Những ngày đầu tiên tới trường, về nhà cháu nói với tôi:
- Cô giáo con xinh lắm nhưng không biết gì hết mẹ ạ.
Tôi vô cùng ngạc nhiên:
- Sao con lại nói thế?
- Vì cô dạy bài mới, lúc cô nêu những ví dụ thì luôn miệng hỏi cả lớp “Ai nói cho cô biết nào?”.
Tôi chưa kịp nói gì, con lại kể tiếp:
- Mẹ có biết không? Cô con cũng phân biệt màu sắc kém lắm.
- Ai bảo con như vậy? Cô giáo thì phải giỏi mới dạy được các con chứ.
- Con nói thật đấy, sáng nay cô dạy về màu sắc, cô chiếu phim cho chúng con xem và bảo cả lớp thấy những gì màu vàng ở trên cánh đồng. Có bạn nói là đồng lúa, có bạn lại bảo là bông hoa dại… Riêng con trả lời là thấy con bò màu vàng, thì cô lại nói là chưa chính xác, vì con bò ấy màu nâu. Nhưng rõ ràng con bò ấy phải là màu vàng vì hôm nọ bố hỏi mẹ, có thấy cái áo vàng màu da bò của bố ở đâu không và con thấy màu da của áo ấy giống hệt màu da con bò trong phim mà. Con ứ thích cô chê con như vậy đâu.
Kể xong con bé phụng phịu, mắt ngân ngấn nước. Tôi rất buồn cười vì những suy luận hết sức ngây thơ của con và lựa lời giải thích:
- Cô con là giáo viên dạy giỏi của trường nên cô không nói sai đâu. Con đã thấy con vẹt ở nhà bà ngoại nó học nói thế nào chưa? Cậu Hiến dạy gì nó nói vậy, lần nào cũng chỉ nhắc đi nhắc lại những từ ấy, không hiểu và nói thêm được từ khác. Như vậy gọi là học vẹt. Chính vì các con đến lớp để học những điều mới lạ, mà cô không muốn đọc cho chép để các con thuộc lòng giống như con vẹt học, nên cô mới gợi ý cho các con suy nghĩ để hiểu sâu hơn, nhớ lâu hơn qua những ví dụ mà các con trả lời cô ở trên lớp. Còn khi con xem phim, con phải quan sát kĩ. Không phải con bò nào cũng màu vàng mà rất nhiều con bò màu nâu sẫm. Chắc con bò con nhìn thấy trên phim đúng là màu nâu đấy.
Nghe tôi giải thích, con không có biểu hiện gì là đồng ý hay phản đối ý kiến của mẹ. Nhưng tôi biết là con vẫn còn ấm ức và chưa thật hiểu những điều tôi nói. Hôm sau đến lớp con, tôi trao đổi với cô chủ nhiệm và cô cũng ngạc nhiên không kém về những gì cháu phản ánh. Cô bảo tôi: “Bọn trẻ bây giờ thông minh và ghê thật. Qua chuyện này, em thấy mình cũng phải rút kinh nghiệm về phương pháp dạy, quan trọng là phải tìm hiểu kĩ những câu trả lời của học trò, xem tại sao chúng lại nghĩ như vậy trước khi nhận định là đúng hay sai”.
Sau lần ấy, tôi không thấy con gái nhận xét gì thêm về cô giáo của mình. Nhìn con hớn hở mỗi lần tôi đến đón, tôi hiểu là với con mỗi ngày đến lớp đã là một ngày vui.