Học kỹ năng sống từ trò chơi trên sân trường
Lâu nay với nhìn nhận thời gian vui chơi của trẻ đơn thuần là giải trí nên các thiết bị vui chơi của nước ta được thiết kế khá đơn điệu, giống nhau về mẫu mã, kiểu dáng và chất liệu. Phổ biến nhất là cầu trượt và bập bênh vì phù hợp với các cháu từ độ tuổi mẫu giáo đến tiểu học, đáp ứng được các sân chơi có diện tích khiêm tốn. Nhiều trường TH và THCS ở nước ta vắng bóng các cụm thiết bị vui chơi tích hợp công năng rèn luyện thể chất. Hầu hết các trường chỉ tập trung đầu tư trang thiết bị cho giáo dục thể chất và hoạt động thể thao (bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn, thể dục dụng cụ). Tuy nhiên ở nhiều nước trên thế giới, thiết bị vui chơi được thiết kế, sản xuất không chỉ giúp các em vui chơi, rèn luyện thể chất mà còn là phương tiện giáo dục kỹ năng sống.
Cách đây 4 năm, có dịp đến thăm thành phố Hanover, CHLB Đức, tôi rất quan tâm tới các điểm vui chơi công cộng dành cho trẻ em trong các khu chung cư và công viên. Quan sát thiết kế của các cụm cầu trượt cũng như các thiết bị vui chơi phụ trợ khác, rất dễ nhận thấy người ta đã chủ ý tạo ra những “trở ngại” để các em muốn tham gia trò chơi này phải có nghị lực và lòng can đảm. Gọi là cụm, bởi nó không đơn thuần chỉ có một cái cầu trượt có bậc thang để các em dễ dàng trèo lên rồi trượt xuống như ta vẫn thấy. Muốn lên chơi cầu trượt, ngoài cầu thang thông thường (dành cho trẻ nhỏ từ 3- 4 tuổi) còn có thang dây tạo thành các ô lưới nhưng khá cao để trẻ bám leo lên. Thang dây luôn trong trạng thái đung đưa, nếu trẻ không can đảm cũng khó lên được cầu trượt. Tôi để ý có những cháu chỉ 4-5 tuổi cũng thích tự mình trèo lên bằng thang dây mà không nhờ đến sự trợ giúp của bố mẹ. Cũng tại Hanover có một vườn thú rộng như trong một cánh rừng. Đáng nói là người ta cố tình tạo ra những lối đi nhỏ có những cây cầu độc mộc (nhưng không nguy hiểm) để trẻ có dịp thay vì đi trên con đường bằng phẳng sẽ phải đi trên đoạn đường khó khăn hơn, thậm chí phải “bạo gan” mới đi qua được.
Mới đây, khi sang Vương quốc Anh, tôi có hơn hai tháng đi đến một số trường học và quan sát cách giáo dục kỹ năng sống cho trẻ thông qua thiết bị vui chơi trong nhà trường và nơi công cộng. Điều đáng chú ý là, các thiết bị vui chơi dành cho trẻ em từ 3- 4 tuổi đến 14-15 tuổi đều thể hiện rất rõ mục tiêu cho trẻ em vui chơi kết hợp rèn luyện thể chất và giáo dục kỹ năng sống.
Tại góc sân trường phổ thông Wrotham Road Primary School ở thị trấn Gravesend, hạt Kent, ngoài cụm cầu trượt nhỏ thông thường dành cho trẻ lứa tuổi lớp 1, 2 còn có một cụm vui chơi thiết kế với mục đích giúp các em học sinh TH và THCS tham gia trò chơi từ dễ đến khó. Với vật liệu sắt và gỗ, chọn hình tượng cây gỗ làm chủ đề chính, các tác giả thiết kế cầu gỗ, đu gỗ chỉ bằng một thân cây tròn nhưng được treo bằng những sợi dây to. Để chơi trên đu hay đi qua cầu, các em sẽ phải đi trên các trụ gỗ cao thấp khác nhau có khoảng cách khác nhau. Trong khi chơi, trẻ được vận động tích cực, tốt cho thể lực và cũng là cách rèn luyện ý chí. Thông qua các thiết bị vui chơi này, người lớn muốn gửi đến cho con em mình thông điệp: “Các con hãy nhớ trong cuộc sống rất có thể các con sẽ gặp trở ngại, khó khăn nào đó. Nhưng các con đừng lùi bước, hãy can đảm bước lên!”. Muốn vậy, ngay từ lúc còn nhỏ, ngay trong lúc vui chơi, hãy để cho trẻ làm quen với những thử thách và có cơ hội rèn luyện ý chí.
