Nợ học phí bằng một phần ba số tiền thế chấp
Năm nay, sinh viên nước Anh sẽ phải gánh một khoản nợ học phí bằng một phần ba số tiền thế chấp. Theo một số liệu thống kê mới của nhóm tài chính giáo dục The Money Charity, khoản nợ trong năm 2016 của sinh viên có thể lên đến hơn 41.000 bảng Anh so với số tiền thế chấp trung bình là 117.000 bảng Anh, tức là khoảng 35%. Bên cạnh số tiền học phí tăng cao đáng kể, các chi phí cho sinh hoạt như tiền thuê nhà hay bảo trì nhà cũng làm khoản tiền nợ định kì mà sinh viên sẽ phải trả lên 24.640 bảng Anh so với 21.170 bảng Anh của năm 2015.
Các chi phí không liên quan đến giáo dục như chi phí thuê và bảo trì nhà là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến số tiền nợ của sinh viên tăng. Theo tổ chức The Money Charity, giá tiền thuê nhà năm nay trung bình đã tăng 277 bảng Anh.
Những chỉ số này được tính toán ngay sau một báo cáo của quỹ xã hội lưu động Sutton Trust, khi quỹ này phát hiện những sinh viên Anh tốt nghiệp năm ngoái đang gánh một khoản nợ trung bình là 44.500 bảng Anh- cao hơn đáng kể so với các sinh viên ở Mĩ, và cũng cao hơn sinh viên học ở các nước Canada, Úc và New Zealand.
Ảnh minh họa
Tổng giám đốc điều hành của The Money Charity- bà Michelle Highman cho rằng với gần một nửa số học sinh Anh, việc trở trành sinh viên là bước đầu tiên cho cuộc sống của một người trưởng thành. Tuy nhiên, bà cũng nói: “Chúng tôi lo ngại những ảnh hưởng tâm lí đến từ các khoản nợ sẽ để lại hậu quả lâu dài cho học sinh”. Bà nói thêm: “Việc bình thường hóa các khoản nợ khi sinh viên mới bắt đầu quá trình độc lập về mặt tài chính có nguy cơ gây hại cho họ. Các khoản nợ này cũng ảnh hưởng đến khả năng vay tiền của họ trong tương lai, ví dụ như trợ cấp ngân hàng hay thế chấp”.
Trong cuộc họp Quốc hội Anh diễn ra gần đây, các thành viên Quốc hội đã thể hiện sự không ủng hộ với đề xuất của đảng Bảo thủ khi đảng này muốn tiếp tục duy trì các khoản nợ của sinh viên. Theo bà Liz McInnes- một thành viên của Quốc hội, đề xuất được cho là “thiếu cân nhắc” này của đảng Bảo thủ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng chi trả tài chính của sinh viên. Bà cũng nói rằng đây là một vấn đề “mang tính đạo đức” và “chính phủ không thể dùng chính trị để quyết định việc giáo dục của con người”.
Khi đề cập đến sự tăng đáng kể của chi phí giáo dục cũng như những cuộc cải cách giáo dục lớn của nhiều trường đại học Anh trong những năm gần đây, Bộ trưởng giáo dục Anh đã viết một bức thư đến các sinh viên Anh để nói rằng hệ thống giáo dục mới sẽ giúp “sinh viên được ưu tiên trên hết”. Ông cũng nói: “Việc quyết định học ở các trường đại học là một lựa chọn quan trọng, chúng tôi muốn lựa chọn đó sẽ có những kết quả tuyệt vời để giúp các bạn có một hành trang vào đời”.
Những hệ lụy từ nợ chi phí giáo dục
Những sinh viên gặp phải vấn đề về tài chính (điển hình như nợ) có nguy cơ rơi vào trầm cảm và phụ thuộc nhiều hơn vào các chất kích thích hay đồ uống có cồn. Đây là kết quả của một nghiên cứu gần đây của trường Đại học Southampton và quỹ Solent NHS tại Anh.
Cuộc điều tra trên được thực hiện với hơn 400 sinh viên năm thứ nhất trên khắp các khu vực nước Anh để đánh giá hàng loạt các yếu tố tài chính, bao gồm khả năng tài chính của gia đình, những khó khăn tài chính gần đây và thái độ của sinh viên với khả năng tài chính của họ trong bốn thời điểm nhất định của năm đầu tiên học đại học. Điều này giúp các nhà nghiên cứu tìm ra có phải những khó khăn tài chính của sinh viên xuất hiện trước hay những vấn đề về sức khỏe tâm lí của họ xuất hiện trước.
Cuộc điều tra này cũng phát hiện ra rằng những sinh viên quyết định không học đại học hay bỏ dở chương trình học giữa chừng vì khó khăn tài chính có các vấn đề về tâm lí cao hơn những sinh viên khác. Người đứng đầu cuộc nghiên cứu này - Tiến sĩ Thomas Richardson cho rằng sự trầm cảm và sự phụ thuộc vào các chất kích thích do kết quả của các vấn đề tài chính sẽ làm cho tình trạng trầm cảm càng trở nên nghiêm trọng hơn và sự phụ thuộc vào các chất kích thích cũng sẽ nhiều hơn, hay còn gọi là một “chu kì không có điểm kết thúc”. Ông cũng nói thêm: “Sự can thiệp nhằm giải quyết cùng lúc hai vấn đề này sẽ là sự can thiệp mang lại hiệu quả nhất”.
