Đất nước ta đang từng ngày thay da đổi thịt. Cách đây 45 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới. Trong những ngày này, những ngày tháng tư lịch sử, giữa lúc toàn đảng toàn quân và toàn dân ta đang gồng mình chống chọi với nạn đại dịch covid-19, thực hiện chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, những người lính năm xưa như tôi và biết bao nhiêu những người lính già khác, những kỷ niêm về một thời hoa lửa ở chiến trường lại ùa về trong những dòng suy nghĩ mỗi khi nghĩ đến chiến trường và đồng đội năm xưa
Những kỷ niệm về chiến trường, về tình đồng đội, tình quân dân những ngày chiến đấu ác liệt tôi luôn nhớ mãi.Trong những ngày đánh giữ thành cổ Quảng Trị, là một đơn vị đặc công, đơn vị tôi ban ngày thường trú quân ven bờ sông Thạch Hãn, có bà mẹ, những o du kích người địa phương ngày ngày mang cơm, khoai sắn và những gì gia đình của mạ có để tiếp tế thêm cho bộ đội để có thêm nghị lực cho chúng tôi hàng đêm vượt sông đánh tiêu hao lực lượng địch.
Giờ đây kỷ niệm về những chiến dịch, trận đánh mà mình tham gia, một trận đánh mà tôi chưa bao giờ quên vào cuối tháng 12 năm 1972, ngày mà chuẩn bị ký hiệp định Pa ri. Trong một ngày bắn 11 quả đạn B41 là một minh chứng cho sức khỏe và long dũng cảm của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau một thời gian huấn luyện tại huyện Lục Nam (Hà Bắc), tôi được biên chế tăng cường vào đơn vị đặc công K19-F325. Trong những năm tháng chiến trường diễn ra ác liệt, tôi đã trực tiếp cùng bộ binh tham gia chặn giữ chốt Thành cổ Quảng Tri ,khi đơn vị của tôi đang giữ chốt thì địch xả hàng loạt đạn pháo, sau đó ồ ạt tấn công hòng chiếm lại Thành. Cuộc chiến diễn ra ác liệt trong số các chiến sĩ giữ chốt đã có những đồng chí hy sinh. Mặc dù trước tình thế địch đông hơn nhưng lực lượng của ta cương quyết không cho địch chiếm giữ lại. Lúc đó ở chốt của ta bố trí 4 hầm và giao thông hào liên hoàn để sẵn đạn B41 ở từng vị trí, vì vậy, khi địch xông lên là ngay lập tức bị ta bắn trả quyết liệt. Theo nguyên tắc sau khi bắn 1 quả đạn B41 phải chuyển chỗ luôn để tránh địch dội pháo vào mục tiêu, nhưng lúc đó do địch đông, ta mỏng nên mình phải vừa di chuyển vừa bắn nhanh, sau đó chuyển vị trí. Sau một ngày với 5 trận đánh trong làn bom đạn của địch, tôi đã bắn 11 quả đạn B41 và lực lượng của ta đã giữ an toàn trận địa. Mặc dù trong trận đánh đó đã có thêm những đồng đội hy sinh và bị thương nhưng với tinh thần, ý chí kiên cường, ta đã làm cho địch hoàn toàn bị bất ngờ, không dám tiếp tục tiến công chiếm chốt.
Giờ đây về với cuộc sống đời thường, là một Cựu chiến binh, một Cựu giáo chức, những kỷ niệm của một thời trai trẻ, một thời tạm biệt quê hương xếp bút nghiên lên đường tham gia lực lượng vũ trang chống Mỹ cứu nước, mỗi khi tháng tư về những đồng đội của tôi lại tụ tập nhau vào đúng dịp ba mươi tháng tư để ôn lại những tháng năm oanh liệt, cũng là dịp để được cùng nhau tâm sự về những kỷ niệm năm xưa cùng với những cái bắt tay nhau, ôm hôn thắm thiết và những nụ cười trên khuôn mặt như vẫn còn in đậm một thời oanh liệt và không quên thăm hỏi, chia sẻ với người thân của những chiến binh đã quên mình hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, năm nay trước tình hình dịch bệnh covid-19 đang diễn ra phức tạp, thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chống dịch như chống giặc dù chỉ là ở trong nhà thôi, mỗi chúng tôi lại thăm hỏi nhau qua mạng viễn thông internet đồng tời vận động gia đình người thân cùng chung tay chống dịch, tham gia ủng hộ các chiến sĩ áo trắng và màu xanh áo lính trên tuyến đầu chống dịch theo lời kêu gọi của Tổng Bí thư Chủ tịch nước. Thật tự hào biết bao cứ mỗi năm ngày 30 tháng 4 đến, trong Tôi lại dâng trào cảm xúc khó quên thời khắc lịch sử của Đất nước thống nhất, non sông liền một dải…Ôi thật tự hào hai tiếng Việt Nam.