Họ và tên : NGUYỄN ĐÌNH ĐÀI - ĐT: 0982 381 553
Chức vụ và nơi công tác trước khi nghỉ hưu: Giáo viên Toán trường THCS Dương Liễu Hoài Đức Hà Nội
Năm sinh: 1953
Chức vụ đơn vị Hội hiện nay: Hội viên Hội Cựu giáo chức, Cựu chiên binh xã Di Trạch, Hoài Đức, Thành phố Hà Nội;
Đã tham gia chiến trường: B từ tháng 02/01/1972 đến năm 1976
Tôi là người lính tăng rất vinh dự cùng đoàn tăng của lữ đoàn 203 tiến vào dinh độc lập trong giờ phút thiêng liêng lịch sử giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.
Ngày 30/4/1975, đã 45 năm qua, nay tôi ngồi ngắm lại bức ảnh : Mình đội chiếc mũ của người lính tăng và chiếc xe tăng 910 đã cùng tôi và đồng đội đi qua bao chiến trường oanh liệt và chiến thắng vẻ vang. Tôi xúc động, bồi hồi nhớ lại những thời điểm lịch sử đã qua.
Cách đây 48 năm, thời gian ấy, chiến tranh ở Miền Nam diễn ra rất ác liệt, giặc Mỹ lại âm mưu leo thang bắn phá Miền Bắc. Cũng như nhiều thanh niên trên mọi miền của Tổ quốc, với tinh thần mãnh liệt của tuổi trẻ : “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì Miền Nam ruột thịt, tôi xung phong vào quân đội và nhập ngũ ngày 02/01/1972, sau 3 tháng huấn luyện, tôi vào chiến trường (đi B). Tháng 4/1972, khi đó tôi được học lái xe tăng (trong khi ở nhà xe đạp vẫn chưa biết đi...) Lúc đầu tôi cũng rất lo lắng và băn khoăn, không biết mình có lái xe tăng được không ? Nhưng rồi với nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu quê hương đất nước, tôi đã vượt qua mặc cảm và đã hoàn thành chương trình rồi vinh dự được chính thức phân về đơn vị C4-203 (Lữ đoàn 203) tăng thiết giáp, làm nhiệm vụ chiến đấu ở các chiến trường Miền Nam. Tôi cùng đồng đội và các binh chủng khác đã tham gia chiến đấu ở rất nhiều chiến trường, suốt từ Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng, …
Những kỉ niệm sâu sắc nhất trong đời lính tăng của tôi là được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Dẫu đã 45 năm trôi qua trang kí ức lịch sử ấy vẫn còn nguyên vẹn những giây phút hào hùng. Khi đó, tôi lái xe tăng 910 thuộc C4-203 tăng thiết giáp. Ngày 29/4/1975, xe của tôi cùng đoàn xe của lữ đoàn tham gia đánh “cắn cứ Nước Trong, …” Cuộc chiến hết sức ác liệt trước của ngõ Sài Gòn, cả ngày lẫn đêm tiếng súng đạn bắn đinh tai, nhức óc, … Nhiều đồng đội đã anh dũng hi sinh, song với tinh thần quả cảm của các chiến sĩ giải phóng, chúng ta đã chiến thắng vẻ vang.
Trước khi vào chiến dịch, chúng tôi đã được tập huấn để thực hiện nhiệm vụ lớn lao và vẻ vang. Đoàn tăng của chúng tôi tiến đến cầu Sài Gòn thì lúc này rất nhiều xe tăng, xe bọc thép của địch xuất hiện bắn pháo rất ác liệt để không cho quân đội ta tiến vào Sài Gòn, nhiều bộ đội của ta đã hi sinh anh dũng. Nhưng toàn quân đồng lòng đoàn kết, chiến đấu dũng cảm và bắn cháy xe tăng địch và tiêu diệt quân địch rồi cùng tiến vào Sài Gòn. Trên đường đi đồng chí Thận bắt một tên chiêu hồi dẫn đường, gần vào dinh độc lập, xe 843 đi đầu có đồng chí Thận, tiếp theo là xe 390 do đồng chí Toàn chỉ huy, xe thứ 3 là xe 910 của chúng tôi. Trên xe có 4 đồng chí : tôi là Đài lái xe, đồng chí Gấm người Thanh Hóa là trưởng xe, đồng chí Kim pháo thủ số 1, đồng chí Lưu pháo thủ số 2.
Khi đến cổng dinh, xe 843 của đồng chí Bùi Quang Thận chạy sang bến trái, xe 390 do đồng chí Toản chỉ huy bảo lái xe tông thẳng vào cổng dinh, lần thứ nhất chưa được xe tiếp tục tông lần thứ hai vào cổng thì cánh cổng mới tung ra. Khi đó, có một đồng chí bộ binh bảo rằng: may cho các đồng chí tôi vừa cắt cầu giao điện nếu không xe tăng bị nổ tung. Vào đến trong dinh, đồng chí Thận dùng cờ đang cắm trên xe tăng chạy lên cắm trên nóc dinh độc lập. Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng trước đài phát thanh lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975 và Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất.
Trong giờ phút lịch sử trọng đại ấy, tôi cùng đồng đội cảm thấy vô cùng xúc động không ai cẩm nổi nước mắt và tất cả cùng ra ngoài xe reo hò mừng vui, phấn khởi. Có lẽ không có bút nào, không lời nào diễn tả hết niềm vui ấy. Chúng tôi rất tự hào bởi mình đã góp phần công sức nhỏ bé của tuổi trẻ trong chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Nhưng chúng ta cũng không quên để có được chiến thắng ấy, bao nhiêu chiến sĩ đã anh dũng hi sinh, chúng ta phải biết trân trọng và ghi khắc công ơn của họ. Tổ quốc luôn ghi công các liệt sĩ !
Tôi – Người lính tăng một thời lịch sử, khi về với sự nghiệp giáo dục, tôi vẫn luôn giữ vững phẩm chất đạo đức của anh bộ đội Cụ Hồ và truyền tới các em học sinh truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt truyền tới các em tình yêu quê hương đất nước và ghi nhớ công ơn của thế hệ cha anh.