Những người bạn đồng nghiệp quý mến của tôi
Năm
đầu tiên thành lập, trường được đặt ở Phủ Lỗ, với tên là Trường cấp 3
Nguyễn Đình Chiểu. Năm học thứ hai (1964-1965), thày Nguyễn Minh Tộ được
cử làm Hiệu tưởng, trường mới chỉ có bốn lớp học với đội ngũ giáo viên
hơn một chục người. Khoảng học kỳ 2, trường chuyển về Đa Phúc, đổi tên
là Trường cấp 3 Đa Phúc.
Tôi
là cô giáo duy nhất và cũng ít tuổi nhất, vừa ra trường, thấy mình thật
may mắn được sống trong tập thể giáo viên trẻ trung ấy. Sau này, sống
và làm việc ở nhiều nơi, tôi không sao tìm lại được nữa một tập thể nào
như thế. Mọi người sống với nhau thân thiết, chia sẻ và quan tâm đến
nhau một cách tự nhiên như gia đình vậy.
Ngày
ấy, trường mới chỉ là dãy nhà một tầng, có năm phòng, bốn phòng dành
cho lớp học, còn phòng trong cùng là nơi ở và làm việc của các thày, cô
giáo. Tôi được ưu tiên ngăn riêng một chỗ vừa đủ kê một chiếc giường nhỏ
và một cái bàn làm việc. Vách ngăn thì tận dụng mấy cái tủ đựng hồ sơvà
vài tấm ván mỏng. Cả phòng chỉ có một cửa ra vào chung nên mọi người
vào ra đều phải đi qua “phòng riêng” của tôi. Thế mà chẳng ai thấy phiền
phức, khó chịu vì có một cá thể khác giới hiện hữu ở đấy cả. Mọi người
vui vẻ chia sẻ với nhau mọi thứ, từ chuyện học hành của học sinh, bài
giảng trên lớp , đến bữa cơm tập thể đạm bạc, và cả những thứ được xem
như tài sản riêng là tiền lương và 3 lạng đường mỗi tháng.
Thày
hiệu trưởng Nguyễn Minh Tộ như là người anh lớn của chúng tôi hồi đó,
dù khi ấy thày mới 26 tuổi (sao hiệu trưởng mà trẻ thế nhỉ?). Trường tuy
nhỏ nhưng đầy khó khăn và đủ thứ việc phải lo toan. Những ngày đầu,
ngoài giảng dạy, giáo viêncòn phải lo xây dựng trường. Nhiều chủ nhật,
chúng tôi phải cuốc bộ từ Phủ Lỗ lên Đa Phúc để lao động, cuốc đất, dọn
dẹp, đặt nền móng đầu tiên cho ngôi trường mới. Rồi kinh phí lấy đâu ra
cho đủ? Anh Tộ phải gặp gỡ Ủy ban Huyện, các ban ngành, lo từng viên
gạch, bao xi măng. Rồi bếp ăn tập thể của giáo viên, khi thì cửa hàng
mậu dịch hết gạo, không có than củi, khi thì không có cấp dưỡng… Rồi học
sinh bỏ học hàng loạt do gia đình các em quá khó khăn, giáo viên phải
chia nhau đi vận động để các em lại được đến trường. Rồi chiến tranh,
bom đạn ác liệt, trường sơ tán vào Rừng Cơm, các lớp học đào sâu vào
lòng đất với ngang dọc giao thông hào. Thày hiệu trưởng chỉ đạo thày trò
lo chỗ học an toàn cho học sinh, lo nơi ăn ở và làm việc cho giáo viên,
lo quan hệ với chính quyền và nhân dân địa phương. Tháng tháng, dù bom
rơi, đạn nổ, thày một mình đạp cái xe đạp Phượng hoàng màu xanh lên Ty
Giáo dục, tận Vĩnh Yên, Phú Thọ gì đóđể báo cáo tình hình, nhận chỉ thị…
Thày cứ điềm tĩnh, vui vẻ lo chu toàn mọi việc, làm chỗ dựa vững vàng
cho cả trường trong suốt bao nhiêu năm làm hiệu trưởng.
