Vì yêu trẻ nên say nghề
NGƯT Nguyễn Thị Dứa sinh ra và lớn lên tại huyện Ứng Hòa. Cô từng đi học, rồi làm nghề y tá và chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một cô giáo. Năm 25 tuổi, cô nên duyên, kết hôn rồi theo chồng về sống tại quê chồng ở Định Công, quận Hoàng Mai (khi đó vẫn là xã Định Công của huyện Thanh Trì). 2 năm sau, cô xin vào làm việc tại nhà trẻ mẫu giáo của hợp tác xã nông nghiệp của huyện. Những giờ chăm sóc trẻ, dạy trẻ học, vui chơi cùng trẻ đã khiến cô vô cùng thích thú. Cũng từ đây, cái duyên với nghề giáo của cô chính thức bắt đầu.
NGƯT Nguyễn Thị Dứa đánh trống khai giảng năm học mới
Vào thời điểm năm 1984, Định Công là một địa phương “trắng” về phong trào nhà trẻ mẫu giáo, vừa thiếu trường, thiếu giáo viên lại thiếu thốn về cơ sở vật chất. Trước tình hình đó, nhà giáo Nguyễn Thị Dứa đã tự nguyện xin làm giáo viên vận động các chị em trong trường dần dần khôi phục, thu hút trẻ đến trường. Cô phải gây dựng từng lớp học, đi xin từng chiếc bàn, chiếc ghế cho các cháu ngồi … Thế rồi, với những tâm huyết, ngày nắng cũng như ngày mưa kiên trì, bền bỉ, cô Dứa cùng đồng nghiệp đã gom được 5 lớp mẫu giáo. Cũng vì khó khăn ngày đó mà không ai muốn nhận về quản lý các lớp trẻ ấy, cô Dứa đã được phòng giáo dục và nhân dân tín nhiệm làm nhiệm vụ quản lý, dẫn dắt công tác nuôi dạy trẻ ở xã Định Công.
Năm 1986, đất nước đổi mới là thời khắc quan trọng cho sự phát triển của ngành giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng. Thế nhưng, với công tác giáo dục mầm non của Định Công khi ấy, cô Dứa lại đối mặt với thách thức mới. Vì không còn bao cấp, không còn được phát thóc, gạo như trước nên giáo viên dần bỏ nghề. Kinh tế của phụ huynh cũng còn khó khăn vì vậy ít gia đình tình nguyện đóng tiền học cho con. Thế nhưng, nhờ sự sắc bén, năng động và cả sự quyết tâm, cô Dứa vẫn kiên trì giữ lấy lớp và dần phát triển phong trào giáo dục mầm non của Định Công vượt qua giai đoạn khó khăn. Cô Dứa cũng tích cực tham mưu với các cấp chính quyền địa phương trong công tác phát triển giáo dục. Nhờ đó, năm 2000 xã Định Công dành diện tích 5.000 m2 để xây dựng trường. Đây chính là cơ sở cho trường mầm non Định Công có điều kiện phát triển trong những năm tiếp theo, con em địa phương được học tập trong một ngôi trường to đẹp.
Từ năm 2003, huyện Thanh Trì được tách ra thành lập quận Hoàng Mai, giai đoạn này trường mầm non Định Công thuộc địa bàn đang trong thời kỳ phát triển đô thị hoá nhanh, cơ sở vật chất của trường lại chưa đồng bộ, đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn. Trước những yêu cầu của nhiệm vụ mới đặt ra, với trách nhiệm là Hiệu trưởng nhà trường, NGƯT Nguyễn Thị Dứa phải thường xuyên làm việc ngoài giờ kể cả những ngày nghỉ, dành nhiều thời gian công sức cùng chị em trong trường nâng cao chất lượng của trường đáp ứng yêu cầu các trường nội thành, xây dựng mô hình trồng rau trong vườn trường, làm điểm chuyên đề giáo dục dinh dưỡng - an toàn thực phẩm cho Quận và Thành phố, sáng tác bài thơ, câu đố, bài hát cho cô và trẻ…
Trong quá trình công tác, ở mỗi cương vị, từng thời kỳ, nhiệm vụ được phân công nào, nhà giáo Nguyễn Thị Dứa đều dành nhiều thời gian đi sâu đi sát công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ, đảm bảo các điều kiện an toàn cho trẻ ở mọi lúc, mọi nơi. Cô quan tâm lãnh đạo toàn diện các mặt công tác của nhà trường, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm đoàn kết. Trường MN Định Công do cô dìu dắt đã trở thành một cơ sở giáo dục nổi bật của quận Hoàng Mai, giành nhiều giải cao cấp Thành phố trong các cuộc thi về chuyên môn cũng như phong trào văn hóa, văn nghệ.
