- Tác giả: Phạm Hữu Lý
- ĐT: 0945347474
- Chức vụ và nơi công tác trước khi nghỉ hưu: Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Năm sinh: 1952
- Chức vụ, đơn vị hội hiện nay: Chi hội phó Chi hội Cựu giáo chức trường THCS Chương Dương, ủy viên ban chấp hành Hội CGC Quận Hoàn Kiếm.
- Đã tham gia chiến trường B từ đầu năm 1973 đến cuối năm 1974.
Tháng 9/1972, sau khi tốt nghiệp lớp Sinh-Địa khóa 3 năm học 1969-1972, đang hồi hộp được chờ phân công công tác để đi dạy học thì tôi cùng một số anh em các khoa khác trong trường được lệnh lên đường nhập ngũ. Sau khi tập trung ở Thượng Cát, chúng tôi hành quân lên Tân Lạc (Hòa Bình) và được biên chế vào Tiểu đoàn 73 để huấn luyện tân binh. Đây là một vùng đồi núi rộng lớn, thoai thoải, mọc các bụi cây lúp xúp, rất thích hợp làm địa bàn cho việc huấn luyện quân sự, chúng tôi được phân công từ 2 đến 3 người ở trong nhà dân. Đồng bào sinh sống ở đây phần lớn là người Mường, kinh tế hồi đó còn eo hẹp nhưng rất yêu quý và coi bộ đội như con cháu trong nhà, đồng bào ở trong các nếp nhà sàn, sàn nhà được lát bằng các cây vầu to chẻ ra, đạp dập và dàn đều nên có những khe hở, gió lạnh có thể lùa từ phía dưới lên. Những thanh niên chúng tôi ban đầu chưa quen cảm thấy rất rét, nhưng đó cũng là những trải nghiệm ban đầu giúp chúng tôi khi đi chiến trường mặc dù ở chiến trường khó khăn gian khổ gấp nhiều lần nhưng cũng cố gắng vượt qua được.
Tháng 12/1972, khi Mỹ đưa máy bay B52 ném bom Hà Nội, chúng tôi không được trực tiếp chúng kiến, ban đêm nghe tiếng động cơ máy bay ầm ì trên bầu trời, tiếng bom đạn nổ xa xa, tất cả chúng tôi đều rất sốt ruột, lo lắng. Nhưng khi nghe tin chiến thắng của quân và dân Hà Nội trong chiến dịch 12 ngày đêm bắn rơi nhiều máy bay B52 chúng tôi rất phấn khởi và càng khẩn trương tập luyện để được mau chóng tham gia cuộc kháng chiến của cả dân tộc.
Theo kế hoạch, đầu năm 1973 sau khi khóa huấn luyện tân binh hoàn thành, chúng tôi sẽ được về gia đình ăn Tết Nguyên đán trước khi vào chiến trường. Nhưng sau thất bại của âm mưu biến Hà Nội trở về “thời kỳ đồ đá”, Mỹ buộc phải ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào tháng 1 năm 1973. Chúng tôi lập tức được lệnh chuẩn bị lên đường chiến đấu ngay. Rồi ngày đó cũng đến, sau một thời gian tập luyện miệt mài, đang chờ được cấp phép trở về cùng gia đình ăn Tết, chúng tôi phải lập tức lên đường. Vừa hành quân bộ, vừa đi ô tô chúng tôi đã vào đến Sông Gianh ở Quảng Bình. Từ đó chúng tôi dần đặt chân lên con đường 559 huyền thoại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Như mọi người đã biết, đường 559 là con đường chạy dọc dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam làm nhiệm vụ vận chuyển quân, khí tài quân sự, lương thực cho chiến trường. Hành quân vượt suối, trèo đèo trên dải núi rừng hùng vĩ đó với ba lô trĩu nặng trên vai, chúng tôi ngày đi, đêm nghỉ tại các binh trạm, tự nấu ăn lấy. Tận mắt thấy khung cảnh tươi đẹp, hùng vĩ của đất nước, đau xót khi chứng kiến những cánh rừng bị chất độc hóa học và bom đạn của Mỹ tàn phá, những thân cây thông đổ ngã cháy âm ỉ hàng tháng trời, được chứng kiến những đoàn xe vượt qua mưa bom bão đạn chở hàng ra tiền tuyến.
