Nhiều thủ khoa đều sinh ra từ làng và học ở trường làng
Vì sao “áo gấm đi đêm”?
Trước hết hãy cùng xem xét chuyện “chạy trường” bởi theo thông tin báo chí nêu, dù phải đến tháng 7, các trường cấp 1, cấp 2 mới nhận hồ sơ tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, thế nhưng ngay từ sau Tết, các bậc CMHS đã bắt đầu tìm kiếm thông tin để chạy trường cho con. Họ không ngần ngại bỏ ra một khoản tiền lớn để cho con được học tập ở một môi trường tốt.
Chưa bàn đến việc có hay không câu chuyện chạy trường được các phụ huynh truyền tai nhau, được các cơ quan truyền thông đưa tin bởi việc này cần được các cơ quan chức năng điều tra. Việc chạy trường, nếu có, cũng là hành động trái qui định. Bởi theo qui định, tuyển sinh đầu cấp vào các lớp mầm non, lớp 1, lớp 6 trước hết phải đúng tuyến và sàng lọc theo các tiêu chí do ngành GD&ĐT đưa ra. Điều này đảm bảo sự bình đẳng, nhân văn của giáo dục nước ta, đảm bảo quyền lợi của học sinh, không căn cứ điều kiện kinh tế và “quan hệ” của CMHS.
Trong các kỳ tuyển sinh đầu cấp, ngành GD&ĐT Hà Nội đều khẳng định không để cho học sinh nào thiếu chỗ học. Như vậy, vì sao phụ huynh lại phải chạy trường? Có nhiều lý do được đưa ra, nhưng có lẽ nguyên nhân dễ nhận thấy nhất chính là họ không muốn con mình học ở “trường làng” (dù đó cũng là trường ở phố, có tường bao quanh, có phấn, có bảng, giáo viên có trình độ… là niềm ao ước của không ít trẻ miền núi hiện nay). Một bộ phận CMHS chạy trường vì muốn con mình trở thành thiên tài, vượt trội hơn so với các bạn cùng trang lứa. Vì vậy, dù điều kiện kinh tế không giàu có nhưng với phương châm “tất cả vì con em chúng ta”, họ cố gắng bớt ăn, bớt tiêu để đầu tư cho con vào trường tốt, chứ không phải trường bình thường như những đứa trẻ khác. Một khảo sát mới đây của Đài truyền hình Việt Nam với 163 phụ huynh cho thấy có tới 67 trường hợp muốn chạy trường vì mong con được học trường có tiếng, 60 trường hợp muốn con được học trường có cơ sở vật chất tốt.
Thực tế cũng có những trường hợp CMHS “phá rào” bởi họ muốn được hãnh diện với bạn bè, đồng nghiệp. Con học ở trường danh tiếng, đồng nghĩa với đẳng cấp của cha mẹ cũng được nâng lên. Và như vậy, muốn được tự hào thì con phải học ở trường thật tốt, thành tích học tập phải cao. Nếu năng lực của con không đủ thì bố mẹ sẽ tìm mọi cách để giúp đỡ, dù cách đó trái với khoa học và quy định, quy chế.
Phải khẳng định, không ai có thể bắt ép CMHS phải chạy trường cho con. Quan điểm nhất quán của ngành GD&ĐT là đảm bảo học sinh nào cũng có chỗ học. Việc CMHS phải bỏ ra một khoản tiền lớn để chạy trường (nếu có), đều bắt nguồn từ suy nghĩ của họ và xuất phát từ sự tình nguyện. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng, nếu phụ huynh có nhiều tiền đến vậy, sao không cho con học trường quốc tế, trường dân lập và “nhường” trường công cho con nhà nghèo.
Phụ huynh cũng phải đổi mới
Ai cũng hiểu, phụ huynh chạy trường cho con vì muốn con mình có được môi trường học tập tốt nhất. Đó là mong muốn chính đáng. Xây dựng được hệ thống trường học có cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giáo viên có trình độ cao, tâm huyết là mục tiêu phấn đấu của ngành giáo dục. Tuy nhiên, CMHS cũng cần tĩnh tâm và nhìn lại, ở những vùng nông thôn có những đứa trẻ cùng tuổi với con mình nhưng ngày ngày vẫn lên lớp, về nhà lại tranh thủ làm giúp bố mẹ từ việc kiếm củi, cuốc ruộng, chăn trâu cho đến các việc nhà như nấu cơm, rửa bát. Nhiều em thậm chí không đủ thời gian để học vì phải chăm sóc bố mẹ ốm đau. Thế nhưng, không ít trong số các em ấy, sau này, đã trở thành thủ khoa đại học. Điều gì giúp các em thành công như thế? Có thể các em không được học tập ở một ngôi trường khang trang, đầy đủ tiện nghi như những bạn khác, thầy cô giáo của các em cũng chưa hẳn đã có bằng cấp, trình độ cao. Thế nhưng, các em hơn những bạn khác ở ý chí và nghị lực. Đặc biệt là khả năng thích nghi với môi trường xã hội. Mang trong mình quyết tâm vượt khó, các em đã tự học, tự rèn luyện để thành tài.
