Tên bài viết: Ký ức lính sinh viên
Họ và tên tác giả: Phùng Văn Mỹ
Số diện thoại: 0904200298
Chức vụ và nơi công tác trước khi nghỉ hưu: Hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Năm sinh: 1950, năm nhập ngũ: 1970 , năm đi B: 1973
Chức vụ, đơn vị Hội hiện nay: Phó chủ tịch Thường trực, Hội CGC huyện Thanh Trì.
Đã tham gia chiến trường B từ năm 1973 đến năm 1975
Ngày 24/8/1970 tôi đang là sinh viên khoa Vật lý trường ĐHSP Hà Nội 2, tôi rất vinh dự được nhập ngũ, tạm xếp bút nghiên lên đường ra trận. Cùng nhập ngũ với chúng tôi một ngày là các bạn sinh viên trường ĐH Thủy Lợi, đại học Ngoại giao và một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Ba ngày đầu quân ngũ đóng quân ở thôn Đồng Xa, huyện Từ Liêm, sau đó lên tàu hỏa di chuyển vào Thanh Hóa. Ba tháng huấn luyện bộ binh tại rừng núi Như Xuân, Thanh Hóa là một thử thách vô cùng gian khổ đối với các chàng trai lính sinh viên. Đôi tay cầm bút, cầm giáo trình đã chuyển sang cầm dao, cầm liềm đi đẵn gỗ, đẵn tre nứa, cắt cỏ tranh làm lán trú quân. Sau khi lán trại hoàn thành là các bài tập khắc nghiệt : Đeo sọt rèn bằng gạch mộc với trọng lượng tăng dần từ 10kg đến 30kg. Hành quân leo đèo lội suối hàng đêm với ba lô bao gạo, súng đạn cùng các quân dụng khác do cán bộ khung huấn luyện phân công. Kết thúc khóa huấn luyện bộ binh mà Trung đoàn 101, sư đoàn 325 chuẩn bị vào chiến trường thì cánh lính sinh viên được quân chủng Phòng không không quân vào tuyển chọn làm lính của quân chủng. Được tuyển vào binh chủng pháo cao xạ 37mm với tôi là một bước ngoặc của đời lính. Đơn vị đầu tiên khi được biên chế là: C28-E6-D212-F361 bảo vệ bầu trời thủ đô Hà Nội. Nhiệm vụ của đơn vị được giao là bảo vệ cầu Đuống, Hà Nội. Năm 1972 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ tại mảnh đất miền Trung vô cùng ác liệt. Đại đội C28 từng chiến đấu nhiều trận bảo vệ cầu, chân hàng sân bay ở các trọng điểm thuộc Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Thành phố Vinh, Đô Lương, sân bay Anh Sơn. Với pháo cao xạ 37mm chủ yếu bắn máy bay bổ nhào nên tỷ lệ thương vong của đơn vị rất cao. Trận đánh máy bay Mỹ tại trận địa Nghi Lâm-Nghệ an đã để lại tổn thất lớn cho đơn vị với hơn 20 cán bộ, chiến sỹ hy sinh vào ngày 1-9-1972. Năm 1973 đơn vị được lệnh hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Sau nhiều lần thuyên chuyển công tác qua nhiều đơn vị chiến đấu, đến đầu năm 1973 tôi được biên chế tại: C11-D120-E284-F673 Quảng Trị. Mùa xuân 1975 đã đến, cả đơn vị tất bật đón tết Ất Mão tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Cam Lộ là huyện được giải phóng vào năm 1972. Vui đón xuân mới nhưng những người lính phòng không vẫn nêu cao cảnh giác trực chiến, huấn luyện chiến đấu để bảo vệ bầu trời vùng giải phóng.
Đầu tháng 3-1975 chiến dịch giải phóng Quảng Trị mở màn với sự tham gia của các đơn vị quân đoàn 2 và quân khu Trị Thiên. Trung đoàn cao xạ 284 thuộc sư đoàn phòng không 673 khẩn trương di chuyển trận địa lên phía trước bảo vệ đội hình chiến đấu của quân đoàn tiến công giải phóng Quảng Trị. Tỉnh Quảng Trị hoàn toàn được giải phóng vào ngày 19-03-1975. Với sức tiến công như vũ bão của quân giải phóng, ngày 25/3/1975 ta đã giải phóng Huế, đến ngày 29/3/1975 cũng là ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn ở Đà Nẵng. Sau khi Đà Nẵng được giải phóng, cứ mỗi ngày chúng ta giải phóng được một tỉnh từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, đến Bình Thuận, Ninh Thuận, Biên Hòa,… Cửa ngõ Sài Gòn đã rất gần với những người lính Quân đoàn 2 chúng tôi. Tháng 4/1975 từ phía Đông Nam đơn vị chúng tôi đã tiến sát đến Long Thành, căn cứ Nước trong thuộc tỉnh Bà Ria. Pháo cao xạ bảo vệ đội hình hành quân Đánh địch và truy quét địch ở Long Bình Biên Hòa
17 giờ ngày 26/4/1975 tại cánh rừng cao su Long Bình đơn vị tôi trong đội hình quân đoàn 2 từ hướng đông nam Sài Gòn đã trực tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đai. Những trận đánh ác liệt của không quan ngụy Sài Gòn với pháo cao xạ quân giải phóng không kể ngày hay đêm, mưa nắng. Các loại máy bay ném bom F5 và A37 được huy động tối đa các phi vụ để ngăn chặn tốc độ tiến quân của quân đoàn 2 vào Sài Gòn. Những nỗ lực cuối cùng cả quân đội ngụy Sài Gòn đã bị 5 mũi tiến công của quân giải phóng đánh tan. Thời khắc lịch sử của dân tộc Việt Nam sau 21 năm hai miền Nam Bắc bị chia cắt đã đến. Trung đoàn pháo cao xạ 284 cùng với lữ đoàn xe tăng 203 và các đơn vị bộ binh đã có mặt tại Dinh Độc Lập vào 11h 30 phút sáng ngày 30-041975. Niềm vui vỡ òa và những giọt nước mắt của người lính sinh viên thủa ấy là kỷ niệm đẹp nhất, ý nghĩa nhất của cuộc đời con người đã được cầm súng chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tháng 10-1975 tôi – người lính quân giải phóng có mặt ở Dinh Độc Lập trưa ngày 30-04-1975 được chuyển ngành về tiếp tục học tập tại trường ĐHSP Hà Nội 2 và tiếp tục công tác trong ngành GD-ĐT từ giáo viên giảng dạy đến hiệu trưởng THCS trước hưu trí.
Cứ đến tháng 4 hàng năm, những người lính pháo cao xạ tiểu đoàn 120, trung đoàn 184 lại gặp nhau để ôn lại những kỹ niệm đẹp thời chiến. Đồng đội cũ người còn, người đã mất nhưng anh em không quên nhau. Mỗi lần gặp nhau, những người lính già như được trẻ lại tuổi 20 của những năm tháng chiến tranh. Là một người lính, một nhà giáo, tôi mong muốn ngành giáo dục Thủ đô quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục truyền thống và lịch sử cho học sinh hôm nay./.