Nỗ lực đổi mới quản lý
Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa chú trọng giao quyền chủ động cho các nhà trường, thành lập các cụm chuyên môn để cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ, khuyến khích các cụm mời các chuyên gia, tác giả viết sách giáo khoa tập huấn các module quan trọng nhất của chương trình, khuyến khích các trường đầu tư cho giáo viên theo học các khóa học để nâng chuẩn, học một số bộ môn khoa học, dạy bằng tiếng Anh, liên quan các kỳ thi quốc tế.
Công tác giáo dục toàn diện và xây dựng trường học hạnh phúc, trường học Xanh- Sạch- Đẹp cũng được Phòng chỉ đạo sát sao, khuyến khích các trường mời chuyên gia tư vấn xây dựng mô hình tham vấn học đường, chuyển giao kỹ năng cho giáo viên và lồng ghép giảng dạy tích hợp trong các môn học và hoạt động giáo dục để truyền thụ kỹ năng sống cho học sinh.
Xác định đội ngũ nhà giáo đóng vai trò cốt lõi nâng cao chất lượng giáo dục, Phòng phát huy thế mạnh của cán bộ quản lý các trường, chủ động phát hiện sinh viên giỏi, xuất sắc tham mưu cho UBND Quận có cơ chế thu hút nhân tài.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, Phòng quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho giáo viên tự học và nâng cấp chứng chỉ văn bằng đối với những bộ môn liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo học nhiều khóa học để học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận phương pháp giảng dạy tiên tiến, nâng cao trình độ. Các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi được tổ chức góp phần tạo không khí thi đua giữa các trường.
Ngoài ra, các trường cũng khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi kiến thức trên mạng để rèn luyện, nâng cao kiến thức.
Học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi theo thế mạnh, mỗi cụm có cả trường tốp cao và tốp dưới để chung tay chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ, học hỏi chuyên môn.
|
Trường tiểu học Lý Thường Kiệt tổ chức lễ dâng hương và kết nạp đội viên tại Văn Miếu - Quốc tử Giám. |
Năm học 2024-2025 là năm học đầu tiên mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các bậc học, khép kín chu trình đổi mới. Một trong những ưu tiên lớn nhất là tập trung cho “đầu ra”, cho nên ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường lưu ý hướng dẫn cho học sinh học tập, làm quen với mẫu đề thi và đã mời nhiều chuyên gia trong lĩnh vực của các bộ môn tập huấn về những nội dung cốt lõi của phân môn, cách kiểm tra, đánh giá và định hướng ra đề theo hình thức thi mới, dưới hình thức trực tiếp kèm với trực tuyến bảo đảm tất cả giáo viên của các phân môn nắm vững và chia sẻ, lan tỏa, hỗ trợ cho giáo viên huyện Sóc Sơn. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếp tục được đẩy mạnh, ngay cả thời kỳ hậu Covid-19. Ủy ban nhân dân Quận Đống Đa dành ngân sách lớn đầu tư cho giáo dục, quan tâm xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng tốt điều kiện dạy và học, nhiều trường học được sửa chữa, xây dựng mới khang trang, hiện đại.
Bối cảnh hiện nay đòi hỏi các trường phải tự thay đổi, phát huy nội lực, không ngừng nỗ lực, năng động, sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy học để thu hút học sinh.
Phương pháp quản lý của Phòng hướng đến giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các nhà trường và tiếp tục tăng cường vai trò tự chủ kế hoạch giáo dục, tự chủ tài chính qua đó lồng ghép được nhiều nội dung về giảng dạy, kỹ năng trải nghiệm, các liên kết khác góp phần nâng cao và làm phong phú chương trình giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới, giáo dục toàn diện.
Muốn tạo bước chuyển, đội ngũ cán bộ quản lý các trường phải nỗ lực đổi mới, tâm huyết sáng tạo, chủ động dám nghĩ dám làm, quyết tâm cao để xây dựng môi trường học tập đa dạng, năng động cho học sinh có thể tự do sáng tạo, thử thách bản thân và khám phá những ý tưởng và chiếm lĩnh kiến thức mới.
Phòng rất quan tâm, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý các trường, tạo điều kiện cho các cán bộ quản lý tham gia các lớp tập huấn, nhất là các lớp liên quan đến quản lý chương trình, tài sản, tài chính, công nghệ thông tin, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và dạy học…
Nhiều năm liền, Quận Đống Đa luôn đứng trong top đầu thành phố về thành tích giáo viên giỏi, học sinh giỏi, các cuộc thi quốc gia, quốc tế, là điểm sáng của giáo dục Thủ đô về phong trào thi đua, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và nổi bật về phong trào lan tỏa, sẻ chia là phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn giai đoạn 2022-2025 được thực hiện thực chất, hiệu quả.
