Nguyễn Đức Trường
Trường THCS Đa Tốn- Gia Lâm- Hà Nội
Đến nay, tôi đã có 20 năm đứng trên bục giảng. Mỗi lần nhìn nắng sân trường, trong tôi những kí ức, hoài niệm xưa lại hiện về, những kí ức về con đường mà tôi đã chọn. Trong tôi lại là hình ảnh người cha và là người thầy đầu tiên dạy dỗ, nâng bước tôi đi.
Cha tôi là một thầy giáo với 40 năm đứng trên bục giảng, cha không chỉ dạy tôi những kiến thức hàn lâm mà còn dạy tôi cách làm người. Cha là người đã truyền đam mê nghề nghiệp cho tôi từ khi tôi còn nhỏ.
Tôi còn nhớ hồi ấu thơ, mỗi buổi tối bên ngọn đèn le lói đêm khuya, cha tôi thường soạn bài cho giờ giảng ngày mai rất cẩn thận và chu đáo hoặc chấm chữa bài cho học sinh thật cẩn thận từng dòng từng lỗi một như muốn học sinh của mình cố gắng hơn mặc cho những giọt mồ hôi lăn trên trán hay cơn đau dạ dày hành hạ cha. Hình ảnh người cha, người thầy ấy cứ in sâu trong tâm trí tuổi thơ của tôi.
Cha tôi rất ít khi nói về mình, những gì tôi biết hầu như do cảm nhận hoặc người khác kể. Tôi còn nhớ, có một bác, người bạn của cha tôi kể rằng: Ngày trước, nhà cháu vất vả lắm, bố cháu rất chịu khó, ngoài giờ lên lớp, ông ấy đầu mùa thì nhổ mạ, cuối mùa thì chở lúa. Có lần bố cháu chở rau cải sang Hà Nội bán, vất vả lắm không đẩy nổi chiếc xe thồ lên dốc đê làng, lúc đó một tốp học sinh chạy tới ríu rít chào thầy và chiếc xe rau cải được đẩy lên làm cho thầy giáo ngượng ngùng. Thực sự khi đó tôi còn bé quá, đâu có biết gì ? Hình ảnh ngày đó trong tôi là một kỉ niệm đáng nhớ: một ngày tháng sáu, gia đình tôi ra đồng gặt lúa. Cha bảo tôi rằng: “Con ở nhà phơi thóc, khi cơn mưa đến thì con gọi hàng xóm , nếu không thì con lấy rơm chốt cống vào cho thóc khỏi trôi”. Nói rồi, cả nhà đi cắt lúa. Ít phút sau, tôi cũng đi chơi luôn vì nghĩ nắng thế này thì làm sao mưa được. Một lúc sau, cơn mưa kéo đến, tôi sợ quá, lê đôi chân yếu ớt về nhà. Kho tới đầu ngõ, qua giậu cúc tần, tôi thấy có người đang quét thóc, nhìn kĩ đó là cha tôi. Tôi khép nép đi vào và nghĩ rằng mình xứng đáng được trận đòn roi. Nhưng không, cha tôi chỉ nói: “ con rửa chân tay rồi đi học bài”, tôi không dám mà cầm chổi quét thóc cùng cha khi cơn mưa gần tới. Khi đó tôi thấy dưới mái tóc pha sương là những vết chân chim nơi khóe mắt và cánh tay gầy guộc không cơ bắp. Trong tôi trào dâng niềm cảm động, niềm cảm xúc khó tả, bố tôi đã già rồi ư ? bố tôi không đánh mà sao tôi đau đến thế. Bố tôi đã vất vả ở trường lại còn vất vả ở nhà mà tôi đâu có giúp được gì. Lúc đó tôi tự hứa với lòng mình: bố ơi, con sẽ cố gắng không phụ công mong mỏi của bố, không phải để bố lo lắng nhiều cho con nữa, …
