển đảo.
Vững tâm như vậy, nhưng cũng không tránh khỏi những phút chạnh lòng. Chị tâm sự: Thời gian đầu, anh Chiều mới nhận nhiệm vụ công tác xa nhà, tôi cũng rất buồn. Nhưng tôi thấy được tình yêu mà anh dành cho mẹ con tôi là vô bờ bến. Tôi cũng hiểu rằng phải xa vợ con, anh cũng rất buồn và suy nghĩ, nên dần dần tôi thấy mình cần phải vững vàng hơn, chăm sóc con cái, gia đình chồng thật tốt để anh yên tâm công tác. Nhất là khi Trung Quốc đặt giàn khoan 981 tại biển Đông, chồng tôi phải đi công tác biền biệt hàng năm trời trên biển, chuyên chở hàng quân sự để tăng cường xây dựng tất cả các đảo trên quần đảo Trường Sa. Khi tàu chạy ngoài khơi xa là hầu như không thể liên lạc được với anh. Tôi biết công việc của chồng đã vô cùng vất vả và nguy hiểm rồi nên không có lí do gì để anh phải lo nghĩ đến việc ở nhà nữa. Nhất là khi anh đi công tác xa nhà lâu ngày như vậy thì các con tôi cũng rất thiệt thòi vì không có bố bên cạnh thường xuyên. Vì thế, tôi lại càng thấy mình phải hoàn thành tốt mọi việc, chăm sóc các con thật tốt để anh yên tâm công tác nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc; đồng thời mong muốn phần nào bù đắp sự thiệt thòi của các con.
Chị xúc động: Tôi thấy được niềm vui sướng không gì diễn tả nổi của các con khi bố về thăm nhà. Do đó, mong muốn lớn nhất của tôi lúc này là vùng biển đảo của đất nước được bình yên để chồng không phải đi công tác nhiều, có điều kiện về thăm gia đình nhiều hơn để các con được hưởng niềm vui khi có bố bên cạnh.