34 chiến sĩ tuyên truyền giải phóng quân
Tháng 12/1944, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Bản Chỉ thị lịch sử này là một văn kiện có tính chất cương lĩnh quân sự của Đảng, đề cập một cách toàn diện đường lối quân sự của Đảng. Bản chỉ thị nhấn mạnh: Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập nên một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.
Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 22/12/1944, tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập gồm 3 tiểu đội, với 34 chiến sĩ được chọn lọc từ những chiến sĩ du kích Cao - Bắc – Lạng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Trong số 34 cán bộ, chiến sĩ của đội có 29 người là dân tộc thiểu số. Cụ thể, dân tộc Tày: 19 chiến sĩ, dân tộc Nùng: 8 chiến sĩ, dân tộc Mông: 1 chiến sĩ, dân tộc Dao: 1 chiến sĩ; còn lại 5 chiến sĩ người dân tộc Kinh. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Quân số chỉ có 34 người với 34 khẩu súng các loại, nhưng đó là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm đã được chọn lựa kỹ càng trong các đội du kích Cao - Bắc - Lạng và trong số người đi học quân sự ở nước ngoài về, hầu hết họ đã trải qua chiến đấu và ít nhiều có hiểu biết về kỹ thuật và kinh nghiệm quân sự. Là con em của các tầng lớp nhân dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, chí căm thù giặc rất cao. Không một người nào trong đội không mang mối hận thù với đế quốc, hoặc nhà cửa bị đốt, của cải bị tịch thu, hoặc cha, anh, chị, em bị bắt, bị bắn, còn bản thân nếu chưa trải qua lao tù thì cũng là những người đang bị truy nã, đầu bị treo giải hàng vạn đồng, hàng trăm đấu muối. Nợ nước, thù nhà, oán hờn dân tộc, căm thù giai cấp bóc lột đã siết chặt họ lại thành một khối rắn chắc, không kẻ thù nào phá vỡ nổi.
Đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị Đội xây dựng kế hoạch tổ chức một trận đánh để “cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng của cả một dân tộc đang bị nô lệ, đang sục sôi ý chí vùng lên”, đồng thời “khắc phục tình hình thiếu vũ khí trang bị” và “trận đầu nhất định phải thắng”.
Từ căn cứ địa Cao Bằng, ngay sau lễ thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã xuất quân thực hiện chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu” của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sau khi bàn bạc các phương án kỹ lưỡng Ban chỉ huy Đội quyết định phải tập kích vào đồn trại của địch để chiếm lấy đạn dược, mục tiêu là đồn Phai Khắt và Nà Ngần.
Phai Khắt là một bản nhỏ thuộc xã Tam Lọng, tổng Kim Mã (nay là xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình). Đây là bản Việt Minh “hoàn toàn”, nhân dân đều tham gia các hội Cứu quốc. Đồn Phai Khắt chính là nhà của đồng chí Nông Văn Lạc bị chúng chiếm đóng. Phai Khắt nằm lọt trong bán kính hoạt động của ta, lại xa tỉnh lỵ, huyện lỵ, xa tỉnh lộ. Hơn nữa, Đồn Phai Khắt rất gần nơi thành lập Đội, từ đỉnh Slam Cao quân ta có thể quan sát được tình hình hoạt động của đồn, do đó, đánh Đồn Phai Khắt đầu tiên là quyết định vô cùng sáng suốt để đảm bảo đánh thắng trận đầu.
Lực lượng đánh đồn gồm hai tiểu đội, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp). Ngoài ra, còn có sự tham gia của du kích và cán bộ Việt Minh địa phương làm nhiệm vụ canh gác các ngả đường vào bản. Để đột nhập thuận lợi, đồng chí Võ Nguyên Giáp cho cả tiểu đội cải trang thành lính dõng, chuẩn bị sẵn Giấy đi tuần giả, có đóng dấu đỏ để phục vụ trận đánh.
17h ngày 25/12/1944, Trung đội trưởng Thu Sơn dẫn hai tiểu đội đến đồn Phai Khắt, trình giấy cho lính gác và tiến vào đồn một cách dễ dàng. Đội nhanh chóng chia làm hai mũi: Tiểu đội 1 đánh chiếm nơi để súng, Tiểu đội 2 bao vây đồn. Địch bị bất ngờ, trở tay không kịp, nhanh chóng đầu hàng. Trận đánh diễn ra nhanh chóng, tên Simônô từ Nguyên Bình trở về cũng bị tiêu diệt. Kết quả, ta tiêu diệt 1 tên và bắt sống 17 tên địch, thu được 17 khẩu súng, một ít đạn và quân trang.
