Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc phải triển khai ở các cấp học. Việc đưa nội dung giáo dục địa phương vào Chương trình giáo dục phổ thông góp phần gìn giữ bản sắc, giáo dục giá trị tốt đẹp của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Mỗi chủ đề trong tài liệu giáo dục địa phương được thiết kế theo từng bài học cụ thể, thông tin chính xác, khoa học, gần gũi, dễ hiểu, giúp học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế-xã hội... trên địa bàn mình sinh sống.
Với mục tiêu biên soạn Bộ tài liệu giáo dục địa phương mang đặc trưng của Hà Nội, có nội dung phù hợp với học sinh tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và nhóm tác giả bộ tài liệu này đã hướng dẫn giáo viên Trường tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình) dạy thực nghiệm hai vòng bài Thăng Long tứ trấn, tài liệu Giáo dục địa phương cho học sinh lớp 3. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm đánh giá mức độ nắm bắt nội dung, sử dụng phương pháp dạy học của giáo viên, tiếp thu kiến thức của học sinh trong thực tiễn, mức độ kiến thức, tính sư phạm, tính khoa học của tài liệu, đồng thời thực nghiệm các hoạt động được tổ chức trong giờ học.
Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho biết, đây là hoạt động nhằm thực hiện Kế hoạch số 274/KH-UBND ngày 31/12/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về tổ chức biên soạn và thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 trên địa bàn thành phố.
"Nếu như ở vòng dạy thực nghiệm thứ nhất vừa qua, cô Nguyễn Thanh Lan, giáo viên Trường tiểu học Hoàng Diệu thực hiện tiết dạy thực nghiệm sách giáo dục địa phương theo hướng một tiết dạy độc lập, thì ở vòng thử nghiệm thứ hai, cô Lan đã thực hiện dạy bài Thăng Long tứ trấn theo hướng tích hợp, lồng ghép trong nội dung của môn học hoạt động trải nghiệm, bài quê hương em tươi đẹp...", ông Lê Đức Thuận thông tin.
Ở vòng dạy thực nghiệm lần thứ hai, tiết dạy của cô Nguyễn Thanh Lan được đánh giá cao về công tác chuẩn bị cũng như việc áp dụng sáng tạo, hiệu quả các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Qua đó, giúp cho tiết học phong phú, gần gũi, phát huy sự sáng tạo và tạo hứng thú học tập cho học sinh.
Tại Hà Nội, nhiều trường học đã và đang triển khai nhiều hoạt động giáo dục địa phương căn cứ theo những đặc thù văn hóa, lịch sử nơi nhà trường hoạt động. Mới đây, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không", Trường trung học cơ sở Ba Đình (quận Ba Đình) đã tổ chức cho các em học sinh tham quan giáo dục truyền thống lịch sử tại Bảo tàng Chiến thắng B52 nằm ngay tại địa bàn quận.
Buổi học tập giáo dục truyền thống đã giúp các em hiểu rõ hơn những hy sinh của thế hệ đi trước cho nền hòa bình, độc lập hôm nay. Thông qua buổi học ngoại khóa đó, các em học sinh biết ơn, trân trọng những anh hùng dân tộc, nuôi dưỡng thêm tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
Chia sẻ về việc triển khai tiết học này trong Trường trung học cơ sở Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình), cô giáo Nguyễn Ngọc Dung, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhà trường luôn chú trọng việc tổ chức các chương trình mang tính giáo dục những giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh. Những nội dung này được giáo viên tích hợp hoặc sử dụng trong dạy các môn học ở khối lớp.
Không dừng lại ở việc giảng dạy trên bục giảng, giáo viên còn kết hợp các giờ ngoại khóa nhằm giúp học sinh thêm thích thú, hăng say học tập, từ đó, khơi dậy trong các em ý thức giữ gìn, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống". Nhà trường luôn quan tâm tới các ngày lễ lớn của dân tộc và tổ chức nhiều hoạt động đan xen như tham quan, hội chợ, sân khấu hóa… nhằm giáo dục truyền thống cho học sinh.
Chia sẻ về ý nghĩa của những bài học này, đại diện học sinh của trường cho biết, so với các ngày lễ của nước ngoài như Noel, Halloween, em thấy những ngày Tết truyền thống của Việt Nam thú vị và nhiều ý nghĩa hơn.
Có thể thấy, trong xu thế hội nhập, thì việc gìn giữ, duy trì bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam càng cần được chú trọng. Điều quan trọng là các nhà trường cần giúp các em học sinh được học, được quan sát từ thực tế ngay tại nơi mình sinh sống, học tập.
Từ thực tế để các em nhận thức được ý nghĩa và trách nhiệm gìn giữ, phát huy của bản thân mình với truyền thống văn hóa, lịch sử nước nhà. Văn hóa truyền thống cần trở thành nền tảng trong giáo dục đạo đức cho học sinh, là hành trang quý giá cho thế hệ trẻ trong quá trình hội nhập với thế giới.