Những ngày tháng Tám, người Hà Nội đi giữa màu cờ đỏ sao vàng phấp phới đón hào quang tháng Tám hào hùng trong nắng gió cách mạng. Tôi chợt nhớ tới bài hát “Có phải em mùa thu Hà Nội” của nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã “chắt” những vần thơ “đắt” nhất của Tô Như Châu cho vào một khuông giai điệu tuyệt đẹp với tiết tấu dàn trải, tự nhiên pha chút hư ảo. Những giai điệu quyện lấy ca từ và định dạng luôn trong tiềm thức của người nghe với những vần thơ rất dễ thấm: “Có bóng mùa Thu thức ta lòng sang mùa/Một ngày về xuôi chân ghé Thăng Long buồn/Có phải em là mùa Thu Hà Nội/Ngày sang Thu anh lót lá em nằm/Bên trời xa sương tóc bay”. Tôi nhớ năm 1995 “Có phải em mùa thu Hà Nội” chính thức ra đời cùng giọng hát của ca sĩ Hồng Nhung khiến lòng người Hà Nội chênh chao. Cứ mỗi khi tháng Tám vừa chạm ngõ, tiếng trống ếch nhịp ba, bốn dập dồn theo điệu múa rồng trên phố, thì dường như trong mỗi người đều bật lên câu hát: “Tháng Tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhỉ”. Tháng Tám, như chiếc đồng hồ thời tiết báo hiệu mùa thu đang đến, trời trong veo, mắt trong veo, lá thu xào xạc rơi....
Ông ngoại tôi khi còn sống kể: cũng giống như nhiều thanh niên miền Nam thời đó, ông rất mê những cô gái Bắc di cư, và đã mơ mộng về mùa Thu Hà Nội. Và hình ảnh của họ đã theo ông vào bảng lảng sương khói mùa Thu cho dù chỉ là tưởng tượng. Ông khẽ hát: “May còn chút em trang sức sông Hồng/Một sáng vào Thu bềnh bồng hương cốm/Đường Cổ Ngư xưa bắt bước phiêu bồng”… nghe ông hát, tôi chợt thấy một sự đồng cảm len lỏi trong lòng. Tôi nhớ lại những năm còn ấu thơ, khi ấy trong xóm có nhiều gia đình người gốc Bắc sinh sống. Tôi thích nghe cái giọng nhẹ nhàng mà ngọt ngào của những thiếu nữ Hà Nội. Đọc văn chương, tôi thường mường tượng đến những thiếu nữ Hà Nội xõa tóc đứng bên hàng dương liễu nói cười. Mùa thu nay trong ca khúc khải hoàn của những người xa xứ chúng tôi cảm nhận một điều hệ trọng nhất ấy là: Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã mở đường đưa dân tộc Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới trong lịch sử của mình: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. “Hà Nội mùa thu, đi giữa mọi người lòng như thầm hỏi: Tôi đang nhớ ai. Sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi. Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi…”. Những câu hát trong bài Nhớ mùa thu Hà Nội của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn gợi nên trong người nghe một nỗi nhớ vừa hiện hữu, vừa vô hình, không hướng về ai cụ thể nhưng hướng về tất cả Hà Nội. Hà Nội giờ đây có chen chúc những tòa nhà cao tầng, hay những mái ngói thâm nâu đã được sửa sang khang trang sạch sẽ thì ấn tượng về một Hà Nội trầm mặc, xưa cũ vẫn không phai mờ trong tâm trí những người gắn bó với nơi đây.
Mỗi độ thu về cùng gió heo may, hương cốm mới, cả một trời ký ức trong lòng những người yêu Hà Nội lại bồi hồi sống dậy. Người đi xa nhớ một Hà Nội trong ảo ảnh, hình dung. Người ở gần nhớ một Hà Nội của dĩ vãng.