Theo bước chân của những người đi mua sắm hàng Tết, tôi bắt gặp nhịp xuân từ Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường đến phố chợ Đồng Xuân rồi rẽ sang Hàng Buồm, Hàng Lược, Mã Mây, Thuốc Bắc … Hàng Tết cứ kìn kìn, nườm nượp đổ về với vải vóc, quần áo, bánh mứt, rượu, thuốc, chè, mộc nhĩ, măng miến, bóng, mực … tràn ngập phố cổ để rồi từ đây, hàng Tết lại tỏa về mọi ngả, mang tín hiệu mùa xuân với niềm vui vào mỗi gia đình.
Những ngày giáp Tết, khu phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường đông chật người mua sắm và tham quan phố cổ. Dạo bước cùng nhiều người đến nơi đây, du khách thỏa thích ngắm nhìn các loại hàng hóa đủ loại được bày bán và đặc biệt cuốn hút bởi mùi thơm ngọt ngào, đậm đà của các loại bánh, mứt, các loại ô mai được coi là đặc sản của phố cổ Hà Nội làm ấm áp lòng người và không gian giá lạnh. Chỉ nói riêng về mặt hàng ô mai được làm từ các loại quả bình dị mang tính đặc trưng của miền Bắc như sấu, mơ, mận, me, mai, trám khế … do bàn tay chế biến khéo léo của các cửa hàng đã tạo nên hương vị độc đáo của nhiều loại ô mai nổi tiếng trong nước và thế giới. Có đến vài chục loại ô mai, có loại ngọt, loại chua, loại mặn, loại chua mặn tạo nên hương vị khác nhau đáp ứng nhu cầu thưởng thức của từng người. Ở Hà Nội có nhiều nơi sản xuất ô mai nhưng người sành thưởng thức vẫn không ngại đường xá xa xôi, vẫn cất công tìm đến các cửa hàng Tứ Xuyên, Tiến Thịnh … nơi phố cổ Hà Nội để mua đúng loại ô mai mà mình yêu thích. Ô mai đã trở thành đặc sản hấp dẫn mọi người- nhất là đàn bà, con trẻ. Ô mai không chỉ được dùng trong ngày thường mà mỗi khi Tết đến càng không thể thiếu được hương vị ô mai trong mỗi gia đình sau những bữa ăn thịnh soạn giàu chất đạm. Kỳ diệu thay, ô mai Hàng Ngang, Hàng Đường Hà Nội đã có sức cuốn hút để theo bước chân người, đến với bạn bè, người thân ở tận phía trời Tây xa thẳm giữa mùa đông lạnh giá. Người Việt xa xứ sẽ cảm thấy ấm lòng hơn khi nhấm nháp quả ô mai thơm sực vị gừng, một miếng mứt khế chua ngọt đầy hấp dẫn mang hương vị quê hương để cảm nhận được mùa xuân quê mẹ Việt Nam dù không gian cách xa hàng ngàn cây số.
Những ngày giáp Tết, chợ Đồng Xuân rực rỡ ánh đèn, rực rỡ sắc màu trong sự chộn rộn, náo nức của những người đi sắm Tết. Tiếng chào mời, tiếng nói cười của người mua, kẻ bán tạo nên những âm thanh ồn ã nơi phố chợ nhưng đem lại niềm vui ấm áp đối với mọi người. Khu chợ cổ chứa trong lòng nó biết bao nhiêu những mặt hàng đặc sản phong phú, đa dạng được đem đến từ miền núi, miền biển từ khắp các vùng đất nước để sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu ẩm thực qua mâm cỗ cúng truyền thống trong ngày Tết của các gia đình Hà Nội giàu bản sắc văn hóa.
Người đi mua sắm trong dịp cuối năm ở phố cổ còn quan tâm đến vấn đề văn hóa tâm linh. Việc thắp nén tâm nhang nơi Đền, Chùa, Miếu mạo, việc cúng lễ Thần, Phật, cúng giỗ Tổ tiên nhân đầu năm mới là công việc không thể thiếu để cầu mong quốc thái, dân an, cầu mong cho mọi người có cuộc sống no ấm, an khang, thịnh vượng. Vì thế, việc lựa chọn, sắm sanh những đồ lễ, đồ thờ được mọi nhà quan tâm và địa chỉ cần đến là phố Hàng Mã quen thuộc. Tại nơi đây, một dãy dài nhiều cửa hàng được trang trí lộng lẫy, bày bán đủ các mặt hàng phục vụ cho ngày Tết từ các loại hoa được làm tinh xảo bằng các chất liệu giấy, ni lon, vải lụa … giống như hoa thật đến các mặt hàng dùng cho việc cúng lễ như tranh thờ, hương hoa, đèn nến, vàng mã … mà gia đình nào cũng phải có.
Những ngày giáp Tết, phố cổ Hà Nội rực rỡ sắc màu của những băng rôn, khẩu hiệu chào mừng năm mới, của những chậu hoa tươi đủ loại được trang trí trước cửa mỗi nhà, dọc theo hè phố. Một dòng người đông vui, tản bộ trên đường, các cửa hàng tấp nập người mua sắm với nét mặt vui vẻ, rạng rỡ. Cứ nhìn vào cung cách sắm tết cũng thấy được đời sống sinh hoạt của người Hà Nội nay đã khá giả hơn nhiều. Những túi hàng Tết mà nhiều người xách trong tay, nào bánh kẹo, nào mứt, nào rượu, nào chè … được đóng gói, trang trí thật đẹp mắt, lịch sự. Đây là những món quà Tết đầy yêu thương gửi tới người thân, bạn bè thật có ý nghĩa nhân đầu năm mới.
Xuân đang đến gần trong lòng phố cổ. Mặc dù tiết trời còn lạnh giá nhưng những cành đào sớm đang hé nụ được người trồng hoa từ Ngọc Hà, Nhật Tân mang vào trung tâm thành phố như khúc dạo đầu cho mùa xuân Hà Nội, như báo trước một chợ hoa truyền thống rực rỡ sắc màu tại Cống Chéo Hàng Lược vào đúng ngày lễ ông Công, ông Táo về trời.
Hà Nội đã về chiều nhưng phố cổ vẫn tấp nập, rộn ràng bước chân người mua sắm để đón mừng một mùa xuân đang đến, một năm mới tràn đầy niềm vui và hy vọng. Nhìn nét mặt tươi vui của mọi người, nhìn các cháu nhỏ tung tăng cùng cha mẹ đi mua sắm Tết, từ trong sâu thẳm của lòng mình, tôi thực sự tự hào vui sướng về một nét đẹp văn hóa có từ lâu đời của người Thăng Long - Hà Nội.