Trộm cắp, xả rác, chen ngang…
Trong lúc đi mua sắm ở Zurrich, hai người khách Việt Nam đã bóc nhãn và thẻ giá ở 3 cặp kính hàng hiệu trị giá khoảng 300 euro/chiếc đem ra khỏi cửa hàng. Hành động này bị camera giám sát ghi lại. Họ bị giữ lại ngay khi rời khỏi cửa hàng và nộp phạt 2000 franc (khoảng 50 triệu đồng).
Cảnh báo ăn cắp bằng tiếng Việt ở Đài Loan
Việc trộm cắp ở nước ngoài của người Việt không phải bây giờ mới có. Cách đây không lâu, báo chí Singapore cũng đã đưa tin về vụ nhóm mười khách du lịch quốc tịch Việt Nam chuyên móc túi khách đi mua sắm và ăn trộm hàng từ các siêu thị. Trong khi rà soát nơi ở của những người này, cảnh sát tìm thấy tới 60 điện thoại di động cùng máy nghe nhạc iPod và nhiều quần áo vẫn còn nguyên giá tiền. Hồi đầu năm 2014, một nữ tiếp viên hàng không của Việt Nam cũng bị phía Nhật Bản bắt giữ vì tình nghi buôn lậu hàng mỹ phẩm, quần áo ăn cắp và có thể đang tìm cách buôn lậu ra khỏi nước Nhật. Trước đó, vào tháng 12/2013, bốn thanh niên người Việt cũng bị phát hiện đang ăn cắp quần áo, mỹ phẩm tại một siêu thị ở Tokyo. Theo con số thống kê của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật, số vụ ăn cắp đồ bị bắt liên quan tới người Việt tăng mạnh từ 247 vụ năm 1998 lên 999 vụ năm 2012. Riêng 6 tháng đầu năm 2013 đã có hơn 400 vụ liên quan tới người Việt, chiếm 40% tổng số vụ ăn cắp liên quan tới người nước ngoài tại Nhật…
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt kể lại, ông từng đưa một nhóm doanh nghiệp đi du lịch ở Campuchia. Họ không chịu mua vé đi Angkor Wat mà lại thích đi chui. Sau đó họ bị phát hiện và bị nói rất nặng nề. Thế nhưng mấy vị này lại tỏ ra rất hả hê và xem đây như là một chiến tích.
Đây là hành động đáng xấu hổ của người Việt khi đi du lịch nước ngoài. Dư luận bức xúc khi “tác giả” đi làm những chuyện xấu xa ảnh hưởng đến hai chữ “Việt Nam” là người có địa vị xã hội, người nổi tiếng, người khá giả, giàu có.
Người Việt đi du lịch nước ngoài ngày càng nhiều, và những thói xấu đều “hiện nguyên hình” ở nước bạn đã trở thành nỗi xấu hổ, làm người Việt bị ác cảm, không được tôn trọng trong mắt bạn bè quốc tế.
Du khách Việt ăn buffet thường chen lấn lấy rất nhiều các món hải sản ngon như hàu, tôm, cua... rồi ăn không hết làm người nước ngoài bất bình vì lãng phí. Họ vừa nhai nhồm nhoàm, vừa nói, tay bốc thức ăn và xỉa răng tanh tách đầy phản cảm.
Một thói xấu của người Việt nữa khi đi du lịch nước ngoài là sự ồn ào đến khó chịu. Họ oang oang gọi điện nơi công cộng, nói năng tục tĩu, vô tư chạy nhảy, nói cười to tiếng mọi lúc, mọi nơi cứ như thể một mình mình trên đường, thang máy, trên xe buýt… làm ảnh hưởng tới người xung quanh. Khi hướng dẫn viên giới thiệu điểm thăm quan, họ không thèm nghe, mải mê nói chuyện, ngó nghiêng, tạo dáng chụp ảnh ầm ĩ. Lát sau, họ lại bắt hướng dẫn viên “tua” lại. Anh Quang Thắng- hướng dẫn viên ngán ngẩm kể: “Có hôm tôi phải “tua đi tua lại” vài lần giới thiệu điểm thăm quan cho hết nhóm du khách này, tới nhóm du khách khác”. Trong nhà hàng, nhiều nhóm khách còn hứng chí gõ đũa gõ bát "hò dzô"… Khi người nước ngoài xếp hàng tuần tự thì đa số người Việt lại thích chen lấn khiến người dân sở tại rất khó chịu với điều này.
Không phải toàn bộ, nhưng nhiều khách Việt có tật xả rác. Họ xả rác không chỉ ở những điểm tham quan mà còn xả rác cả trên xe, trong khách sạn... Sau một ngày tour cho khách Việt thì xe bẩn khủng khiếp. Sàn xe đầy vỏ trái cây, vỏ bánh kẹo... và cả những bãi nôn. Một số khách sau khi ăn vặt xong còn lấy màn cửa... lau miệng, hoặc trét kẹo cao su lên ghế... Còn ở khách sạn, không ít khách Việt xả rác đầy phòng, toillet nhầy nhụa nước tiểu và “chiến tích” của nôn ọe khi say xỉn.
“Rỗng” văn hóa
Một sự thật khá đáng buồn là ở nhiều quốc gia, khi nghe đến 3 từ “người Việt Nam”, không ít người nước ngoài sẽ lập tức có cái nhìn dè chừng, e ngại. Tại một số nước như: Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan có biển cảnh báo về thói trộm cắp vặt, vứt rác bừa bãi hay lãng phí thức ăn bằng tiếng Việt.
Việc ứng xử kém văn hóa, vi phạm pháp luật ở xứ người không chỉ du khách bị bồi thường thiệt hại mà còn ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các công ty du lịch, hình ảnh văn hóa, con người Việt Nam. Phải chăng có những người đang bị “rỗng” về văn hóa, pháp luật? Ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty Du lịch Việt bức xúc: chuyện cá nhân ảnh hưởng đến quốc thể thì đó không còn là chuyện nhỏ nữa. Một nghịch lý là, khi trở về nước, những người vi phạm vẫn nhởn nhơ như người vô tội vì chưa có quy định nào xử lý họ về tội làm mất thể diện quốc gia, trong khi đáng ra phải có hình thức xử phạt thêm như nêu tên, cảnh cáo, phạt tiền, cấm xuất cảnh có thời hạn… Ngành du lịch có nên bổ sung quy định cam kết du khách không được ăn cắp, hay ứng xử vô văn hóa? Thậm chí, du khách vi phạm một lần có thể bị đưa vào hệ thống, lưu hồ sơ để tất cả công ty du lịch khác sẽ không bán tour lần sau.