Một
hình mẫu khác cũng thật ấn tượng với tôilà cô giáo Trần Thị Anh Thư. Cô
Thư là hình ảnh mẫu mực của người thàyngày ấy: giản dị, nghiêm túc, tận
tụy. Về trường sau tôi một năm và dù chỉ hơn tôi vài tuổi thôi, nhưng
cô có dáng vẻ thật chững chạc, tự tin. Cái dáng vẻ tôi rất mong có mà
học mãi vẫn không có được. Là cô giáo dạy Vật lý, một môn học tự nhiên,
nhưng cô có một tâm hồn phong phú và nhạy cảm (đa cảm nữa). Sau này, tôi
rời trường, thỉnh thoảng hai chị em vẫn viết thư cho nhau. Trong mỗi
bức thư, chúng tôi vẫn thường chép gửi đi những vần thơ yêu thích. Khi
viết luận án về từ láy tiếng Việt ở Viện Ngôn ngữ học, tôi đã dùng mấy
câu thơ trong thư chị gửi về làm dẫn chứng:
Đường tình đã nở hoa xoan,
Xôn xao gió gợn, hân hoan lá chờ.
Trên cao ngan ngát hương đưa,
Em ơi tim tím, mơ mờ chùm hoa.
Ở
cái tuổi ấy mà chị còn rung động với những vần thơ như thế thì quả là
lãng mạn, cái lãng mạn không dễ gì có được vào thời buổi này.
Những kỷ niệm chị kể về trường mình ở trong thư cứ nho nhỏ, mỏng manh mà sao gợi nhớ, sao nao lòng đến thế !
Hai thày giáo dạy Toán về trường cùng năm với tôi đều có họ Trần. Thày Trần Bình và thày Trần Văn Khôi.
Thày
Trần Bình là người vô cùng nghiêm túc và sôi sục nhiệt tình. Thày đã
định làm gì là làm ngay và làm bằng được. Là bí thư Đoàn trường, thày tổ
chức cho các em học nhóm buổi tối, học sinh lớp trên đến kèm cặp cho
các em lớp dưới học, giáo viên cũng đến chăm lo cho các nhóm học bài.
Không khí học tập của học sinh rất vui và hiệu quả. Thày quan tâm đến
việc học hànhvà hoàn cảnh sống của từng em học sinh lớp thày làm chủ
nhiệm. Các em rất kính trọng và quý mến thày. Chỉ có điều là, hình như
thày có cái nhìn hơi khắt khe với kiểu cách, điệu bộ của “người Hà Nội”.
May mà tôi chưa bị ghét. Chắc là thày chỉ xem tôi như cô em út, không
thèm chấp!
Thày
Khôi lại có phong cách riêng. Tính thày thật thoải mái, phóng khoáng,
nhìn cái gì cũng thành chuyện hài hước được. Với thày, mỗi người đều có
giá trị như một con người, chẳng có cớ gì để khinh ghét ai cả. Người có
chức tước, quyền uy đến mấy, thày cũng không quá nể trọng. Người thấp
kém đến đâu, thày cũng không hề xem thường. Tôi thích cách sống nhân văn
ấy, còn học sinh thì lại càng “mê” thày, lúc nào cũng quấn quít xung
quanh như với người anh cả. Dù bên ngoài có vẻ “tếu táo”, thày khá tinh
tế trong ứng xử. Có lần trường cấp 1 (nơi thằng em tôi đang học) mời tôi
dự buổi họp phụ huynh đầu tiên. Tôi lúng túng không biết nên cư xử thế
nào cho “phải đạo”. Tối hôm trước ngày đi họp, tôi thấy trên tờ lịch bàn
của mình có dòng chữ “ Tuổi 20 nhảy nhót và ước mơ! Hãy cúi chào thày
hiệu trưởng trường cấp 1 kính cẩn như các vị phụ huynh quê”. Thật chu
đáo và tế nhị! Lại một kỷ niệm đáng nhớ nữa: hồi tôi có cháu nhỏ, mùa
rét trung dukhá lạnh, mà thời buổi khó khăn ấy đâu dễ có đủ áo ấm. Thày
Khôi cắt ngay hai cái tay áo bông đang mặc (tiêu chuẩn ưu tiên cho học
sinh miền Nam ngày xưa) để tôi may áo cho cháu. Cái áo thật ấm cho cả con và mẹ!