Hình ảnh người cha miệt mài giảng cho các anh chị học sinh đến hỏi bài hay những người hàng xóm đến nhờ viết chữ hay hỏi ý kiến cũng in sâu trong tôi. Khi đó tôi thấy cha tôi thật tuyệt vời, bởi giúp được nhiều người đến thế, mang hạnh phúc, niềm vui đến nhiều người đến thế và tôi cũng mong ước sau này được như cha. Tôi còn nhớ, có những tối vài người bạn của bố tôi đến đàm đạo hết thời sự lại giáo dục. Bố tôi nói rằng: “đằng sau mỗi sự thành công của người học trò đều có một người thầy giỏi, người thầy giỏi không phải chỉ truyền kiến thức và mà phải truyền sự đam mê cho học sinh” , ông cũng nói: “Nỗi khổ của bệnh nhân là gặp thầy thuốc tồi, nỗi khổ của thầy học sinh là gặp thầy giáo không yêu nghề”. Họ còn nói chuyện với nhau rằng: Vai trò của thầy giáo không phải chỉ dạy kiến thức , không chỉ đứng trên bục giảng mà còn dạy cách làm người, dạy bằng cả cuộc sống và danh dự của chính mình. Một người thầy giáo luôn cần phấn đấu sáng về tâm đức, sắc về chuyên môn và giỏi về nghiệp vụ. Ông kể rằng: Ở Pháp có một thầy giáo đang dạy học sinh bài số La Mã, có một học sinh hỏi: “Thưa thầy số 0 La Mã viết thế nào ạ ?”. Thầy chợt bừng tỉnh, ờ nhỉ, nếu không có số 0 thì sao thực hiện được phép trừ…Thầy hứa sẽ trả lời sau. Về nhà thầy trao đổi với đồng nghiệp, không có kết quả, tra tài liệu cũng không có kết quả. Ngay hôm sau thầy lên đường tới La Mã để tìm số 0. Hai mươi năm sau, thầy đã tìm được số 0 La Mã. Thầy đến tìm trò để trả lời câu hỏi số 0 La Mã, thầy trò ôm nhau khóc, khi đó thầy đã là nhà khảo cổ học còn trò đã là tiến sĩ Toán học. Thế đấy làm thầy giáo như người thuyền trưởng, trên biển rộng mênh mông không đường lối song vẫn cần hướng đi, khi bình yên thì ngắm nhìn song vỗ, khi bão tố thì chèo lái con tầu cập bến bình yên.
Khi ra trường, tôi đứng trên bục giảng, tôi thường nghĩ toán cấp 2 có gì khó đâu, nên có phần chủ quan và coi thường. Cha tôi nhắc rằng: Dạy học không hẳn chỉ dạy kiến thức chuyên môn mà cần phải dạy nhân cách. Dạy toán không chỉ là giải toán mà cần cần truyền lửa đam mê học tập, ham thích học tập tìm tòi chân lý, đó mới là thầy giáo giỏi, bởi kiến thức thầy truyền chỉ là hữu hạn còn ngọn lửa đam mê sẽ là vô hạn theo mỗi con người đi hết cuộc đời. Ông còn ví rằng: Không phải cứ khoác ào cà sa là thành thầy tu, không hẳn đứng trên bục giảng và cầm viên phấn là thầy giáo. Những hình ảnh mà cha tôi ví, tôi thực sự thấy mình nhỏ bé, tôi bắt đầu trân trọng và ý thức hơn trong mỗi bài giảng của mình. Tôi cảm nhận thấy với sự nỗ lực ấy, các em ham học hơn, chỉ nhìn vào những ánh mắt học trò ấy tôi cảm nhận được các em đang cần gì, đang nỗ lực đến đâu,… Cha tôi có lần nói: Một người có đạo đức tốt thì xã hội có một con người tốt, nhưng nếu có một thầy giáo tốt sẽ tạo ra nhiều thế hệ tốt. Mỗi hình ảnh, mỗi câu nói về giáo dục ấy luôn in sâu trong tiềm thức của tôi, luôn đồng hành cùng tôi trong mỗi giờ lên lớp hay cuộc sống hàng ngày. Tôi thực sự cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc có một người cha như thế ! Tôi lại khao khát phấn đấu được như một phần trong câu nói đó.