“Hãy mạnh dạn lên, con làm được mà!”
Trong công viên bên bờ sông Thames của thị trấn Gravesend, người ta bố trí một cụm vui chơi cho trẻ em với các thiết bị phụ trợ, liên kết đòi hỏi người tham gia chơi phải có can đảm và nghị lực. Cái “ván leo” được bắc với độ nghiêng khá chênh vênh, nhưng nó không cố định để các em bám vào leo dần lên mà nó luôn ở trong trạng thái lúc nghiêng bên phải, lúc nghiêng bên trái. Cầu thang leo lên cũng khá cao và tay vịn xa nhau, buộc các em phải có nghị lực mới trèo lên nổi. Các thiết bị leo làm bằng dây đòi hỏi các em phải vừa khéo léo, vừa can đảm thì mới không bị thất bại giữa chừng. Thiết bị vui chơi này tạo nên 80% những tình huống gây khó cho người chơi. Nếu chưa quen và chưa hiểu ý đồ thiết kế, có thể sẽ gây ra những lo lắng cho phụ huynh.
Tuy nhiên, những người thiết kế và lắp đặt những cụm thiết bị vui chơi này cũng lường trước khả năng bảo vệ an toàn cho trẻ em. Phía dưới nền thiết bị vui chơi cho trẻ tuổi mầm non, thường người ta đã rải một lớp thảm nhựa đàn hồi. Nhưng với sân chơi dành cho học sinh tiểu học trở lên người ta rải lớp vỏ cây mềm (đã được băm vụn) để chống sốc cho trẻ trong trường hợp không may bị ngã. Tôi để ý ở Anh, bố mẹ của trẻ khi đưa con em mình đến tham gia thiết bị vui chơi ngoài trời thường muốn con em mình được chơi nhưng phải được rèn luyện tính kiên nhẫn và ý chí vươn lên. Khi thấy con mình đang nỗ lực trèo lên vị trí khá mạo hiểm của trò chơi, họ theo dõi nhưng không vội chạy đến giúp đỡ. Họ để con mình “tự thân vận động”, buộc trẻ tự tìm cách xử lý tình huống. Tôi đã nhiều lần nghe được câu “cửa miệng” mà người Anh thường dùng để khích lệ con mình khi thấy trẻ đang lúng túng: “Hãy mạnh dạn lên con yêu, con làm được mà!”.
Mối quan tâm thái quá, lo lắng thay cho con mình trước khó khăn thách thức trong cuộc sống của các bậc cha mẹ sẽ khiến trẻ thiếu tự tin, nhụt ý chí, thậm chí các em mới gặp trở ngại là đã chùn bước, trông chờ vào sự giúp đỡ của cha mẹ. Ông Sugitomo Reiji, vị Giáo sư người Nhật đến từ Trường Đại học Hirosima từng có nhiều năm làm việc tại Việt Nam đã nhận xét rằng, những người làm cha làm mẹ ở Việt Nam thường nuông chiều con quá mức khiến trẻ có thể ỷ lại và có thói quen dựa dẫm vào người khác. Với trẻ em Nhật, từ lúc còn rất nhỏ đã được giáo dục phải tự làm tất cả mọi việc có thể, vì nhờ người khác tức là sẽ làm phiền họ.
Giáo dục kỹ năng sống thông qua trải nghiệm các thiết bị vui chơi rèn luyện cho trẻ ý thức làm chủ bản thân, bình tĩnh tìm cách vượt qua những trở ngại, thách thức trong cuộc sống. Mong rằng rồi đây các cơ sở sản xuất thiết bị vui chơi giải trí cho trẻ em của nước ta sẽ tham khảo thiết kế thiết bị vui chơi của các nước tiên tiến trên thế giới để đưa ra thị trường những mẫu mã tích hợp rèn luyện thể chất với giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.