Thế là đã bước sang tháng Chín. Tháng Chín không dài không ngắn, tinh khôi dịu ngọt đến vô bờ, đến ngỡ ngàng. Tháng Chín dịu dàng, len lỏi vào trong từng con đường, góc phố, chậm nhưng ngân vang. Tháng Chín níu lại tháng Tám đằng sau lưng với giọt nước mắt giữa đêm với những hoài niệm cảm xúc vừa gần vừa xa như không muốn quên không muốn xa….
Ngày ấy, tháng Tám vừa qua, tháng Chín tới, lúa ngoài đồng chưa chắc hạt, kỳ giáp hạt vẫn đeo đẳng, cái đói dường như đã trở nên quen thuộc với bất cứ gia đình nào quê tôi. Đó là khi trong bồ thóc đã vơi già nửa, không còn gạo để chống chọi ròng rã suốt mấy tháng trời trước khi vụ mùa được gặt vào tháng Mười. Lúc này cơm độn trở thành món ăn thường nhật trong bữa cơm của nhiều gia đình. Còn với chúng tôi nó ám ảnh cả trong giấc ngủ. Ngồi bên mâm, bao giờ người đầu tiên cũng là mẹ tôi bưng bát ngô bung lên hít hà ăn ngon lành khiến chúng tôi cứ thế mà theo mẹ. Ngô bung - “đặc sản” của mẹ để lại hoài niệm trong tôi đến tận bây giờ. Nhưng có một kỷ niệm nhớ nhất mà mỗi lần nhắc lại mấy chị em tôi không sao cầm nổi nước mắt. Năm đó, chị cả mới lên mười, tôi lên bốn tuổi, khi mẹ tôi sinh ra em trai, thì bố đi chiến đấu ở chiến trường xa mấy năm liền không tin tức. Một mình mẹ ở nhà chăm chút cho ba đứa con lít nhít vất vả vô cùng. Chiều hôm đó, muộn lắm mà không thấy mẹ về. Em trai tôi đói bụng khóc ngằn ngặt đòi ăn. Ba chị em dắt díu nhau ra tận đầu làng ngóng mẹ mà không thấy. Về nhà, tôi chạy ngay vào bếp lật tung nồi, xoong chẳng kiếm được gì nằm lăn ra khóc. Chị cả thương các em liền đi vào buồng lấy gạo đem ra vo và cho vào nồi thổi. Tôi lăng xăng giúp chị lấy diêm, lấy củi… Cuối cùng nồi cơm cũng chín thì mẹ về. Mẹ mở nắp nồi cơm ra nếm khen ngon và dẻo, khi vào buồng nhòm vào thúng gạo, nét mặt mẹ buồn buồn. “Nào các con, ta ăn cơm thôi!”. Em trai tôi hớn hở chạy tới “vồ” lấy bát cơm ăn ngấu nghiến chẳng kịp mời mẹ. Nồi cơm nóng, hơi bốc lên hương thơm ngào ngạt, đứa nào đứa nấy hít lấy hít để. Bỗng tất cả khựng lại khi thấy mắt mẹ ngấn lệ. Chúng tôi ngạc nhiên nhìn nhau chưa hiểu chuyện gì. Chợt nhận ra ánh mắt ngơ ngác của các con, mẹ vội vàng xoa đầu từng đứa nói: “Mẹ vui đấy mà, các con ngoan quá đã biết thổi cơm giúp mẹ rồi…”. Chúng tôi thở phào rồi và cơm ăn một cách ngon lành. Ngon quá, lâu lắm chị em chúng tôi mới được ăn một bữa cơm ngon đến thế, không phải ăn độn một tí ngô, khoai nào hết. Trưa hôm sau, mẹ đi làm về mang một rổ nào ngô, khoai, sắn, đủ cả. Trưa đến, nhìn mâm cơm độn ngô, tôi thì khóc, em trai lăn ra sân giãy đành đạch đòi ăn cơm trắng. Chỉ có chị cả là cúi mặt lặng lẽ đi vào bếp. Hình như lúc đó chị hiểu chuyện rồi. Còn tôi phải mãi sau này mới hiểu tại sao bữa cơm hôm ấy mẹ lại khóc. Chút gạo ít ỏi đó mẹ phải đi vay mượn mãi mới được. Mẹ để dành chờ bố trở về sẽ được ăn cơm trắng.
Thấm thoát vậy mà cũng đã mấy chục năm qua rồi. Có đi qua cái nghèo cái khổ như chúng tôi ngày ấy mới thấy giáp hạt là thế nào. Hoài niệm về kỳ giáp hạt đến hôm nay chỉ còn trong dĩ vãng: “Bây giờ hết giáp hạt rồi/ Nhớ bổi nhớ hồi nước mắt mẹ rơi!”. Chị em chúng tôi hôm nay đã lớn khôn, trưởng thành. Mỗi lần tháng Chín đến, trời mùa thu xanh trong, nắng Ba Đình mênh mông… tôi lại thắp nén nhang cho bố. Mẹ đứng bên cạnh tôi chắp tay khấn vái, nước mắt lã chã. Tôi khóc ôm lấy mẹ, trước di ảnh bố trong bộ quân phục bạc màu vẫn như đang mỉm cười …