Hành quân tới Thừa thiên Huế, đơn vị tân binh của chúng tôi được bổ xung vào trung đoàn 3, sư đoàn 324, quân khu Trị Thiên hoạt động ở vùng Sông Bồ, A Sầu, A Lưới, đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng. Tôi được phân công về đại đội 15, đại đội pháo không giật DKZ75 hỗ trợ hỏa lực cho các đơn vị bộ binh trong chiến đấu. Khi hành quân đi chiến đấu hoặc triển khai ra trận địa, ngoài một số chiến sĩ của tiểu đội pháo cũ có sức khỏe và kinh nghiệm phải đảm nhiệm vác nòng pháo và chân pháo, bọn chúng tôi lính mới vào chiến trường được gùi 2 quả đạn pháo đựng trong hộp bảo vệ cũng khá nặng. Tôi cũng đã có lần xin các đồng chí cùng tiểu đội cho vác thử nòng pháo nhưng chỉ đi được khoảng mấy trăm mét thì đành chịu, đúng là lính thư sinh có khác. Cùng với thời gian, chúng tôi cũng cứng rắn dần, quen với gian khổ, sốt rét, hiểm nguy khi chiến đấu. Dãy Trường Sơn chạy dọc suốt miền Trung, được phân chia thành Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây, phía đông hướng ra biển đón gió mang hơi ẩm thổi vào nên mưa nhiều hơn, nhất là khi có gió Đông Bắc lạnh thổi qua vịnh Bắc bộ gặp núi chắn lại nên mưa nhiều, chúng tôi đã được thưởng thức những trận mưa thối đất liên miên từ ngày này sang ngày khác khi gió Đông bắc lạnh về. Sau này khi về giảng dạy, tôi có một câu hỏi vui cho các em học sinh về một câu hát và yêu cầu các em giải thích là :
“Trường Sơn Tây anh đi
Thương em bên ấy mưa nhiều …”
Bên “ấy” là bên nào, tại sao lại mưa nhiều ?
Một trong những kỷ niệm mà tôi còn nhớ mãi đến bây giờ là có một lần đi chiến đấu, chúng tôi phải hành quân đêm để chiếm lĩnh trận địa, đường hành quân phải đi dọc theo một con suối với những tảng đá to lớn, rêu trơn trượt, có chỗ lội đến ngang bụng, chỗ sâu quá phải trèo, nhảy từ hòn đá này sang hòn đá kia trong đêm tối mịt mùng, không nhìn thấy gì, thỉnh thoảng trượt chân ngã đau điếng nhưng vẫn phải tuyệt đối im lặng. Hôm sau, trong trận đánh chống trả địch càn quét lên vùng giải phóng, chúng tôi đã chiến đấu kiên cường mặc dù lực lượng của địch đông và có hỏa lực rất mạnh. Giữa cuộc chiến, đường dây điện thoại nối giữa sở chỉ huy và trận địa bị pháo địch bắn đứt, đồng chí đại đội trưởng phân công tôi chạy lên trận địa để điều chỉnh mục tiêu và góc bắn theo yêu cầu của đài quan sát. Quãng đường chỉ khoảng 300 mét nhưng lỗ chỗ những dấu đạn pháo trên mặt đất của địch đã và đang bắn, đất đá cỏ cây bắn tung tóe, tôi chạy thục mạng lên tới trận địa truyền đạt mệnh lệnh, hoàn thành nhiệm vụ và an toàn trở về cùng đồng đội. Nên nhớ, mỗi lần ta bắn xong, phải lập tức thu pháo rút ngay vì địch bắn trả bằng hỏa lực rất mạnh.