Sau khi hạ đồn Phai Khắt, 3h giờ ngày 26/12, Đội khẩn trương hành quân tới đồn Nà Ngần (cách Phai Khắt 15km). Đồn Nà Ngần chính là nhà ở của Phó lý Pảo, xóm Nà Ngần, xã Cẩm Lý (nay là xã Hoa Thám, Nguyên Bình), nằm trên đồi cao, địa thế hiểm trở. Đồn Nà Ngần có 22 lính khố đỏ do 2 sĩ quan người Pháp chỉ huy. Do địa thế đồn Nà Ngần hiểm trở, nên Đội quyết định cải trang làm một toán lính dõng, lính khố đỏ áp giải 3 “cộng sản Mán” đến giao nộp cho quan đồn. Đúng 7h ngày 26/12/1944, đồng chí Thu Sơn cùng tổ xung phong cầm cờ tam tài dẫn ba “cộng sản Mán” vào đồn. Quân Pháp bị mắc mưu, ta nhanh chóng làm chủ đồn, tiêu diệt 5 tên, bắt sống số còn lại, thu nhiều chiến lợi phẩm. Trận đánh diễn ra nhanh chóng, 20 phút sau ta đã rút khỏi đồn địch.
Trong cả hai trận đánh, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đều sử dụng chiến thuật hóa trang tập kích. Chiến thuật đó kết hợp với yếu tố bất ngờ, bí mật, nhanh gọn khiến cho địch không kịp trở tay.
Bài học lịch sử quý giá
Nói về trận thắng đầu tiên của quân đội ta, Đại tá, TS. Dương Đình Lập - Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử tổ chức quân sự - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng: Chiến thắng ấy có được là do quân ta đã xây dựng được ý chí quyết tâm chiến đấu, chiến thắng ngay trong lần ra quân đầu tiên. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về nắm địch, khả năng cơ động và bảo đảm hậu cần, nhưng với quyết tâm chiến đấu cao, cán bộ, chiến sĩ trong Đội đã mưu trí, dũng cảm vào tận trong đồn để tiêu diệt, khiến chúng hoàn toàn bị bất ngờ. Không những thế, khi đồn Phai Khắt bị tiêu diệt, để bảo đảm giữ bí mật hành động, bộ đội ta tiếp tục cơ động ngay trong đêm, vượt qua hàng chục ki-lô-mét đường rừng để tiếp cận và tiêu diệt đồn Nà Ngần, làm địch không kịp trở tay đối phó. Như vậy, việc xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cao cho toàn Đội có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào chiến thắng lịch sử đầu tiên của Quân đội ta.
Cũng theo Đại tá Dương Đình Lập, việc chọn mục tiêu tiến công phù hợp, chuẩn bị tác chiến chu đáo cũng là yếu tố quan trọng làm nên thành công. Lực lượng của quân ta chỉ tương đương một trung đội, cán bộ và chiến sĩ từ nhiều nơi hợp lại, trình độ không đồng đều, sự phối hợp tác chiến chưa được thử thách qua chiến đấu, vũ khí trang bị lại thô sơ. Vì vậy, vấn đề quan trọng đặt ra là đánh vào đâu, để với một lực lượng nhỏ lại có thể giành được thắng lợi to lớn… mà ta ít bị tổn thất về người và vũ khí. Việc chọn đồn Phai Khắt và Nà Ngần làm mục tiêu tiến công đầu tiên là quyết định đúng đắn, thể hiện tầm nhìn, tư duy quân sự sáng tạo, phù hợp với khả năng lực lượng và trình độ tác chiến của ta. Lực lượng địch ở mỗi đồn khoảng 20 tên, có sĩ quan Pháp chỉ huy, trang bị vũ khí đủ, tốt, nên chúng khá chủ quan, canh gác bố phòng tương đối sơ hở. Đánh vào Phai Khắt, Nà Ngần, ta có thuận lợi là tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân để nắm tình hình địch và tiếp cận đánh địch. Hơn nữa, hai đồn Phai Khắt, Nà Ngần lại cách xa nhau và xa trung tâm chỉ huy của địch, nên khi đồn này bị đánh, đồn kia chưa thể biết ngay và không thể chi viện kịp thời, ta có thể nhanh chóng giải quyết trọn vẹn trận đánh.
Thêm vào đó, các chiến sĩ của ta đã dùng lối hóa trang đóng giả quân địch ở Châu đi tuần để dễ dàng đột nhập vào đồn, chiếm kho súng, buộc địch đầu hàng, nếu địch ngoan cố chống cự sẽ tiêu diệt. Đây là nghệ thuật vận dụng cách đánh mưu trí, sáng tạo và táo bạo, mang tính khoa học.