Có rất nhiều câu chuyện cảm động về tấm gương của những thủ khoa đại học. Đó là câu chuyện của cậu học trò nghèo Lê Đức Duẩn ở Phú Xuyên, Hà Nội (thủ khoa Học viện Quân Y). Anh trai mất năm Duẩn lên 8 tuổi vì ung thư máu. 4 năm sau bố mất vì ung thư gan. Mẹ thì đau ốm liên miên. Cậu học trò nghèo hàng ngày đạp chiếc xe đạp cũ mèm đã mất một bên bàn đạp, lốp thủng phải buộc tạm bằng dây chun, cóc cách vượt hơn 10km tới lớp. Đi học về lại lao vào đan rổ rá giúp mẹ… Là chuyện về 2 anh em sinh đôi ở Thanh Hóa Nguyễn Hữu Tiến (Thủ khoa đại học Y Hà Nội với 29,5 điểm) và Nguyễn Hữu Tiền (đỗ ĐH Bách Khoa với 26 điểm) bố em đã 10 năm qua bám vỉa hè, mưu sinh để nuôi con ăn học… Trực tiếp gặp gỡ, phỏng vấn những tấm gương ấy, người viết không hề thấy bóng dáng của hai chữ “chạy trường” mà chỉ thấy sự nỗ lực của các cậu học trò nghèo, dù các em chỉ học trường làng, điều kiện học tập khó khăn nhưng vẫn kiên trì, quyết tâm thành tài.
Việc bố mẹ chạy trường, chạy lớp cho con thực tế phản tác dụng bởi không chỉ tốn kém tiền bạc, tận dụng, nhờ cậy mọi mối quan hệ mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Học trái tuyến, trường không ở gần nhà, chính vì vậy trong quá trình con cái học tập, các bậc CMHS mất nhiều thời gian và công sức để đưa đón con. Về phía các con, việc chạy trường tạo ra sự ỉ lại cho học sinh. Nếu như các em biết được việc này, các em sẽ thấy sự không công bằng, điều mà các em luôn được giáo dục từ khi còn nhỏ. Các em cũng không có động lực để phấn đấu hết sức bởi suy nghĩ “cứ vui chơi thoải mái, chuyện đó đã có bố mẹ lo”. Đặc biệt, không căn cứ vào năng lực thực sự của con, nhiều bậc CMHS vẫn tìm mọi cách để “nhét” con vào lớp chất lượng cao. Vì vậy, các con bị đuối sức không theo kịp các bạn, dẫn đến chán nản trong học tập, mặc cảm, tự ti về bản thân mình. Đáng ngại hơn, việc chạy trường còn ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của học sinh khác.
Để giải bài toán chạy trường hiện nay, giải pháp được đề cập rất nhiều đó là phải cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên của các trường, phấn đấu chất lượng giáo dục các trường ngang bằng nhau. Thế nhưng theo TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội, tình trạng chạy trường hiện nay một phần cũng do CMHS thiếu thông tin, nghe đồn thổi về chất lượng giáo dục của trường nào đó, rồi a dua chạy cho con mình vào trường đó. Chính vì vậy, các quận, huyện, phòng GD&ĐT phải công khai danh sách các trường trong địa bàn quận, huyện, cơ sở vật chất cũng như chất lượng các trường để phụ huynh nắm rõ thông tin, tin tưởng và gửi con mình vào học.
TS. Tùng Lâm cũng khẳng định: “Vai trò của người thầy quan trọng, cơ sở vật chất cũng rất quan trọng. Thế nhưng, vấn đề là trẻ phải biết tự học. Muốn trẻ học giỏi phải có 3 yếu tố gia đình – nhà trường và sự cố gắng, tự học của các em”.
Hành động “phá rào” của một bộ phận CMHS đã không chỉ ảnh hưởng tới nguồn kinh tế của họ và con cái họ mà còn tạo ra cuộc chạy đua quyết liệt giữa các bậc phụ huynh. Vì một vài người chạy trường, chạy lớp, chạy thầy cô nên những người khác cũng phải cố theo để con mình được đối xử công bằng, không bị trù dập, bị tụt hậu. Chính từ đây, mặt trái trong giáo dục hình thành. Nói cách khác, chính những bậc CMHS đã làm “hư” giáo viên.
Ngành GD&ĐT đang dốc sức đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, kiên cố hóa trường lớp, xây dựng trường đạt tiêu chí Chuẩn quốc gia cùng với đó là đổi mới phương pháp dạy học, chương trình sách giáo khoa… để đảm bảo chất lượng giáo dục đồng đều, đồng bộ giữa các vùng, miền; thu hẹp khoảng cách giữa các nhà trường. Những việc làm khẩn trương này nhằm hạn chế những tiêu cực trong giáo dục, trong đó có chuyện “chạy” trường, “chạy” lớp. Và để đồng hành cùng với sự đổi mới này của toàn ngành, đòi hỏi các bậc CMHS cũng cần phải thay đổi nhận thức về việc học tập của con, tránh sa vào những cuộc chạy đua không cần thiết.