Những cuộc chiến đấu, những đợt rút quân về vùng giải phóng để củng cố lực lượng cứ đan xen nhau trong cuộc chiến đấu của chúng tôi, những kỷ niệm còn nhớ thì rất nhiềunhư : gùi gạo trong mùa mưa với bao gạo 50kg trên lưng, phải chống gậy đi trên con đường bùn lầy; làm đường cho xe chở súng đạn, cơm được ăn tới 8 lạng gạo một ngày nhưng ăn xong chỉ cảm thấy hơi no; rút quân ra A Lưới chúng tôi trở thành những nông dân trồng rau, ngô, chăn nuôi lợn để cải thiện bữa ăn ; đi rừng kiếm rau môn thục, búng báng, dương xỉ, rau tàu bay…cải thiện bữa ăn. Rất nhiều kỷ niệm trong chiến trường mà tôi cùng đồng đồng đội không thể quên, thỉnh thoảng gặp lại các đồng đội cũ, chúng tôi mỗi người góp một câu chuyện nói mãi không biết chán, tự hỏi sao hồi đó mình có thể làm được như vậy.
Khoảng tháng 6/1974, đơn vị chúng tôi được lệnh tiếp tục hành quân vào Tây Nguyên, phối hợp cùng các đơn vị bạn tại đây tiêu diệt chi khu quân sự Đắc Pét, căn cứ quân sự này của quân ngụy hầu như lọt thỏm trong vùng rừng núi, mọi tiếp tế của địch chủ yếu qua thả dù tiếp tế. Trận đánh này đơn vị chúng tôi thắng dễ dàng, tổn thất không đáng kể. Càng vào sâu, xa đất Bắc, bộ đội chúng ta càng gian khổ, mấy anh ở trong này nói vui với chúng tôi : Được chiến đấu với các cậu, chúng tớ được cải thiện trong các bữa ăn. Sau chiến đấu, tôi bị sốt rét quật ngã, nằm hàng tuần liền, đầu đau như búa bổ, không ăn được gì và chỉ nôn, đúng là nôn ra mật xanh, mật vàng. Sau này khi đã ra quân, trở về sống ở Hà Nội tôi vẫn còn bị nó đeo đuổi mãi mới thôi.
Tiếp theo, chúng tôi lại hành quân ra Quảng Nam, phối hợp với một đơn vị của sư đoàn 304 chiến đấu ở Thượng Đức. Dọc đường hành quân, lần đầu tiên từ khi vào chiến trường, chúng tôi gặp bộ đội địa phương là những chiến sĩ gái, những cô thanh niên xung phong người Quảng Nam, lính ta rất khoái vì lâu lắm không được nghe tiếng phụ nữ mà. Nghe tiếng các cô chào hỏi ríu rít như chim rất thích nhưng chỉ hiểu lõm bõm vì tiếng địa phương mà.
Thượng Đức là một chi khu quân sự khá lớn nằm cạnh sông Vu Gia, cứ điểm có hàng rào dây thép gai, bãi mìn, có lực lượng pháo binh và máy bay yểm trợ, là địa bàn quen thuộc của địch nên rất khó khăn. Sau một thời gian nghiên cứu địa hình, trinh sát và được sự hỗ trợ về hỏa lực của cấp trên, chúng tôi cũng mở cuộc tấn công tiêu diệt cứ điểm này. Cuộc chiến đấu vô cùng gian nan, ác liệt, giằng co, nhiều chiến sĩ bị thương, địch tổ chức phản công hòng chiếm lại những cứ điểm đã mất. Chính trong một trận đánh đó, tôi đã bị dính nhiều mảnh đạn cối của quân địch khắp người, cánh tay trái bị gẫy. Đồng đội đưa tôi về hang đá tuyến sau, đồng chí Minh là người đã cõng tôi chạy với cánh tay gẫy buộc tạm vào người trong khi pháo địch vẫn đang bắn ầm ầm. Sau này trở về Hà Nội, tôi có gặp lại anh Minh, anh cũng bị thương với một mảnh pháo chém vào gò má. Tình đồng đồng đội trong chiến đấu, giữa cái sống và cái chết cận kề luôn để lại trong tôi những kỷ niệm không bao giờ phai.Lớp sư phạm chúng tôi đi hồi ấy có người lành lặn trở về, có người bị thương nặng nhẹ khác nhau, có người hy sinh nhưng chúng tôi thấy quãng thời gian đó đã rèn luyện chúng tôi từ những thanh niên thư sinh trở thành những con người mạnh mẽ, có lý tưởng cao đẹp, biết giá trị của cuộc sống hòa bình hôm nay.
Xin chân thành cảm ơn đã cho tôi ôn lại một số kỷ niệm tham gia tại chiến trường B trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhân kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.