Nhiều cá nhân thầy cô giáo và tập thể được vinh danh Nhà giáo ưu tú nhà giáo tâm huyết sáng tạo, sáng kiến sáng tạo Thủ đô, nhà giáo tiêu biểu do Trung ương khen tặng kịp thời và xứng đáng.
|
Học sinh trường THCS Lý Thường Kiệt trình diễn thời trang trong Chương trình truyền thông "Mạnh từ bên trong". |
Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các nhà trường
Thực tế minh chứng, sự chủ động, linh hoạt, không ngừng đổi mới, tận tâm cống hiến của đội ngũ giáo viên chính là “chìa khóa” để các trường nâng cao chất lượng giáo dục, gặt hái nhiều thành quả.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Thường Kiệt - cô Lê Thị Thanh Thủy chia sẻ, chung quanh trường có nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa, nhà trường đã tổ chức tốt các hoạt động giáo dục di sản nhằm trang bị cho học sinh hiểu biết về những giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, qua đó giúp học sinh thêm yêu, thêm tự hào về Hà Nội và có ý thức chung tay gìn giữ, bảo vệ di tích.
Điểm nhấn sáng tạo là tổ chức hoạt động giáo dục di sản trực tiếp tại nơi có di sản như tổ chức cho học sinh tiêu biểu viếng Lăng Bác, tìm hiểu sự nghiệp thân thế Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức Lễ kết nạp đội viên và tìm hiểu di tích lịch sử Văn Miếu-Quốc Tử Giám, tổ chức lễ dâng hương và cho học sinh tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm tại di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long, phối hợp tổ chức cho học sinh được trải nghiệm học một số tiết học lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Bên cạnh đó, giáo viên nhà trường cũng thực hiện nghiêm túc Chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Nhiều tiết dạy đã kết hợp hài hòa các hình thức và phương pháp dạy học để giờ học trên lớp nhẹ nhàng nhưng đạt hiệu quả cao, giảm yêu cầu học thuộc lòng, nhớ máy móc; chú trọng thực hành vận dụng.
Giáo viên đã quan tâm lựa chọn các hình thức tổ chức học cá nhân, học theo nhóm, dạy học cả lớp, dạy học có sử dụng trò chơi học tập trong tiếp dạy.
Chia sẻ về đổi mới phương pháp dạy-học, Hiệu trưởng trường THCS Lý Thường Kiệt, cô Phan Thị Chân Lý cho biết: Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận rất chú trọng tập huấn bồi dưỡng về nội dung chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên các trường, cán bộ giáo viên nhà trường tham gia đầy đủ các lớp tập huấn. Từ các chuyên đề đó, giáo viên trao đổi trong tổ, nhóm chuyên môn, học tập và vận dụng đổi mới phương pháp cho phù hợp với đối tượng học sinh.
Nhà trường tổ chức tốt các chuyên đề, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng, tăng cường dự giờ, rút kinh nghiệm kịp thời, tổ chức sinh hoạt chuyên môn để giáo viên chia sẻ kinh nghiệm, cùng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, phát huy sự chủ động, sáng tạo của giáo viên trong truyền thụ, giảng dạy, phấn đấu bảo đảm chất lượng “đầu ra”. Điểm sáng trong nỗ lực giáo dục toàn diện giúp học sinh phát huy năng lực cá nhân, tương tác làm việc nhóm và phát triển kỹ năng, năng động, chủ động trong hành động, đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng là triển khai Câu lạc bộ Trẻ em gái “Girl Decide” với nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp lứa tuổi học sinh.
Cô Tạ Phương Anh, Hiệu trưởng Trường mầm non Đống Đa chia sẻ: Nhà trường chú trọng xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm, trường lớp xanh, an toàn, hạnh phúc, thực hiện tốt khẩu hiệu “Nuôi cháu khỏe - Dạy cháu ngoan - Bảo vệ cháu an toàn”.
Việc tăng cường dạy trẻ các kỹ năng hoạt động theo nhóm, tổ chức các hoạt động trải nghiệm thiết thực khuyến khích khả năng chủ động tìm tòi, sáng tạo của trẻ đã cho thấy hiệu quả trong đổi mới phương pháp dạy học của nhà trường.
|
Các bé trường mầm non Đống Đa trong giờ học tạo hình ứng dụng phương pháp STEM. |
Đổi mới công tác quản lý, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các trường đã mang lại những thành công nhất định trong việc khuyến khích giáo viên, học sinh nâng cao tinh thần sáng tạo thông qua việc vận dụng tri thức, khả năng tự giải quyết vấn đề không chỉ trong tiết học mà còn trong các hoạt động đời sống hàng ngày.
Trước thềm năm mới 2025, chào đón xuân Ất Tỵ, toàn ngành giáo dục Đống Đa đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động Giáo dục truyền thống, giáo dục Di sản với mô hình điểm “Năm giáo dục truyền thống, Giáo dục Di sản–tự hào Quận Đống Đa văn hiến, anh hùng” theo chỉ đạo của UBND Quận nhân dịp kỷ niệm 236 Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa.
Đây là một chương trình được tổ chức trọng thể và ý nghĩa nhằm tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc từ ngày 2/2 đến 4/2/2025 tại Công viên văn hóa Đống Đa-di tích đặc biệt Gò Đống Đa một cách sâu rộng, ý nghĩa, lan toả đến phụ huynh học sinh và nhân dân trên địa bàn các trường học trong quận.
Đây là một trong những mô hình giúp công tác giáo dục truyền thống, giáo dục Di sản đi vào thực chất, đạt hiệu quả cao và có sức lan tỏa sâu rộng trong nhà trường trên địa bàn, đáp ứng mục tiêu đổi mới và những nỗ lực, quyết tâm đã đặt ra của toàn ngành.