Bên cạnh thày Khôi là cô Vinh. Trong mắt tôi, họ là một “cặp đôi hoàn hảo”.
Cô
Vinh dạy Sinh vật, về trường sau tôi một năm và ở cùng nhà với tôi,
trong khu sơ tán Rừng Cơm. Nhà bác chủ có các giếng vẫn bỏ không vì nước
hỏng, không dùng được, Vừa chuyển đến ở, Vinh bảo tôi: “Sáng mai, tao
với mày dậy sớm cải tạo cái giếng”. Tôi sửng sốt với đề nghị táo bạo ấy.
Thế mà, chỉ hai đứa thôi, trong một buổi sáng chúng tôi múc cạn nước
giếng bẩn, xử lý bằng cát, vôi, sỏi, nước giếng lại trong lành. Sự kiện
“lớn lao” ấy làm cho tôi rất phục cô bạn mới của mình. Sống với Vinh
thật dễ chịu, cô vui vẻ, thân thiện, làm việc gì cũng nhẹ nhàng, thoải
mái như không.
Cho
đến bây giờ, đã trên dưới 70 tuổi, cặp đôi Khôi –Vinh sống với nhau vẫn
rất hài hòa, trẻ trung: tuần nào cũng đi bơi cùng nhau, năm nào cũng
cùng nhau đi du lịch đâu đó. Và thỉnh thoảng có dịp ra Hà Nội, bao giờ
họ cũng ghé thăm gia đình tôi, ngồi với nhau để nhớ về Đa Phúc, để nhắc
lại những kỷ niệm vẫn rất ấm lòng về những người bạn đồng nghiệp thuở
xưa của mình: thày Hải hiệu phó, dạy Chính trị, hiền từ, nhân hậu, cốt
cách như một Ông Tiên. Thày Bá Trường ôn hòa, mực thước, lúc nào cũng
vui vẻ, thân thiện. Thày Dụng luôn chỉn chu trong công việc và sinh hoạt
hàng ngày. Thày sống hòa đồng với mọi người. Gần đây, thày lại rất tâm
huyết với những trang văn kén độc giả của mình. Thày Xuân Trường là tác
giả của nhiều bài hát về Trường cấp 3 Đa Phúc vẫn còn được truyền tụng
đến tận bây giờ. Thầy Thuận dạy Văn ở trường từ năm đầu tiên, trên miệng
thày lúc nào cũng như giữ lại nụ cười chuẩn bị cho một nhận xét hóm
hỉnh. Thày Soạn dạy Thể dục, rất hiền lành, chất phác. Thày đã hy sinh ở
chiến trường miền Nam.
Thày Thanh, cô Hạnh là những giáo viên Văn kỳ cựu của trường, đã dạy
các em cho đến ngày nghỉ hưu. Và cô Nguyệt dạy Nga văn, cô Oanh dạy Hóa,
cô Tuyết dạy Sinh vật v.v.
Đã
mấy chục năm rồi, nhưng tất cả chúng tôi, những người thày đầu tiên của
trường, vẫn còn mãi trong nỗi nhớ của nhau, và chắc là cả trong nỗi nhớ
của các em học sinh thân thương thuở ấy nữa.
Các em học sinh thân yêu của tôi
Ngày
tôi mới về trường, khái niệm “cô giáo Hà Nội” có vẻ như còn khá xa lạ
với các em. Và, với tôi, các em học sinh nông thôn cũng là một “bí ẩn”
cần khám phá. Lạ lẫm nhưng không cách biệt bởi vì cả hai phía chúng tôi
đều muốn được gần gũi và thân thiện với nhau. Khoảng cách tuổi tác giữa
các em và tôi không lớn lắm: học trò khoảng 16, 17 tuổi, còn cô giáo thì
vừa tròn tuổi 20. Tôi thật lòng coi các em như những đứa em của mình.
