Ảnh tư liệu
Giữa năm 1974, anh chị em ở đoàn 59- biệt danh của một đơn vị sơ tán của Đài Tiếng nói Việt Nam ở nước ngoài trở về 58 Quán Sứ, Hà Nội. Sau 2 năm đi xa, anh em cùng cơ quan lại được sum họp bên nhau. Căn phòng trên tầng ba khu nhà phía bên trái nhìn từ cổng vào là nơi làm việc của anh em biên tập các buổi phát thanh “Thành thị miền Nam”, “Nông thôn miền Nam”, “Binh địch vận”... Anh Trương Phú Xuân, người Quảng Nam hay rủ tôi lên phòng làm việc với các anh Tạ Hữu Yên, Nguyễn Thành, Huy Sô, Văn An… Ai viết được tác phẩm mới là đọc và hát cho mọi người cùng nghe. Sau khi nghe anh Tạ Hữu Yên đọc xong bài thơ “Cảm xúc tháng Mười” thì cả hai anh Văn An và Nguyễn Thành đều giành lấy phổ nhạc. Anh Trương Phú Xuân bèn đề nghị bốc thăm và ai thắng sẽ được phổ nhạc cho bài thơ này. May mắn thuộc về anh Nguyễn Thành. Biết tôi thân với nghệ sