Vòng luẩn quẩn
Đã bao giờ các bậc làm cha, làm mẹ bình tĩnh nhắm mắt lại và thử nghĩ xem hôm nay mình đã nói chuyện gì với con. Tại phần lớn các gia đình có con đến tuổi đi học, trong số những chuyện mà cha mẹ nói với con từ sáng sớm cho đến lúc đi ngủ, thì 80 - 90% là những chuyện liên quan đến học hành. Cũng có bậc cha mẹ thú nhận rằng, chưa từng nói chuyện gì khác ngoài chuyện học hành với con cái.
Bạn thường tự hỏi, làm thế nào để con mình học chăm chỉ hơn, còn con bạn thì vò đầu bứt tai làm thế nào để có thể sống mà không cần phải học? Bạn nên tìm hiểu tâm tư của con mình bằng tình cảm thật chân thành. Ở nhiều gia đình, thường diễn ra cảnh cha mẹ ra lệnh cho con cái “Học đi!”. Đứa trẻ vì sợ nên miễn cưỡng ngồi vào bàn học, nhưng do bị ép buộc nên chúng học một cách chiếu lệ hoặc cố chịu đựng, đồng thời chỉ muốn tìm cách để đối phó học giả vờ hoặc nói dối là đã học xong rồi... Có lẽ ít bà mẹ có thể tự tin mà nói rằng “Con tôi không như thế”.
Việc bắt con học một cách cứng nhắc của cha mẹ đã tạo nên thái độ học tập tiêu cực cho con cái. Theo các chuyên gia giáo dục, thật ra, thái độ học tập của con như thế nào, là do cha mẹ đã dạy dỗ như thế. Chúng ta có thể gọi đó là kết quả của sự giáo dục. Nếu con cái có thái độ học tập không tốt, chính là do cách dạy bảo của các bậc cha mẹ chưa thật tốt.
Điều cần thiết cho trẻ là không nên chỉ làm theo chương trình mà cha mẹ đã lập sẵn. Vì việc ép con học của cha mẹ dễ làm nảy sinh tâm lý trốn tránh, khiến trẻ luôn nghĩ làm thế nào để có thể tránh được chuyện học hành. Thái độ đó của con cái lại càng làm cha mẹ lo lắng và muốn con mình học chăm chỉ hơn. Cách suy nghĩ của cha mẹ luôn trái ngược với con, vô tình đã tạo thành cái vòng luẩn quẩn cho trẻ và buộc chúng phải có tâm lý đối phó, hậu quả là chúng sẽ nói dối hoặc bỏ học. Như vậy thì cả cha mẹ lẫn con đều rất mệt mỏi.
Không nên gây áp lực cho con
Một số ông bố, bà mẹ có niềm tin sâu sắc rằng con mình có thể trở thành thiên tài, mà không hề nghĩ đến năng khiếu và khả năng thật sự của con như thế nào, bởi họ luôn nghĩ chúng giỏi giang. Vì thế, họ đã đặt niềm tin quá lớn vào con cái. Nhiều người, con học giỏi rồi thì bắt phải học giỏi hơn nữa, khi trẻ đạt được điểm cao lại yêu cầu trẻ phải cố gắng để có nhiều điểm cao hơn, ngược lại trẻ học kém, thi không tốt và bị điểm xấu thì thất vọng và vô cùng bực bội quát tháo, mắng mỏ trẻ: “Chỉ có học mà cũng không xong. Học hành thế này chỉ toi cơm…”, hay “Thật là vô tích sự”, … Họ không hề có sự động viên an ủi nào với con. Điều làm trẻ không thích và cha mẹ cũng không nên làm đó là, nếu trẻ làm bài thi tốt và có kết quả cao hơn lần trước (ví dụ 8,9) thì vẫn hỏi: “Có bạn nào được 10 điểm không, sao con lại kém các bạn thế này?”. Và như vậy, vô hình chung cha mẹ chỉ tạo thêm áp lực cho trẻ, sẽ gây ra nhiều hậu quả không tốt cho sức khỏe, tâm thần của trẻ. Trong thực tế, đã có trẻ ở tuổi vị thành niên mắc bệnh trầm cảm, tâm thần, có thể quyên sinh vì bị bố mẹ xỉ vả quá nhiều, khi không đạt kết quả như họ mong muốn trong các kì thi quan trọng như thi vào cấp III, thi đại học…
Theo BSCKII Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội): “Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh mắc các bệnh tâm thần luôn tăng cao trong thời điểm trước và sau khi kỳ thi THPT Quốc gia diễn ra. Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia một năm khám và điều trị cho khoảng 3.000 bệnh nhân nội trú và 36.000 bệnh nhân ngoại trú. Trong đó, nhóm đối tượng học sinh, sinh viên đến khám và điều trị chiếm tỉ lệ khoảng 10%. Thời điểm học sinh đến khám và điều trị thường vào dịp tập trung ôn thi THPT Quốc gia. Trẻ học hành nhiều mà không được nghỉ ngơi khoa học sẽ dễ suy nhược cơ thể, có một số hành vi mà cha mẹ có thể không chú ý tới ban đầu là: choáng váng, đau đầu mất ngủ, lo âu, chán chường, không thiết ăn uống, không vệ sinh tắm rửa… chỉ khi xuất hiện các biểu hiện như trầm cảm, sống co mình, không giao tiếp, giận mình, giận đời, hoảng loạn, kích động, muốn tự tử… thì gia đình mới phát hoảng và bắt đầu nghĩ đến khả năng con mình có vấn đề về thần kinh. Hầu hết những trường hợp này đều do trẻ chịu áp lực về học hành, thi cử. Chính những áp lực vô hình đến từ phía gia đình, sẽ dễ khiến các em trở nên như vậy. Vì không đạt được mục đích đặt ra, cộng thêm sự trách móc từ cha mẹ là một trong những nguyên nhân dễ tạo thành sang chấn tâm lý, khi các em không điều chỉnh mình được nữa thì sẽ rất dễ bị bệnh tâm thần.”
Do đó, các nhà giáo dục và tâm lí khuyên các bậc cha mẹ nên nhìn nhận cả quá trình học tập của con mình và cố gắng tìm ra nguyên nhân tại sao trẻ lại đạt được thành tích cao hay vì đâu học chưa tốt, chứ không nên chỉ nhìn vào điểm số cùng kết quả trước mắt mà la mắng con cái. Sự động viên, cảm thông, chia sẻ của gia đình là liều thuốc hữu hiệu, để các em vượt lên chính mình. Hãy nói với con “thất bại là mẹ thành công”.