Và các em chắc cũng muốn xem tôi như một người chị. Ngày ấy, với nhiệt
huyết của những người giáo viên trẻ, chúng tôi không chỉ truyền thụ kiến
thức cho các em mà còn mong muốn chia sẻ những trải nghiệm của mình,
những cảm nhận riêng, chia sẻ cùng các em tình yêu với cuộc sống, với
con người. Người ta bảo rằng: giáo dục là việc để lại dấu vết của chính
mình trong quá trình mở mang trí tuệ cho người khác. Và rằng: Học sinh
là một ngân hàng mà giáo viên có thể gửi vào đó những tài sản quý giá
nhất. Tôi nhận biết rõ điều ấy khi sau này, trong những bức thư gửi về,
có em bảo: em đang trên đường ra trận, vất vả, gian nguy nhiều lắm,
nhưng những vần thơ em học, những bài giảng của các thày cô đã tiếp thêm
sức mạnh cho em. Có em viết: em hiểu về lẽ sống, về nhân cách, tình yêu
đất nước và lòng tự trọng….là nhờ những năm tháng ngồi trên ghế nhà
trường, được các thày cô dạy dỗ.
Ngay
năm dạy học đầu tiên ở trường, chúng tôi được tặng một món quà quý giá
từ học sinh của mình: hai giải thưởng học sinh giỏi Văn toàn tỉnh của
Dũng Tiến và Đỗ Trọng Định đã mang lại niềm vinh dự cho ngôi trường nhỏ
của chúng tôi.
Còn
biết bao món quà khác mà tôi không thể quên được: chiếc mũ rơm bện rất
khéo đặt lên bàn cô giáo với lời lẽ mộc mạc, vụng về “Em cho cô giáo
đấy”. Một lần tôi bị ốm, học sinh đến thăm rất đông, thập thò ngoài
cửa.Trên tay mỗi em là một quả trứng gà. Một em gái ngả nón ra thu nhận
trứng rồi trân trọng đặt lên bàn “để cô bồi dưỡng cho chóng khỏe”. Tôi
rơi nước mắt về món quà thơm thảo của các em học trò nghèo ngày ấy.
Mà
ngày ấy các em thật là nghèo. Mùa đông lạnh giá, trên mình em chỉ có
hai manh áo vải với bàn chân trần. Cái hình ảnh ghi đậm trong tâm trí
tôi là dáng hình các em co ro trong sương sớm, trong tay là một ống bơ
có những cục than hồng để chống rét trên đường đến trường. Thật lòng,
các thày cô giáo không dám mặc quá ấm để lên lớp vì cảm thấy như mình có
lỗi khi mà các em ngồi học đang run rẩy vì rét. Những chiều tối đến
thăm các em ở nhà trọ học, mở nồi cơm, chỉ thấy những lát khoai khô với
ít cơm gạo đỏ. Có những chủ nhật các em không được về nhà vì còn phải ở
lại đi kiếm guột trên đồi để dành nhen lửa nấu cơm. Đồi thì xa, gánh
guột lại cồng kềnh, có em thấp bé, quang gánh cứ quết đất. Mới đây, các
em về Hà Nội thăm tôi, em Tề còn kể: hôm đi lấy guột, em được cô gánh
đỡ. Kỷ niệm nhỏ ấy mà em nhớ đến tận bây giờ !
