Họ và tên tác giả: Nguyễn Thanh Quang
Chức vụ và đơn vị công tác trước khi nghỉ hưu :Tổ trưởng chuyên Môn - Trường THCS Vạn Điểm.
Năm sinh : 1950 Nhập ngũ : 8/1970
Chức vụ, đơn vị Hội hiện nay: Phó Chủ tịch Hội CGC huyện Thường Tín - Chủ tịch Hội CGC xã Vạn Điểm..
Đã tham gia chiến trường B từ năm 12/1972 đến 30/4/1975.
Là giáo sinh ban Hóa-sinh Trường CĐSP Hà Tây. Sau khi thi tốt nghiệp. Tháng 8/1970 nghe tiếng gọi của Tổ quốc tôi lên đường cầm súng. Được biên chế C3 – D1-E Ngô Quyền( Tỉnh đội Hà Tây). Là một Tiểu đội trường thuộc khung huấn luyện quân tăng cường để bổ sung vào chiến trường .
Ngày 25/8/1972 Đón tân binh các huyện trong tỉnh và các bộ đội thu dung thành lập đơn vị huấn luyện quân đi B.
Cuối tháng 12/1972 sau 3 tháng huấn luyện. Đơn vị nhận lệnh lên đường vào Nam chiến đấu. Đơn vị được biên chế vào Trung đoàn 12 tập kết tại xã Tân Tiến huyện Chương Mỹ và làm lễ xuất quân. Đội hình hành quân cơ giới mỗi B ngồi trên 1 xe ô tô Vọt Tiến của Trung Quốc viện trợ. Đường hành quân từ Bắc vào phà Gianh Quảng Bình. Xuống xe lên phà hành quân qua tuyến Phong Nha – Kẻ Bàng rồi lên bờ bắt đầu hành quân bộ theo đường giao liên vào chiến trường B. Đơn vị được biên chế vào sư đoàn 304. May mắn tôi cùng một số anh em Thường Tín và anh Lê Văn Chương giáo sinh ban Toán-Lí được biên chề vào C15- ĐKZ 75 là đơn vị hỏa lực trực thuộc E24-F304.
Những ngày tháng cùng đơn vị tham gia huấn luyện khí tài mới vừa phối thuộc cùng các tiểu đoàn bộ binh của trung đoàn chiến đấu trên khắp các mặt trận từ Quảng Trị qua Huế , những ngày vác súng chiếm lĩnh trên các điểm cao bảo vệ cứ điểm Thượng Đức do E66 giải phóng khỏi bị tái chiếm. Tham gia chiến đấu góp phần giải phóng Đà Nẵng 29/3/1975.
Khẩu đội DKZ 75-C15-E24 trên cao điểm 1062 (Ảnh chụp năm 1974)
Với những ngày chiến đấu trên chiến trường. Kỉ niệm về trận đánh, kỉ niệm ở hậu phương và mái trường luôn ùa về sau mỗi chặng đường hành quân và chiến đấu. Nhưng có một kỉ niệm khó quên mà đến giờ tôi nhớ mãi là chiếc bi đông với những giọt nước cuối cùng trước giờ nổ súng giải phóng Sài Gòn.
Chiều ngày 25/4/1975 đơn vị sau mấy ngày hành quân thần tốc tập kết tại cánh rừng cao su cách thị trấn Long Khánh khoảng 15 km để chờ giờ G chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Đơn vị xốc lại đội hình, kiểm tra vũ khí trang bị. Cấp thêm cơ số đạn và cấp phát lương khô chuẩn bị cho những ngày chiến đấu tiếp đó. Kiểm tra nước uống mang theo cá nhân. Mỗi người mang 1 bi đông nước theo suốt chặng đường dài đã được những người lính sử dụng. Người đã uống hết, người còn ít trong bình mà xe cấp nước vẫn chưa theo kịp đội hình.
Ngày 26/4 vào mới 9 h sáng mà trời đã nóng rát người. Cái nóng miền đông gay gắt đến lạ. Trên trời máy bay trực thăng địch bay lượn. Trời nóng, nhiệt độ lên cao. Khuôn mặt người lính đỏ lên nhợt nhạt khô họng, se môi do thiếu nước uống. 12 h trưa cái nóng mới lên đỉnh điểm. Cơn khát càng giày vò chúng tôi. Ở trong rừng cao su thỉnh thoảng cũng có những cái giếng nước của bà con dùng để tưới cây nhưng đơn vị cũng không cho anh em đi lấy nước bởi có nhiều dơn vị nhỏ quân địch chúng phục kích bắn bộ đội lấy nước. Đến chiều cái khát càng hành hạ chúng tôi. Chỉ huy luôn nhắc nhở và động viên chúng tôi cố gắng chịu đựng chờ xe cấp nước đến và chờ lệnh nổ súng.
17h ngày 26/4 Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Lệnh nổ súng tiến công giải phóng Sài Sòn. Cả khu rừng chuyển động. Lúc này các xe téc chở nước của trung đoàn cũng vừa đến. Các đơn vị nhỏ của địch đã rút chạy. Anh em reo hò cùng nhau uống những ngụm nước mát sao ngọt đến thế làm tan biến cơn khát. Mỗi người lính lại lấy đầy bi đông nước tiếp tục vào trận đánh.
Đại đội 15-DKZ 75 - E24 tập phối thuộc cùng bộ binh tiến công địch (ảnh chụp năm 1974)
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử C15-DKZ75 phối thuộc cùng các đơn vị bộ binh tiến công theo hướng đông nam hướng của Quân đoàn 2 trong đó có E24-F304 chúng tôi.Từ đường 1 chúng tôi quặt sang đường 15. Đơn vị tham gia các trận đánh vào ngã ba Nhơn Trạch - Xuân Lộc - Nước Trong. Đánh vào Trường Hạ sĩ quan thiết giáp.15h ngày 30/4/1975 tiến quân qua cầu xa lộ. Đánh Tổng kho Long Bình. Đánh chiếm cổng số 9 hướng đi Bà Rịa-Vũng Tàu. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Để làm nên đại thắng mùa xuân 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử có biết bao đồng đội đã hi sinh. Những công lao đóng góp sức người sức của nơi hậu phương và tiền tuyến trong đó có cả những nhà giáo chiến sĩ và những kỉ niệm không quên. Những giọt nước mát cùng những người lính trên đường hành quân.