Một sinh viên trong cuộc điều tra này đã nói với các nhà nghiên cứu về lựa chọn phải bỏ học đại học giữa chừng vì sự trầm cảm cũng như không có khả năng chi trả tài chính của mình: “Khi tôi ốm, tôi không thể đi làm thêm, vì thế tôi không có đủ khả năng tài chính để trả cho chi phí đại học. Những khó khăn về tài chính đó khiến tôi bị căng thẳng, lo âu, và kết quả học tập của tôi cũng kém hơn. Đó là một chu kì không bao giờ kết thúc”.
Cộng đồng sinh viên ở Anh đã phản đối chính sách tăng học phí cao ở các trường đại học Anh bao gồm tiền học, chi phí ăn ở trong các khu kí túc xá của trường và đặc biệt là chính sách áp dụng các khoản nợ giáo dục vào sinh viên theo đề xuất của đảng Bảo thủ. Theo quỹ Sutton, ngày càng có nhiều sinh viên Anh quyết định không chọn các trường đại học có mức nợ giáo dục cao tại Anh. Tiến sĩ Richardson cho rằng việc bắt đầu học đại học có thể là “một khoảng thời gian áp lực và mệt mỏi” đến những người trẻ khi vấn đề tài chính có thể mang tới những nỗi lo. Ông nói: “Chúng ta không thể thay đổi khoản tài chính mà sinh viên hiện nay đang nợ, nhưng chúng ta có thể giúp họ quản lí tài chính và giảm bớt nỗi lo về tiền để giúp giải quyết các vấn đề tâm lí của sinh viên”.
Bà Elaine Hindalm- giám đốc điều hành của Drinkaware, một quỹ giáo dục về chất kích thích và đồ uống có cồn cảnh báo rằng “việc sử dụng đồ uống có cồn trong một thời gian dài sẽ gây nên nhiều hậu quả lâu dài cho sinh viên”. Bà nói: “Cồn là một chất gây lo âu và làm phá vỡ sự cân bằng trạng thái của con người. Điều này có thể khiến người dùng căng thẳng và trầm cảm”.
Sự tăng đáng kể tỉ lệ sinh viên gặp các vấn đề về sức khỏe tâm lí đang trở thành một vấn đề lớn của nước Anh và đã được ghi nhận ở những tháng gần đây. Theo một báo cáo của trường đại học York ở Anh vào tháng Năm vừa qua, khi so sánh với hai năm trước, 80% số trường đại học ở Anh ghi nhận những vấn đề sức khỏe tâm lí phức hợp của sinh viên đã tăng một cách đáng kể. Không chỉ vậy, theo những thống kê về cuộc gọi khẩn cấp ở Anh, từ đầu tháng Một đến đầu tháng Hai năm nay, 12 trong tổng số 24 cuộc gọi khẩn cấp ở các trường đại học là do trường hợp sinh viên tự sát hay các hành vi tự gây thương tích. Năm ngoái con số này là 42 trên tổng số 134 cuộc gọi.
Cùng với con số trên, khoảng 63% sinh viên đã từng nói với những tổ chức ngân hàng hay đơn vị cho vay tiền rằng họ luôn luôn hoặc thường lo lắng đến tài chính. Con số này có thể sẽ tăng trong tương lai khi chi phí học tập tại các trường đại học được dự báo là sẽ tăng mạnh.
Giáo sư Siobhan O’Neill của trường đại học Ulster (Anh) đã miêu tả cuộc sống của sinh viên trong một buổi họp về sức khỏe con người như một thứ gì đó “đầy sự cô đơn và những nỗi lo toan”. Bà đã chỉ ra những vấn đề liên quan đến đồ uống có cồn, chất kích thích, các hành vi gây hại bản thân và các vụ tự sát. Bà cũng đã trình bày về một nghiên cứu mới đây công bố về 355 ca tự sát của sinh viên từ 25 tuổi trở xuống ở khu vực Bắc Ireland. Giáo sư O’Neill cũng đã chỉ ra sự khác nhau trong hành vi tự sát của sinh viên với những người khác lớn tuổi hơn. Bà cho biết: “Khoảng 64% số sinh viên nam tự sát đã sử dụng cồn trước khi thực hiện hành vi tự sát, một phần ba số nữ giới thực hiện hành vi tự sát là học sinh, và hơn một nửa đã từng thử thực hiện các hành vi tự sát trước đây”.
Những vấn đề trên cho thấy nợ học phí và các khoản chi trả khác của sinh viên đã, đang và sẽ có nhiều tác động tiêu cực không chỉ đến chính sinh viên mà còn đến gia đình và xã hội. Nước Anh đang bắt tay tìm ra giải pháp trước mắt và lâu dài để tháo gỡ vấn đề, và mặc dù đã có vài sự thay đổi tích cực, nhưng nước Anh cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa bởi lẽ sinh viên chính là tương lai của đất nước.