Tôi
vẫn nghĩ rằng mình không chỉ dạy các em mà còn học hỏi được ở các em
rất nhiều điều. Các em hiền lành, chân thật, chăm chỉ, chịu thương chịu
khó, vượt lên đói rét, khó khăn để học tập. Gần gũi các em, tôi học được
cách yêu thương, chia sẻ, chăm lo cho người khác, thay vì những ngày
còn sống ở Hà Nội, tôi chỉ biết nhận mà chẳng biết cho đi. Các em cũng
rất thông minh. Cái cách phản biện của học sinh trong giờ học làm cho
tôi vô cùng thích thú. Còn câu chuyện vui vui này nữa. Có lần, tôi ở
Rừng Cơm ra thăm thằng em trọ học ở Lương Châu, lúc về đến quá Núi Đôi
thì gặp một em học sinh lớp 9, em Nguyên, vừa đi học nhóm với các bạn ở
Rừng Cơm về. Thấy cô giáo đi một mình, trời tối, em áy náy, muốn đưa tôi
về trường. Cảm động về sự quan tâm của em nhưng tôi vẫn phải từ chối vì
không muốn em phải đi lại nhiều lần, và nói thêm, rất thật thà (nhưng
khá non nớt) rằng “Cô nghĩ đi một mình thế này cũng là một dịp để rèn
luyện”. Lời đáp của em học sinh khá bất ngờ “Thế thì, thưa cô, cô cho em
cùng rèn luyện với ạ”. Thật hóm hỉnh và thuyết phục!
Đầu
năm ngoái (2012), một đoàn học sinh khóa đầu tiên của tôi về Hà Nội
thăm cô giáo cũ. Buổi gặp gỡ thật cảm động. Các em, sau gần một nửa thế
kỷ, tóc đã điểm bạc cả rồi, vẫn còn nhớ đến tôi ! Vẫn nghe tiếng gọi
“cô” rất thân thương. Bao nhiêu chuyện cũ được nhắc lại. Cả bài “Hịch
tướng sĩ văn” học năm lớp 8 cũng được em Hoạt đọc bằng cái giọng rất hào
sảng và truyền cảm. Lại có cả “Bài kiểm tra viết 15 phút” để các em
viết về những kỷ niệm của lớp 8A ngày ấy. Những mái đầu lại cắm cúi trên
trang giấy. Những vẻ mặt lại ngẫm nghĩ, suy tư. Cả một chặng đường dài
đã đi qua. Hôm nay, các em về đây, như quá khứ đang hiện hữu trước mặt
tôi. Ngắm nhìn các em quây quần xung quanh mình, trong tôi như vỡ òa
những cảm xúc của một thời xa xưa.
Một
buổi gặp mặt khác cũng rất xúc động và thật đáng nhớ. Vào dịp 20/11 vừa
qua (2012), thày Khôi và cô Vinh ra Hà Nội. Chúng tôi hẹn nhau về Đa
Phúc chơi, đến thăm các anh chị cùng dạy học ngày xưa. Mục đích của
chuyến đi là như thế. Không ngờ ngày hôm đó nhà trường cũng tổ chức chào
mừng ngày 20/11. Chúng tôi được mời vào dự lễ kỷ niệm. Một không khí
tưng bừng và nồng nhiệt. Những bàn tay ân cần và trìu mến. Những gương
mặt lạ mà như rất thân quen. Tình cờ đến mà cứ như đang được mong chờ.
Bỗng nhiên, tôi lại nhớ đến một tục lệ ở các nước phương tây là vào dịp
lễ Giáng sinh người ta thường dành sẵn một chỗ trống nơi bàn ăn cho
người thân ở xa bất chợt trở về. Và người ta khuyên “Hãy ước là bạn luôn
có một chỗ trống như thế trong cuộc sống và trong trái tim, để dành cho
kỷ niệm, và sau đó là những yêu thương sẽ có chỗ để hạ cánh và vĩnh
viễn ngự trị”. Có lẽ không còn phải ước nữa, chúng tôi tin rằng dù ở
cách xa bao nhiêu, dù thời gian xa cách dài đến mấy thì ở đây, dưới mái
trường này, mỗi người chúng tôi vẫn được dành sẵn một chỗ trống, chúng
tôi vẫn luôn được chờ mong, đón đợi. Và trong lòng chúng tôi cũng vậy,
lúc nào cũng có một chỗ trống để đong đầy những kỷ niệm thân yêu về mái
trường xưa, đong đầy tình thương mến của những người bạn đồng nghiệp mới
ngày hôm nay.