Từ những vụ việc giáo viên thiếu trung thực
Anh Lưu Văn N. (30 tuổi, tạm trú P.Tân Phú, Q.9, TP.HCM) có con trai là cháu Lưu D.T.A. (5 tuổi) bị bảo mẫu tại cơ sở mầm non tư thục M. dùng dây chun cột thắt vào dương vật bức xúc cho biết: Sáng 8/3 anh đưa con là bé A đến gửi tại cơ sở M. (P.Tân Phú) như thường lệ. Khoảng 17h20 cùng ngày, anh chở theo mẹ ruột của mình đến đón con về. Anh đứng chờ bên ngoài, bà nội vào sân dắt cháu ra. Về nhà, cháu khóc kêu khó chịu vùng kín thì gia đình tá hỏa thấy dương vật cháu bị buộc chun màu hồng, đã sưng đen tím. Anh bèn đưa con vào bệnh viện để sơ cứu và điều trị…
Tuy nhiên, khi làm việc với cơ quan điều tra, cô giáo trông lớp con anh N đã phủ nhận hoàn toàn sự việc. Hiện CA đang tiếp tục điều tra làm rõ. Theo Phòng GD&ĐT Q.9, cơ sở bé A. học là lớp mẫu giáo M chỉ nhận trẻ các lớp Mầm, Chồi (không có lớp Lá), do phường quản lý, có khoảng 60 học sinh. Cơ sở chỉ có camera quay phía ngoài sân, không có camera trong lớp học. Anh N. mong muốn sự việc được điều tra rõ ràng để ngăn chặn những hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ, không chỉ với con anh mà cả những em nhỏ khác.
Sự việc ở trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội khi phụ huynh học sinh yêu cầu làm rõ nguyên nhân con mình bị gãy chân, nhà trường đã “đáp trả” bằng kết quả khảo sát 100% giáo viên, nhân viên trong nhà trường trả lời... đúng với ý của hiệu trưởng.
Mặc dù thông tin là bịa đặt nhưng thời điểm đó lãnh đạo nhà trường ngang nhiên cam đoan những điều trong báo cáo hoàn toàn đúng sự thật. Dường như hiệu trưởng thừa tự tin rằng sẽ không ai trong tập thể hàng trăm con người dưới sự quản lý của mình dám có tiếng nói khác, dù là tiếng nói của sự thật.
Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đề cập đến cách hành xử của hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên, ngoài vấn đề về đạo đức còn thể hiện tình trạng vi phạm dân chủ nghiêm trọng.
Thiếu giám sát dẫn tới mất dân chủ
“Chính sự lạm quyền của người đứng đầu nhà trường, thiếu sự giám sát của cơ quan nhà nước, xã hội đã dẫn tới hiện tượng mất dân chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra như vậy tại Hội nghị thực hiện quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục, đào tạo do ông chủ trì.
Điểm lại việc thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ sở giáo dục, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhìn nhận, có một thực tế là các văn bản quy định về quy chế dân chủ rất nhiều nhưng việc thực hiện tại nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo còn hình thức, sơ sài, chưa hiệu quả, chất lượng chưa cao. Một số cơ sở giáo dục vẫn còn xảy ra tình trạng mất dân chủ, cá biệt có cá nhân vi phạm đạo đức nhà giáo, có tình trạng khiếu nại vượt cấp. Nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện quy chế dân chủ tại trường học, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dẫn chứng vụ kiện tụng kéo dài tại Trường ĐH Ngoại thương và vụ hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên. Theo bà Nghĩa, nguyên nhân của các vụ việc này là do người đứng đầu thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện quy chế dân chủ.
Gắn dân chủ với tự chủ mới phát huy được vai trò của giáo viên vào công việc của nhà trường
Cũng theo bà Nghĩa, việc lập Hội đồng trường, một cơ cấu để giám sát, phân chia quyền lực với người đứng đầu nhằm ngăn chặn sự mất dân chủ trong nhà trường theo quy định của pháp luật chưa được coi trọng. Hiện mới có 16 trường đại học trong số các trường do Bộ quản lý thành lập Hội đồng trường, tuy nhiên hoạt động vẫn còn hình thức.
