7 tuổi “gõ cửa” vào đại học
Đó là cậu bé Ainan Cawley có cha là người Anh, mẹ là người Singapore, mới 7 tuổi nhưng đã “gõ cửa” vào đại học. Ngay từ khi mới 1-2 tuổi, Cawley đã đọc nhiều sách khoa học chuyên sâu, 7 tuổi đã chuẩn bị vào đại học. Khi nhận được bài thi Hóa lớp 7, Cawley đã làm đúng không sai một chữ, khiến mọi người sửng sốt. Cha em cho hay: “Hóa ra cháu tự học môn này qua mạng từ lúc nào mà chúng tôi không biết”. Cha mẹ em hy vọng Cawley sớm được vào đại học để phát huy sở trường. Lo sợ Cawley vào trường phổ thông sẽ bị thui chột tài năng nên cha mẹ em đã xin cho em vào học đại học. Tuy nhiên, cả hai trường đại học mà cha mẹ Cawley xin cho em vào học đều từ chối với lý do: môn Hóa là môn thực hành, em còn nhỏ không làm nổi thí nghiệm trên thiết bị cho người lớn. Một số chuyên gia cũng e ngại, 7 tuổi vào đại học sẽ mất đi tuổi thơ, ảnh hưởng lâu dài về tâm lý…
Cô gái thi đỗ 11 trường đại học danh tiếng
Lỗ Khải, người huyện Đông Hoàn, Quảng Châu, Trung Quốc là học sinh của trường THPT Hoa Sư Phụ. Em đã thi đỗ vào 11 đại học nổi tiếng thế giới như: Harvard, Oxford, Colombia, Chicago…. Em được phong là: “Cô gái đẹp học giỏi”. Lỗ Khải chia sẻ kinh nghiệm thành công của mình là chịu khó suy nghĩ, động não; yêu thích xem phim Mỹ và ít bị cha mẹ quản lý. Ở trường, em thích nhất môn Vật lý và Chính trị. Ngay từ nhỏ, Lỗ Khải đã rất thích xem báo Kinh tế và Thời báo New York. Em cho hay: “Giờ đây đối với em, hóa ra điều khó nhất lại là không biết chọn học trường nào…”.
Hiệu trưởng 12 tuổi
Bharti Kumari chỉ mới 12 tuổi nhưng đã là hiệu trưởng của trường làng Cusumucle Ấn Độ. Mỗi ngày từ sáng tới tối mịt, hiệu trưởng Cusumucle đều đặn đảm nhiệm dạy môn Anh văn và tiếng Hinđi cho 50 học sinh nghèo ngay dưới gốc cây xoài. Tuy là hiệu trưởng, song em vẫn phải đi học bởi em không có bằng cấp.
Kumari mỗi ngày phải đi xa hơn 60km để tới lớp. Mặc dù mệt nhọc, song mỗi khi làm xong bài vở là em lại tới trường làng để dạy học ngay. Ngoài việc giảng dạy và làm hiệu trưởng, em còn làm việc cứu tế cho những học sinh nghèo đồng thời còn yêu cầu nhà nước xây dựng trường cho địa phương. Kumari quyết tâm trở thành một cô giáo giỏi để truyền thụ kiến thức giúp người dân thoát nghèo.
Bà mẹ nuôi 11 người con vẫn thi đỗ đại học
“Học, học nữa, học mãi”, đó là quyết tâm của bà Ally Son Reneau – bà mẹ của 11 người con sau 30 năm bỏ học đại học về nhà chăm sóc con.
Giờ đây khi đã ở tuổi 50 với 11 đứa con, bà đã toại nguyện khi được tới trường đại học để tiếp tục việc học hành sau khi thi đỗ vào khoa quan hệ quốc tế của trường đại học Harvard, Mỹ. Bà Reneau cho hay: “Lúc đầu tôi định nuôi cháu đầu lòng đến lúc 5 tuổi sẽ trở lại trường, nào ngờ 10 cháu tiếp theo ra đời khiến bây giờ tôi mới trở lại trường được”. Tối nào, sau khi làm xong công việc nhà, bà lại cặm cụi ngồi học. Bà đã mạnh dạn thi hẳn vào trường đại học nổi tiếng của Mỹ và đã toại nguyện khi nhận được giấy báo nhập trường. Sau khi nhập trường, bà cho hay: “30 năm rồi, mọi thứ đều thay đổi. Các bạn cùng lớp chỉ bằng tuổi cháu tôi, khi lên lớp họ chỉ mang theo laptop, còn tôi vẫn chỉ là giấy, bút…”.
Bà mẹ đơn thân thi đỗ vào đại học Cambridge
Bà mẹ đơn thân Nicky Jacks từng trải qua quá trình học tập vất vả. Ngay từ năm 17 tuổi, Jacks đã thất học. 17 tuổi mang bầu, tới nay qua 3 đời chồng, Jacks đã có 4 mặt con, được hưởng trợ cấp khó khăn.
2 năm trước, khi 3 con đi học, Jacks bắt đầu tranh thủ học tại chức các môn Sinh, Hóa, Toán và Xã hội học. Mặc dù lúc này, cô đang mang bầu con thứ 4 và dạy thêm cho 2 cháu con người khác, song với nỗ lực phi thường, khi thi thử Jacks vẫn đứng đầu lớp. Muốn được đại học Cambridge chính thức chấp nhận vào học, Jacks phải thi đạt thành tích loại A các môn thi đại học.
Với thời gian 2 năm nỗ lực học tập, tới nay Jacks đã thành công khi thi đỗ vào đại học nổi tiếng Cambridge ở tuổi 30.
44 tuổi, thi đại học lần thứ 15
Kể từ năm 1983, Lương Thực – một người đàn ông Trung Quốc bắt đầu thi đại học bị trượt, sau đó anh tiếp tục thi thêm 5 lần nữa nhưng vẫn bị trượt. Anh liền bỏ học và làm nhiều nghề khác nhau để kiếm tiền như: sửa chữa cơ khí, kiếm củi, chặt cây rồi buôn bán quần áo, ti vi… Anh vừa làm vừa ôn tập bài vở thêm. Năm 1995, nhờ chăm chỉ làm việc, anh đã có của ăn của để nên thời gian dành cho học tập cũng nhiều hơn, bèn tiếp tục thi đại học. Anh cho hay: “Tôi đã nhiều lần thêm củi đun mà nước mãi không sôi”. Vậy là năm nay, anh quyết tâm thi vào khoa Toán của trường đại học Tứ Xuyên một lần nữa cùng với con mình. Anh nói: “Nếu lần thi thứ 15 này thất bại thì sang năm tôi sẽ thôi hẳn”. Song sự chuyên cần và bền bỉ học tập của anh đã được đền bù xứng đáng. Lương Thực đã đỗ đại học và được phong là “Người đàn ông 44 tuổi kiên cường chiến đấu với con bệnh dốt nát”.