Nuôi dưỡng các mối liên kết
Cách tốt nhất và dễ dàng nhất để thúc đẩy hạnh phúc của con trong suốt cuộc đời bé là giúp bé gắn kết với bố mẹ, các thành viên khác trong gia đình, bạn bè, hàng xóm và với cả vật nuôi.
Bác sĩ Edward Hallowell, một chuyên gia về tâm thần học của Mỹ cho hay: "Một thời thơ ấu gắn kết chính là chìa khóa cho hạnh phúc". Ông cho hay, kết quả một nghiên cứu quốc gia về sức khỏe vị thành niên với sự tham gia của khoảng 90.000 thanh thiếu niên cho thấy sự gắn kết hay cảm giác được yêu thương, thấu hiểu và công nhận là những yếu tố bảo vệ tốt nhất, giúp trẻ chống lại sự buồn khổ, những suy nghĩ tự tử và những hành vi xấu như hút thuốc, uống rượu, ma túy.
Ảnh minh họa
May mắn thay, cha mẹ có thể củng cố sự kết nối chỉ bằng cách thể hiện thứ gọi là tình yêu vô bờ bến với con. Tuy nhiên, dù bạn có tình yêu sâu sắc với con nhưng con không cảm nhận được thì cũng không có tác dụng gì. Nhiều bậc cha mẹ không mấy khi thể hiện tình cảm với con, nhưng việc trẻ biết được rằng mình được yêu thương vô điều kiện giống như một lá chắn giúp trẻ chống lại sự đau khổ. Do vậy, hãy ôm con càng nhiều càng tốt, đọc sách cho con nghe, cùng ăn uống cười đùa, cảm thông với những khó khăn của con.
Ngoài ra, Nhà xã hội học Christine Carter, Giám đốc điều hành Trung tâm Khoa học của Đại học California tại Berkeley, còn cho biết, hãy giúp con kết nối yêu thương với những người khác, với thiên nhiên. Những nghiên cứu lâu dài đã cho thấy rằng, các kết nối xã hội là nhân tố vô cùng quan trọng góp phần tạo nên hạnh phúc. Càng có nhiều kết nối thì càng tốt cho bé.
Đừng cố khiến con hạnh phúc hay sợ con buồn, thất vọng
Vì hạnh phúc lâu dài của con, bạn hãy ngừng cố làm bé hạnh phúc trong thời gian ngắn. Ông Bonnie Harris, người sáng lập của tổ chức giáo dục trẻ em Core Parenting ở Peterborough, New Hampshire cho hay: "Nếu bạn đặt con mình vào một quả bóng và cho chúng bất cứ thứ gì chúng muốn, chúng sẽ quen với việc đó trong khi thế giới thực không phải như vậy".
Cha mẹ thường muốn khiến con mình vui vẻ ngay khi bé tỏ ra tức giận, buồn rầu hay thất vọng. Chúng ta thường ngay lập tức làm theo ý con hay cho con bất cứ thứ gì để bé vui trở lại. Trong khi đó, ông Harris cảnh báo, những trẻ không được học cách xử lý những cảm xúc tiêu cực sẽ có nguy cơ bị suy sụp khi đối mặt với những thách thức đó ở tuổi trưởng thành. Con sẽ khó phát triển các kỹ năng xử lý và hồi phục tâm lý sau những thất bại không thể tránh khỏi của cuộc sống.
Hãy nuôi dưỡng hạnh phúc của chính bạn
Bởi trẻ học hỏi rất nhiều thứ từ cha mẹ nên tâm trạng của cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng. Cha mẹ hạnh phúc sẽ giúp những đứa trẻ hạnh phúc hơn. Do đó, một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để giúp con hạnh phúc là lạc quan và nuôi dưỡng hạnh phúc của chính mình.
Chuyên gia tâm lý Bob Murray khẳng định: "Nếu cha mẹ có mối quan hệ tốt và hạnh phúc, tự nhiên con cái sẽ hạnh phúc theo".
Khen ngợi con đúng lúc
Có sự liên kết chặt chẽ giữa sự tự tin và hạnh phúc. Chính vì vậy, nhiều cha mẹ thường khen ngợi con quá mức. Con nguệch ngoạc vẽ vài nét đã được gọi là Picasso, ghi một bàn thắng là trở thành Beckham.
Tuy nhiên, theo ông Murray, kiểu "khen ngợi thành tích" này có thể phản tác dụng. Ông nói: "Nếu đây là kiểu khen ngợi duy nhất trẻ nghe được thì thực sự là nguy hiểm. Trẻ dần dần sẽ sợ mình không thành công, sợ thất bại thì sẽ không được bố mẹ yêu nữa.
Tuy vậy, bạn cũng không nên tiết kiệm lời khen với con. Thay vào đó, bạn hãy khen ngợi nỗ lực chứ không phải kết quả. Hãy khen con đã sáng tạo, làm việc chăm chỉ, kiên trì làm việc gì đó.
Mục tiêu của hình thức khen trên là hình thành cho trẻ tâm thế phát triển, hay niềm tin rằng mọi người đạt được thành công nhờ vào chăm chỉ làm việc và rèn luyện.
Trẻ em có tâm thế phát triển tốt sẽ thích thú với việc mình làm hơn và làm tốt hơn bởi không phải lo lắng mọi người nghĩ gì về mình nếu thất bại.
Tóm lại, các chuyên gia khuyên cha mẹ hãy tập trung khen điều gì đó nằm trong tầm kiểm soát của con.
Cho phép con được thành công và thất bại
Nếu bạn muốn thúc đẩy lòng tự tôn, tự tin của con, hãy tập trung vào việc tạo điều kiện cho trẻ học các kĩ năng mới. Việc chinh phục khó khăn sẽ giúp xây dựng sự tự tin thực sự.
Hãy cố để con tự làm những gì chúng có khả năng dù chúng có phải vất vả hay khó khăn một chút. Một khi thành công chúng sẽ cảm thấy hân hoan khi chinh phục được thử thách cũng như được đối mặt với thử thách nếu bị thất bại.
Điều đó cho phép trẻ tiếp cận những thách thức trong tương lai với niềm say mê và lạc quan, yếu tố rất quan trọng để giúp trẻ có một cuộc sống hạnh phúc.
Cho trẻ có những trách nhiệm thực sự
Ông Murray cho hay: "Hạnh phúc phụ thuộc nhiều vào cảm giác rằng những điều mình làm là quan trọng và được người khác công nhận hay đánh giá cao. Nếu không có cảm giác đó, chúng ta sợ rằng mình bị loại khỏi nhóm. Và nhiều nghiên cứu cho thấy điều con người chúng ta sợ nhất chính là bị loại trừ".
Nói cách khác, mọi người sinh ra đều có nhu cầu được cần đến. Do vậy, bạn càng cho con thấy rằng bé là một phần đặc biệt của gia đình ngay từ khi còn nhỏ, bé càng nhận thức rõ hơn về giá trị bản thân và càng hạnh phúc hơn sau này.
Trẻ từ 3 tuổi đã có thể đảm nhận những nhiệm vụ có ý nghĩa trong gia đình, cho dù việc đó chỉ là đổ thức ăn cho mèo hay dọn bữa tối. Do vậy, bạn hãy cho bé làm những việc trong khả năng của bé.
Luyện tập thói quen biết ơn
Cuối cùng, các nghiên cứu về hạnh phúc đều cho thấy có sự liên kết giữa lòng biết ơn và các cảm xúc tốt đẹp. Hãy tập cho trẻ biết ơn những thứ nhỏ nhất mà trẻ đang có hoặc được trao tặng.
Theo SK&ĐS