Trước vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi thẳng thắn: “Nhiều trường không thành lập Hội đồng trường, nhiều đồng chí nói Hội đồng trường lập rồi hoạt động hình thức. Nếu nó hình thức thật thì sao mọi người không lập cho đúng luật. Hay là nó rất quan trọng cho nên lập ra nó sẽ hạn chế sự độc đoán của một số cá nhân?”.
Đồng thời ông cũng giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan nghiên cứu cơ chế tự chủ cho các trường, trước hết là thí điểm cấp sau phổ thông. Việc tự chủ này bao gồm ba mặt: chuyên môn, tài chính, tuyển dụng. Ông cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH ra văn bản chỉ đạo các trường phải công khai, minh bạch các thông tin để nhà nước quản lý, xã hội giám sát vì luật đã có, hơn nữa “kinh nghiệm cho thấy càng chi tiết thì dân chủ càng đảm bảo”.
Theo Phó Thủ tướng, trong các trường học, hiệu trưởng có đủ các thứ quyền “phân công”. Và tình trạng này tồn tại ở rất nhiều trường phổ thông, nhất là các trường tiểu học.
Sự mất dân chủ này không phải hi hữu mà ở nhiều nhà trường đều như vậy. Sự phục tùng tất cả những chỉ đạo ở trên xuống, trong đó có nhiều việc làm hình thức, không trung thực, dần dần trở nên “phổ biến”, đến nỗi không giáo viên nào muốn đi lạc dòng, thậm chí nếu “khác biệt” sẽ bị đánh giá là sai.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ ra rằng, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ sở giáo dục đào tạo hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Khẳng định, trách nhiệm của những hạn chế bất cập nói trên là của cả hệ thống, từ nhận thức cho tới quy định, song Phó Thủ tướng cũng cho rằng, trách nhiệm trước hết là của giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó và hệ thống quản lý giáo dục các cấp.
Do đó, để phát huy quy chế dân chủ thì phải bắt đầu từ hệ thống quản lý giáo dục, từ phòng tới sở, rồi Bộ GD&ĐT. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị phải rà soát lại các quy chế, quy định đặc biệt là công tác liên quan tới bổ nhiệm, tuyển dụng giáo viên. Để thực hành dân chủ trong trường học, cơ chế đánh giá, giám sát có thể đo đếm được, tránh giám sát chung chung như trước. Áp dụng CNTT sẽ giúp việc đánh giá này có hiệu quả thực tế, không tràn lan.
Tuy nhiên, thực tế, việc hé mở tình trạng mất dân chủ trong trường học phải được lãnh đạo các cấp lắng nghe, điều chỉnh trước hết trong các quy định pháp lý, cơ chế điều hành của cả hệ thống giáo dục, phải có biện pháp bảo vệ người dám đấu tranh với tiêu cực, khuyến khích tiếng nói phản biện. Bởi đây là hành trình không dễ có thể thực hiện trong một sớm, một chiều.
Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm:
Không phải chăm chăm nói dân chủ là sẽ có dân chủ. Do đó, cần cải tiến phương pháp giáo dục, gắn dân chủ với tự chủ thì mới phát huy được vai trò, tính sáng tạo, chủ động của giáo viên vào công việc của nhà trường. Đi kèm với đó phải tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng, xây dựng cách thức đánh giá thực hiện dân chủ trong nhà trường chính xác, khách quan. Việc phát huy dân chủ trong ngành giáo dục là yếu tố quyết định đối với việc có thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tốt hay không. Vì vậy, giáo dục không chỉ phải thực hiện tốt như các nơi khác mà còn phải đi trước để tạo sự lan tỏa trong xã hội.