Tháng Ba về, hoa gạo nở đỏ lưng trời, bọn trẻ chúng tôi chơi dưới gốc gạo nhặt hoa kết thành vòng chơi trò “Hoàng tử”. Những bông hoa gạo đỏ tươi còn đọng sương mai lồng vào cổ bọn con trai giả làm hoàng tử, đến bây giờ nhớ lại tôi cứ thấy ngồ ngộ. Cây gạo thân thương lắm, cùng với gốc đa, bến nước, sân đình… cây gạo là biểu tượng điển hình cho đặc thù làng quê Việt Nam.
Những khi mưa phùn, tiết trời ấm áp, chợt ngẩng đầu lên thấy từng chùm hoa đỏ như lửa in hình trên nền trời xanh thẳm thì lòng rạo rực bồi hồi, thấy xuân đã chuyển sang hạ, báo hiệu tháng Ba đã về và lời người xưa dạy nông gia lại hiện lên: “Bao giờ đom đóm bay ra/ hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”. Mùa hoa gạo về cũng như nhắc nhở mùa thi sắp đến, nghỉ hè không còn bao xa. Hoa gạo, loài hoa có rất nhiều ở vùng quê Bắc Bộ còn có tên gọi là mộc miên. Khi cái rét đầu xuân vơi dần, hoa gạo cuối tháng một từ từ “thức giấc” để những cánh hoa đỏ chênh vênh một góc trời làm tim ai xao xuyến bồi hồi. Hoa gạo thường nở rộ nhất vào những ngày tháng ba âm lịch. Cánh hoa gạo to, dày và đỏ thắm, dù có tàn và rớt xuống vệ đường, màu hoa vẫn thắm. Hoa gạo còn có vị ngọt ngọt, dòn dòn, nên khi vừa mới rụng xuống nếu đưa vào miệng sẽ thưởng thức được hương vị cũng đầy giản dị như chính cách mà chúng đã làm rung động bao trái tim. Bà tôi thường dùng bông gạo độn gối cho chúng tôi nằm. Trẻ con nhặt hoa, lấy nhụy chơi “chọi gà”, lấy núm gai ở thân cây đẽo khắc chữ và làm miệng sáo diều. Thuở bé tôi thường được bà nội kể cho nghe về sự tích câu mà dân gian hay nói: “Thần cây đa, ma cây gạo”. Bà kể: Trình Trung Ngộ là một chàng trai giàu có, thuê thuyền xuống miền đồng bằng buôn bán. Thuyền thường đỗ ở dưới cầu Liễu Khê. Một hôm chàng gặp một người con gái xinh đẹp, rồi thầm yêu nàng. Một lần chàng tình cờ nghe nàng nói với người hầu gái: “Đã nửa năm nay ta không dạo chơi dưới cầu Liễu Khê. Tối nay ta đến đó cho khuây nỗi buồn”. Xẩm tối chàng đến bên cầu núp chờ. Quả nhiêm đêm khuya cô gái cùng thị tỳ đến đó. Nàng ngồi dựa lan can cầu, gẩy đàn hồ cầm, tiếng nhạc ai oán. Nàng thở dài nói: “Có ai tri âm hiểu được lòng ta nhỉ?”. Trung Ngộ xuất hiện, cúi chào và nói: “Tôi là tri âm đây”. Hỏi thăm, chàng biết được nàng tên Nhị Khanh, bị chồng ruồng bỏ nên sống một mình bên ngoài lũy tre làng. Hai người đưa nhau xuống thuyền ái ân đến sáng thì nàng trở về nhà. Từ đó, suốt một tháng trời đêm đêm họ gặp nhau. Bạn bè biết chuyện khuyên chàng nên giữ mình nơi đất khách. Chàng hỏi nàng ngụ ở đâu thì nàng lảng tránh, chỉ bảo nhà xấu xí lắm, không nên đến. Chàng nài mãi, nên một đêm canh ba, nàng phải đưa chàng đến nhà mình. Một túp lều gianh lụp xụp, dây leo chằng chịt đến tận mái. Rồi ngay sau đó chàng phát hiện ra một cỗ quan tài phủ kín tấm the ghi “Linh cữu Nhị Khanh”, chàng phát hoảng bởi biết nàng Nhị Khanh đang ở bên chàng chỉ là phần hồn lang thang trên cõi dương trần. Sau đó chàng ốm chết, hồn của hai người nhập vào cây gạo cổ trong một ngôi chùa bên sông, làm trò yêu quái, có khi hiện thành thân thể loã lồ đùa giỡn trong đêm trăng. Về sau có một đạo sĩ lập đàn cứu dân, đánh bật rễ cây gạo. “Thần cây đa, ma cây gạo” duyên do từ đấy. Câu chuyện trên sau này được kể trong “truyền kỳ mạn lục” tập truyện ngắn của Nguyễn Dữ viết vào thế kỷ 16, đến hôm nay chỉ còn hư hư, ảo ảo. Song dù sao cây gạo và hoa gạo vẫn là một loài cây dễ trồng, thân thẳng đứng, trung kiên dù sinh ra nơi đất cằn, sỏi đá, luôn thân thiết với người dân Việt Nam. Những tháng ngày mùa hạ đi trên các con đường miền trung du, đi thuyền trên suối Yến vào Chùa Hương, đường quốc lộ số 1 đi Lạng Sơn hay đường lên Điện Biên... sẽ thấy những cây gạo hiên ngang đứng bên đồi, hoa nở đỏ trời, tô thắm những miền quê, đọng mãi với thời gian.