Với tâm huyết, tài năng và những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, cô Nguyễn Thị Dứa được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2009, danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2010. Cô cũng đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ GD&ĐT, UBND Thành phố Hà Nội, của Sở GD&ĐT; liên tục nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở...
Tuổi tác không ngăn nổi quyết tâm
Gặp NGƯT Nguyễn Thị Dứa, không ai nghĩ người phụ nữ ấy đã gần bước vào tuổi 60. Khuôn mặt thanh tú, dáng vóc nhanh nhẹn và nụ cười tươi tắn khiến cô trông trẻ hơn hẳn so với độ tuổi của mình. Có lẽ bí quyết của cô chính là vui chơi cùng trẻ mỗi ngày bởi cô Dứa bảo khi ở bên trẻ, nhìn trẻ vui cười, cô như thấy mình trẻ lại, quên hết những âu lo của cuộc sống.
Khi được về nghỉ chế độ, NGƯT Nguyễn Thị Dứa sợ cảm giác hụt hẫng, thèm được nghe tiếng nói cười mỗi ngày. Vì vậy, sử dụng mảnh đất của gia đình và khoản tiền dành dụm cả cuộc đời, cộng với số vay mượn thêm, cô quyết định mở trường mầm non. Hàng loạt những bài toán liên quan đến kinh phí, thủ tục pháp lý, thiết kế, xây dựng, tuyển sinh… đều chờ cô giải quyết. Nhiều đêm thức trắng trăn trở, suy tính nhưng cô Dứa vẫn không nản chí, bởi cô quyết tâm xây dựng một hệ thống trường học đạt chuẩn quốc tế về việc nuôi dưỡng và phát triển tối đa những tố chất thông minh của trẻ ngay từ nhỏ. Cô muốn khuyến khích trí tò mò tìm hiểu thế giới xung quanh của trẻ sẽ giúp các em tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên, giúp các em có khả năng tư duy độc lập, phát triển về kiến thức lẫn nhân cách một cách toàn diện. Ngôi trường mầm non của cô đã hoàn thiện và đi vào hoạt động từ năm 2011 với 3 tầng khang trang, lắp đặt điều hoà 2 chiều, hệ thống camera…
NGƯT Nguyễn Thị Dứa đã vận dụng kiến thức qua quá trình học tập, rút kinh nghiệm tại trường quốc tế, đồng thời nghiên cứu tài liệu về dạy bơi để mở lớp dạy bơi cho các cháu. Đặc biệt, chính bản thân cô, dù đã bước vào độ tuổi gần 60 vẫn trực tiếp xuống bể để hướng dẫn từng bài tập cho các bé. Lúc đầu dạy thử nghiệm ở trẻ 5 tuổi, 11 trẻ tham gia thì kết quả tất cả đều biết bơi. NGƯT Nguyễn Thị Dứa đã mạnh dạn triển khai tới học sinh 3,4,5 tuổi để giúp các bé làm quen với nước, không sợ nước. Cho các bé vui chơi với nước để giúp cơ thể trẻ vận động, phát triển chiều cao, thể hình cân đối, hệ tiêu hoá làm việc tốt, hệ thần kinh vững. Các bé nắm vững kiến thức cơ bản bơi lội sẽ đảm bảo an toàn khi xuống nước, biết nghe lời người lớn khi đi du lịch hay sinh hoạt trong cộng đồng. Lớp học hữu ích và hiệu quả, các phụ huynh truyền tai nhau. Vì thế vài năm nay, mỗi kỳ nghỉ hè đến là lớp dạy bơi của cô Dứa lại nhộn nhịp, không chỉ có trẻ mẫu giáo mà có nhiều học sinh cấp một cũng được bố mẹ đưa đến nhờ cô Dứa dạy bơi. Cô bảo, tâm nguyện của cô là mong trường mầm non có bể bơi, sân chơi để các bé có thể thỏa thích vui chơi, phát triển.
Dù tuổi không còn trẻ nhưng NGƯT Nguyễn Thị Dứa luôn cháy bỏng đam mê với nghề dạy học. Cô làm việc hăng say và luôn tìm tòi những cách làm mới, những mô hình hay. Cô chia sẻ: “Tôi thấy hạnh phúc vì được làm công việc mà mình yêu thích. Làm việc giúp con người thêm khỏe mạnh, nhanh nhẹn và tự tin. Đặc biệt, với nhà giáo lại càng phải năng động, không ngừng học hỏi để nắm bắt được những phương pháp, tư duy hiện đại từ đó góp thêm phần nào đó tiếng nói, sức lực cho sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay, nuôi dưỡng, đào tạo ra những công dân toàn cầu”.