Công khai bán những tuyệt phẩm giả
Tranh sáng tác vì giá cao nên khó bán, một số chủ Gallery bắt đầu sao chép tranh của những nghệ sĩ, họa sĩ tên tuổi để bán với giá rẻ, việc sao chép tranh đã trở thành "nghề" của không ít Gallery. Tại Hà Nội, đi dọc phố Nguyễn Thái Học, không khó để tìm một cửa hàng bán tranh, phong phú cả về thể loại lẫn giá cả. Những bức tranh giá trị của lịch sử mỹ thuật Việt Nam như: "Thiếu nữ bên hoa huệ" (Tô Ngọc Vân), "Em Thúy" (Trần Văn Cẩn), "Chơi ô ăn quan" (Nguyễn Phan Chánh), "Thiếu nữ và hoa sen" (Nguyễn Sáng), tranh phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái, tranh con giống của Nguyễn Tư Nghiêm... xuất hiện nhan nhản. Nhưng tuyệt nhiên không thể tìm được cửa hàng bán tranh “xịn” do chính các nghệ sĩ, họa sĩ vẽ. Tất cả đều là tranh sao chép công phu, giá thành cạnh tranh nhau, thậm chí chỉ từ vài ba trăm nghìn đến 1 triệu đồng đã có thể mua được tranh “y nguyên bản chính”.
Không như những người có gu thẩm mỹ và sành chơi tranh, khách hàng tìm đến tranh chép thường có mục đích rõ ràng: làm quà tặng, trang trí nhà cửa, quán xá… nên họ chỉ để ý đến giá thành chứ ít quan tâm đến chất lượng sản phẩm cũng như họa sĩ gốc và người chép.
Còn nhớ vào tháng 2 năm 2011, họa sĩ Văn Thơ đã dùng con dao nhọn rạch vào một bức tranh tại Gallery Viet Fine Arts trên phố Tràng Tiền mà theo tác giả, đó là tranh giả mạo danh ông, một sự giả mạo trắng trợn và đầy thách thức. Vụ việc được chính tác giả bức tranh phát hiện khi đang thả bộ dọc con phố Tràng Tiền để xem tranh, bất ngờ đập vào mắt họa sĩ Văn Thơ bức tranh chép tác phẩm “Ông công nhân già” được bày bán ngay phía trước cửa Gallery Viet Fine Arts. Trước đó, tác phẩm gốc đã được chính ông gửi bán tại Gallery này. Điều đáng nói là đây không phải là lần đầu tiên Gallery Viet Fine Arts bán tranh đạo tác phẩm của ông. Sau đó tuy 2 bên đã hòa giải, phía đại diện Gallery Viet Fine Arts đã xin lỗi và cam kết sẽ không tiếp tục tái phạm nhưng rõ ràng, vụ việc này chỉ là một trong số rất nhiều các vụ xâm phạm bản quyền trái luật đã và đang xảy ra với rất nhiều tác giả, tác phẩm tạo nên sự bức xúc trong giới hội họa và dư luận.
Bức tranh nàng Mona Lisa (tranh thật (ảnh nhỏ) - tranh giả (ảnh to)
Đi xa hơn nữa, đó là vào đầu những năm 90, khách du lịch phương tây khi đến Việt Nam cực kỳ yêu thích tranh “Phố Phái” của Họa sĩ Bùi Xuân Phái. Nhu cầu mua tranh “Phố Phái” tăng đột biến, và những nhà buôn nhanh chóng tìm ra các tác phẩm mà Bùi Xuân Phái không từng vẽ nhưng vẫn mang tên tranh “Phố Phái”. Dù chưa có ghi chép chính xác nhưng có thể thấy các du khách, các nhà sưu tập đã chi những khoản tiền lớn để mua tranh nhái “Phố Phái”, nhưng mặc nhiên không có ai đứng ra chịu trách nhiệm về các sản phẩm giả đó và cũng không có cơ quan đại diện nào đứng ra giúp phân biệt thật giả của bức tranh.
Ngành mỹ thuật bị “đục nước béo cò”
Theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm: Tranh nhái, tranh giả được sao chép, bày bán công khai ở Việt Nam vẫn đang tồn tại. Nếu như người Việt Nam mua tranh, biết đó là tranh sao chép, tranh nhái của các nghệ sĩ nổi tiếng với giá rẻ thì người nước ngoài khi sang Việt Nam mua tranh vẫn được đưa đi mua loại tranh này mà không hề biết bức tranh họ mua thực chất chỉ là hàng giả và mua với giá tiền vài trăm đến vài nghìn đô. Ông cũng bày tỏ quan điểm về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đại đa số chúng ta chưa vì mục đích chung để phát triển thị trường mỹ thuật thật. Nghĩa là dùng tranh thật, mua tranh thật do chính các nghệ sĩ, họa sĩ sáng tạo nên.
Tranh Ông công nhân già, tranh thật (bên trái) -tranh giả (bên phải)
Sở dĩ “tranh nhái” có đất “sống” bởi công tác quản lý nhà nước đối với thị trường mỹ thuật quá lỏng lẻo. Sự lỏng lẻo ở đây được thể hiện rõ qua việc giao dịch mua bán các sản phẩm và tác phẩm nghệ thuật thường không có sự tham gia của cơ quan quản lý về thuế. Thay vào đó, những sản phẩm đáng giá tiền triệu, thậm chí là tiền tỷ được thực hiện trong một thị trường phi kiểm soát mà các nhà kinh tế gọi đó là “thị trường chợ đen”. Ngoài ra, sự thiếu tự giác từ chính tác giả trong việc tránh đăng ký bản quyền cho tác phẩm của mình và nộp thuế cho nhà nước cũng dẫn đến tình trạng “không thể phân xử” trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Hơn thế, việc bán các sản phẩm không qua thẩm định hoặc đăng ký bản quyền khiến cho uy tín tác giả cũng như uy tín của mỹ thuật Việt Nam bị hạn chế trong con mắt các nhà sưu tập, đặc biệt là các nhà sưu tập nước ngoài, những người mong tìm kiếm cái hay, cái mới từ một thị trường tiềm năng như Việt Nam.
Thị trường mỹ thuật non trẻ của Việt Nam bị rơi vào tay những kẻ “đục nước béo cò”. Đó là những kẻ không quan tâm đến uy tín tác giả hay chữ “tín” trong kinh doanh mà chỉ hướng đến mục tiêu trục lợi. Sự trục lợi qua tranh sao chép, tranh nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng… đã làm tổn hại đến thanh danh của những người làm nghệ thuật ở Việt Nam nhưng nguy hại hơn là chúng gián tiếp giết chết niềm tin của công chúng, của khách hàng.
Họa sĩ Lê Quang Đỉnh đưa ra gợi ý, thị trường mỹ thuật thực ra không quá rộng và nhiều người muốn mở Gallery, muốn làm triển lãm nhưng không đủ kinh phí. Vì vậy, nhà nước nên quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ họ bằng cách mở ra những không gian phi lợi nhuận, giới thiệu những họa sĩ và tác phẩm của họ đến với công chúng Việt Nam và cả thế giới. Ngoài ra cần tạo điều kiện quan tâm, chú ý đến những nghệ sĩ, họa sĩ trẻ với những tác phẩm đương đại mới lạ, hấp dẫn.