Sự nguy hiểm của những "viên đạn bọc đường”
Từ những ngày khó khăn đầu tiên khi tiếp quản Thủ đô đến những năm tháng hòa bình xây dựng và bảo vệ Thủ đô chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, theo dõi sát sao công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, sao cho họ thực sự là công bộc của dân, xứng đáng với sự tin tưởng của dân. Bác nhắc nhở cán bộ từ lời ăn, tiếng nói, từ cách ứng xử hàng ngày với nhân dân.
Ảnh tư liệu
Ngày 5/9/1954, tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, trong cuộc trò chuyện với cán bộ, nhân viên các cơ quan Trung ương, các đơn vị bộ đội, công an và thanh niên xung phong chuẩn bị về tiếp quản thủ đô Hà Nội do chính quyền Pháp bàn giao theo Hiệp định Geneve (1954) về đình chiến ở Đông Dương, Bác Hồ đã căn dặn: "Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu. Mấy năm kháng chiến, các cô, các chú đã học được nhiều đức tính tốt. Về xuôi, nhất là về thành thị, sẽ có nhiều người phức tạp, nhiều thứ quyến rũ mình vào thói xấu. Ta ở rừng núi, quen tiết kiệm của công, của riêng. Đó là điều tốt. Về xuôi, Bác chỉ nói vài cái nhỏ: phở ngon, rồi thì đồng hồ, bút máy, xe đạp v.v... Nếu không giữ được thói quen tiết kiệm thì sẽ tham ăn ngon, tham mua các thứ xa hoa. Lương không đủ thì sẽ lấy ở đâu? Lúc ấy chỉ có hai cách: một là ăn cắp của Chính phủ, hai là bị tiền mua chuộc... Có thể có những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường” vì nó hại mình mà mình không trông thấy. Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hóa, thì phải luôn thực hành 4 chữ mà Bác thường nói. Đó là Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Cuối cùng, Bác dặn các cô, các chú: Về xuôi phải làm gương mẫu trong mọi việc, tùy hoàn cảnh của mình mà gần gũi, giúp đỡ nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, trg 46,47).
Trong buổi nói chuyện với cán bộ Đại đoàn quân Tiên phong (Đại đoàn 308) tại Đền Hùng (Phú Thọ) ngày 19/9/1954, một lần nữa Bác lại căn dặn các cán bộ, chiến sĩ về những khuyết điểm cần phải tránh: "Thiếu tổ chức kỷ luật, ví dụ như ăn, ở, đi lại, mua bán. Xa xỉ, ăn diện, tự do, bắt chước lối sống không tốt. Vì những lý do trên nên sinh ra tham ô, hư hỏng. Muốn tránh khuyết điểm phải có dân chủ. Phải thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau, phê bình và tự phê bình, giữ gìn tác phong giản dị, chất phác của con người cách mạng" (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Sđd, trang 58).
4 đức tính cần phải có
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, theo dõi sát sao sự trưởng thành về nghiệp vụ và trau dồi tư tưởng, tác phong làm việc của đội ngũ công chức Thủ đô. Trong cuộc họp với Giám đốc và Chủ tịch các Ủy ban Công sở ở Hà Nội ngày 17/1/1946 Bác đã nói: “Vậy để giúp công việc Chính phủ một cách đắc lực, để nâng cao tinh thần kháng chiến, anh em viên chức bây giờ phải có 4 đức tính là: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Cần là anh em viên chức phải tận tâm làm việc, một người làm bằng hai, ba người. Và phải tôn trọng kỷ luật. Anh em phải theo nguyên tắc là có việc mới cần đến người, chứ không phải là có sẵn người nên phải tìm việc cho làm. Kiệm là phải biết tiết kiệm đồng tiền kiếm được, cũng như các vật liệu và đồ dùng trong các sở. Rút bớt hết những sự gì không cần thiết, chớ phao phí giấy má và các thứ của công. Phao phí những thứ đó tức là phao phí mồ hôi nước mắt của dân nghèo. Chớ tưởng tiết kiệm những cái cỏn con như mẩu giấy, ngòi bút là không có ảnh hưởng. Một người như thế, trǎm người như thế, vạn người như thế, công quỹ đã bớt được một số tiền đáng kể, lấy ở mồ hôi nước mắt dân nghèo mà ra. Có cần, có kiệm, không tiêu đến nhiều tiền, anh em viên chức mới có thể trở nên liêm, chính để cho người ngoài kính nể được". (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.158)
Trong bài nói chuyện với anh chị em công chức ở Thủ đô ngày 30/11/1954, Người đã căn dặn 3 điểm cốt lõi, đó là đoàn kết, tăng năng suất công tác và học tập. Để làm việc có hiệu quả, Người đã căn dặn anh chị em công chức phải coi trọng năng suất lao động. Người chỉ rõ: "Bất cứ ở địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đày tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Trước hết là "Cần", tức là tăng năng suất trong công tác, bất kỳ công tác gì. "Kiệm" tức là không lãng phí thì giờ, của cải của mình và của nhân dân. "Liêm" tức là không tham ô và luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của nhân dân. "Chính" tức là làm việc phải thì dù nhỏ cũng làm, việc trái thì dù nhỏ cũng tránh. Bốn điều đó đi liền với nhau" (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Sđd, trang 204).
Trong quá trình hoạt động cách mạng, tấm gương của người cán bộ có vai trò rất quan trọng để thuyết phục, lôi kéo nhân dân tin tưởng và làm theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ. Trong lời chúc mừng năm mới nhân dân Hà Nội ngày 15/1/1958, khi đề cập đến cuộc vận động các cơ quan, cá nhân thực hiện chủ trương tiết kiệm trong chi tiêu để gửi tiền vào các quỹ tiết kiệm ngân hàng, tạo nguồn lực cho khôi phục kinh tế, phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, Bác chỉ rõ "Để khuyên người ta làm thì mình phải làm gương trước. Vì vậy, Bác xung phong làm gương bỏ vào tiết kiệm một số… Mong các cô, các chú về thực hiện tiết kiệm để làm gương cho đồng bào và Thủ đô thì phải làm gương cho các địa phương khác".
Đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh niên, học sinh, Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, sự chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo phát triển toàn diện về tư tưởng, đạo đức, lối sống, sức khỏe. Trong bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Trường đại học nhân dân Việt Nam (19/1/1955), Người đã nhấn mạnh: "Những điều nên chống: Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt uỷ mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang".
Bác Hồ căn dặn: "Trong trường, cần có dân chủ. Đối với mọi vấn đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt, thì hỏi, bàn cho thông suốt. Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò, chứ không phải là “cá đối bằng đầu”. Đồng thời thầy và trò cần giúp đỡ những anh chị em phục vụ cho nhà trường. Các anh chị em nhân viên thì nên thi đua sao cho cơm lành canh ngon để cho học sinh ǎn no, học tốt. Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên".
Những nội dung, tư tưởng, lời căn dặn của Bác Hồ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp trí thức Thủ đô vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong xã hội hiện đại, khi sự chuyển giao, hội nhập ẩn chứa nhiều phức tạp, cạm bẫy thì việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lại càng quan trọng. Học Bác để giữ được bản thân, không bị tha hóa, làm việc hiệu quả, góp phần xây dựng Hà Nội xứng tầm và xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến.