* Xin nghệ sĩ chia sẻ đôi nét về con đường nghệ thuật mà ông theo đuổi?
- Tôi thích hát từ hồi học phổ thông. Tốt nghiệp THPT, tôi thi đỗ vào trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (Khoa Ngữ Văn) nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Học chưa được bao lâu, tôi theo tiếng gọi của miền Nam lên đường chống Mỹ cứu nước và năm 1972, tôi là lính lái xe tải của đoàn 559 ở Trường Sơn. Trong những lần chở nhu yếu phẩm cho chiến trường từ Nghệ An vào Quảng Trị, lúc nào trong cabin của tôi cũng có cây guitar để giữa các chặng hành quân, tự đệm và hát những tiết mục “cây nhà lá vườn” phục vụ anh em đồng chí theo yêu cầu.
Sau thời gian này tôi được điều về đơn vị 305 ở Xuân Mai (Sơn Tây) học trinh sát và vẫn thường xuyên ca hát. Sau một đợt hội diễn của tỉnh Hà Tây tôi đã đoạt Huy chương Vàng và được mời về làm diễn viên Đoàn Ca múa nhạc Hà Tây. Rồi tôi trúng tuyển vào học thanh nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam, ra trường công tác tại Đoàn Ca múa Thăng Long Hà Nội. Đến năm 1981, về Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) cho tới lúc nghỉ hưu. Tôi được phong tặng danh hiệu NSND năm 2007.
* Để đạt được danh hiệu NSND chắc chắn ông đã phải nỗ lực rất nhiều, ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Lúc mới vào trường nhạc, tôi còn nói ngọng toàn hát: “Chào em cô gái Nam Hồng”. Thầy Dương (NSND Quý Dương) rất bực bảo tôi: “Giọng hát dù có tốt đến đâu nhưng nói ngọng thì chẳng ai thèm nghe”. Thế là ngoài giờ luyện của thầy, tôi cũng phải tự học, tự rèn cách phát âm nhả chữ trong khi hát cho tròn vành rõ tiếng. Lúc đầu, ngồi nghe đài hát vo theo mà nhạc lý chẳng biết tí gì. Sau được các thầy chỉ bảo tôi mới vỡ dần. Rồi tôi tự mày mò học thêm piano. Tập mãi mới được như bây giờ. Để được phong tặng danh hiệu NSND, tôi đã phải tu dưỡng, rèn luyện cả về chuyên môn và tư cách sống. Tôi rất biết ơn những người thầy của mình, đặc biệt là NSND Quý Dương và GS. NSND Trung Kiên đã dìu dắt tôi từ ngày đầu đến tận bây giờ.
* Đã nhiều lần đi hát phục vụ bộ đội ở khắp mọi miền Tổ quốc, ông có thể chia sẻ kỷ niệm mà ông nhớ nhất trong những chuyến đi này?
- Năm 2004, tôi là Trưởng đoàn của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cùng đại diện nhiều ban ngành, đoàn thể được vinh dự ra đảo Trường Sa. Hồi đó, cả đoàn say sóng rũ rượi trừ tôi. Lên đến đảo Trường Sa Lớn, khi anh chị em trong đoàn chưa khỏe lại, một mình tôi đứng giữa trời biển bao la hát cho lính đảo nghe. Các chiến sĩ cổ vũ nhiệt tình làm tôi vô cùng sung sướng và hạnh phúc. Cảm giác ấy suốt đời tôi không thể nào quên.
* Ông có nghĩ rằng các ca sĩ trẻ hát dòng nhạc đỏ hiện nay như Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn… có thể kế tục và thay thế những giọng hát gạo cội của nền âm nhạc cách mạng trong đó có ông?
- Trong dòng chảy âm nhạc, nhạc cách mạng được coi là dòng nhạc chính thống với các ca khúc hừng hực khí thế và nhiều thế hệ đã sống, cống hiến cho đất nước bằng mạch nguồn âm nhạc ấy. Tôi rất mừng khi có các ca sĩ trẻ vẫn yêu thích và thể hiện thành công dòng nhạc cách mạng. Nhưng, mỗi ca sĩ đều có phong cách riêng của mình. Tôi đã cùng với những cô gái, chàng trai đôi mươi căng tràn sức sống mang sức trẻ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Giữa bom rơi, đạn nổ, sự sống và cái chết cách nhau trong giang tấc, tôi chứng kiến nhiều đồng đội của mình anh dũng hy sinh… Có lẽ bởi điều đó, nên khi hát những bản tình ca về người lính, tôi cảm thụ âm nhạc sâu sắc hơn và luôn gửi gắm vào đó cả nỗi niềm riêng cho những người đã ngã xuống nơi chiến trường, hát bằng cả trái tim mình để chuyển tải đến người nghe cái “hồn”của những ca khúc đi cùng năm tháng. Có thể nói, các ca sĩ trẻ này đang tiếp nối chúng tôi để tôn vinh cho dòng âm nhạc cách mạng.
* Là nghệ sĩ nhưng ông cũng tham gia công tác giảng dạy và có những học trò khá thành danh, trên cương vị nhà giáo, ông thường dạy học trò của mình những gì?
- Ngoài bồi dưỡng cho các em những kiến thức chuyên môn, sau giờ học chúng tôi thường ngồi lại trò chuyện với nhau. Tôi tâm sự với các em về tư cách đạo đức, tác phong của một ca sĩ chuyên nghiệp… phải có tính nguyên tắc, kỷ luật cao và luôn rèn luyện không tự cho phép mình "nghỉ ngơi" vì với nghề hát, ngừng rèn luyện là tự đóng cánh cửa thành công của mình lại. Tôi cũng khuyên các em nên trau dồi kiến thức (nhất là văn học) bởi khi thể hiện một bài hát phải hiểu sâu về nó, hát bằng cả trái tim mình. Chính sự nhân văn trong những trang sách, trang đời sẽ tạo cho nghệ sĩ một nền móng vững chắc trong cảm thụ âm nhạc để truyền tới khán giả thì mới đi vào lòng người nghe.
* Ông đã sáng tác và phổ nhạc một số ca khúc như “Em đi chùa Hương” (thơ Nguyễn Nhược Pháp), “Chân quê” (thơ Nguyễn Bính), “Gọi em” sáng tác dựa trên giai điệu khan Tây Nguyên đã nhận được Huy chương Vàng trong Hội diễn ca nhạc toàn quốc năm 1996 ở Cần Thơ... Ông có nhận xét gì về ca từ của nhiều bài hát được các nhạc sĩ trẻ sáng tác trong giai đoạn hiện nay?
- Tôi không phủ nhận thành công ở một số bài hát được yêu thích của vài nhạc sĩ trẻ. Song những ca khúc như vậy chưa nhiều, phần lớn “ăn xổi ở thì”, nghe gượng gạo, trần trụi đến phát sợ. Viết về tình yêu tại sao cứ phải gào lên những ca từ sáo rỗng, hời hợt?. Trong bài hát “Tình em” của cố Nhạc sĩ Huy Du (phổ thơ của Ngọc Sơn) có viết: “Khi chiếc lá xa cành, lá không còn màu xanh, mà sao em xa anh đời vẫn xanh rời rợi…”, lời ca hết sức trong sáng, giản dị không cần dùng một chữ “yêu” nào mà người nghe vẫn cảm nhận được sự da diết, nồng nàn, đắm say của tình yêu đôi lứa…
* Được biết, ông có một gia đình rất hạnh phúc, ông có thể bật mí một chút về tổ ấm của mình?
- Tôi may mắn có người bạn đời hiểu và chia sẻ với tôi những ngọt bùi, đắng cay của cuộc sống. Tôi luôn để các con tự chọn con đường đi và sự nghiệp của mình. Các con tôi đều hát rất hay nhưng không thích theo nghiệp ca hát. Chỉ có cô con gái út cũng học thanh nhạc và giờ đang học đạo diễn ở Trường Sân khấu Điện ảnh.
* Quan điểm sống và những dự định sắp tới của ông?
- Tôi luôn hài lòng với những gì mình có, lạc quan, yêu đời, tâm hồn phơi phới như tuổi đôi mươi. (Cười) Nói thật tôi chẳng hề thấy mình già, có khi còn trẻ trung hơn khối thanh niên bây giờ. Tôi cũng thích rèn luyện thể dục thể thao vì sức khỏe là vốn quý nhất trên đời.
Tôi sẽ còn tiếp tục hát đến khi nào có thể và sẽ học thêm về sáng tác để thể hiện khát khao và niềm đam mê của mình.
* Xin cảm ơn ông!