Những ngày tháng sau này, khi tôi vững vàng trong công việc của mình, cha tôi vẫn luôn thổi bùng ngọn lửa say chuyên môn, yêu nghề cho tôi. Những lúc nói chuyện về giáo dục, cha tôi hay kể về những người thầy giáo nổi tiếng đức tài xưa và nay cho tôi nghe. Đặc biệt là những chuyện về thầy dạy Toán cùng thời với cha tôi như thầy Tôn Thân, thầy Vũ Hữu Bình, thầy Bùi Văn Tuyên,… Ông nói: các thầy ấy yêu toán lắm, luôn có một cuốn sổ tay để ghi những bài toán khó, những cách giải hay, luôn tìm sự liên hệ giữa các bài toán với nhau, những kiến thức toán với nhau, luôn tìm con đường nhanh nhất để các học sinh yêu toán. Bố tôi còn kể rằng: Thầy Vũ Hữu Bình khi nhận lớp học sinh, thầy thường kiểm tra xem các em chỗ nào còn rỗng, chỗ nào chưa hiểu, thầy ghi các đặc điểm ấy vào một cuốn sổ nhỏ và mỗi giờ lên lớp thầy uốn chỉnh dần, nên năm nào học sinh của thầy cũng đỗ điểm cao. Thầy Bùi Văn Tuyên khi viết sách tham khảo đã ra cánh đồng đếm từng hạt thóc trên bông lúa để đưa số liệu vào một bài toán cho thực tế….Quả thật những câu chuyện mà bố tôi kể cứ như mưa phùn ấy mà thấm sâu đến thế, nó làm tôi luôn cố gắng và tôi mong ước được như các thầy. Sau này, thật may mắn tôi cũng được tham gia viết sách cùng các thầy, tôi càng khâm phục tâm huyết dành cho giáo dục của các thầy. Và tôi cũng hiểu rằng tại sao các thầy lại giỏi thế, các thầy luôn được sự kính trọng của học sinh, của phụ huynh, bởi ở đó là sự lao động nghiêm túc không chỉ là trí óc mà bằng cả con tim nữa. Mỗi câu chuyện bố tôi kể luôn luôn mang một thông điệp nào đó, ông không nhắc cụ thể mà chỉ bằng hình ảnh đó để tôi tự rút cho riêng mình. Tôi thiết nghĩ đó là cách giáo dục sâu lắng nhất, nó không hẳn chỉ tác động lên trí tuệ mà còn gõ vào con tim. Song tôi cũng hiểu rằng: không có thang máy đi tới thành công mà tôi luôn phải đi cầu thanh bộ, phải đi bằng chính đôi chân của mình.
Thật may mắn, tôi cũng dạy toán như cha tôi, nên ông cũng dạy tôi nhiều điều thú vị, ông thường nói: toán học nhiều người thường kêu khó và khô khan, đó tại vì thường làm nhiều bài toán khó mà chẳng biết làm thế để làm gì. Nhưng đối với bố tôi thì toán học như bản nhạc ấy, mỗi con số là một nốt nhạc, mỗi phép tính là một khuôn nhạc, còn người dạy toán là một nhạc sĩ, nếu mình không yêu môn toán mình dạy thì làm sao có được những bản nhạc hay, làm sao học sinh có thể yêu toán được. Do vậy khi dạy toán đừng để cho dễ quá học sinh sẽ lười, đừng cho quá khó học sinh sẽ nản, mà hãy chọn lựa bài tập phù hợp tăng dần mức độ cho học sinh như các bậc của chiếc thang ấy. Hãy liên hệ với những kiến thức thực tế quanh ta, chứ đừng thuần túy toán quá. Ông còn nói: giải toán khó đối với học sinh như đi tìm một con đường mới đó, cần phải liên hệ với con đường mòn đã đi qua. Trong quá trình ấy luôn cần khích lệ các em , hãy vui với niềm vui của các em dù đó là tiến bộ rất nhỏ, hãy luôn tìm những ưu điểm của các em để động viên và khuyến khích,…
Cha tôi, quả thực là người thầy giáo tâm huyết, yêu nghề lắm. Tôi còn nhớ như in cái ngày cha tôi về hưu năm ấy là tháng 8. Đầu tháng 9, khai giảng, tôi chuẩn bị chỉnh tề quần áo để đi tới trường với tâm trạng hân hoan thì cha tôi cũng thế. Ông cũng trang phục gọn gàng và cắp cặp ra xe. Giật mình! Ông đã nhầm, tưởng mình chưa về hưu, ông lại quay vào mà đôi mắt ngấn lệ,. Khi đó trống trường đã điểm, ông qua lại nghe mà lòng tôi đau thắt, tôi cũng quay đi để cha tôi không nhận ra được những giọt nước mắt trong tôi. Có lẽ tiếng trống trường đầu tiên này, ông không tới dự, song trong lòng có lẽ ngổn ngang kỷ niệm, dư âm. Thật ra làm sao không buồn cơ chứ khi mà có 40 năm đứng trên bục giảng, dạy ở 3 trường cấp hai với bao kỷ niệm vui buồn trong công việc. Lúc đó tôi dựng xe giúp cha, và thầm nói với cha mình rằng: Bố hãy nghỉ ngơi đi, mặc dù hôm nay vắng bóng cha ở sân trường, song trong tim mỗi đồng nghiệp, mỗi học sinh và ở trái tim con luôn có bóng hình cha, con luôn cố gắng để trở thành thầy giáo mà cha có thể tự hào, con luôn cảm ơn cha không những bởi công sinh thành mà còn bởi công dưỡng dục, con luôn nhớ tới bài học đạo làm thầy của cha.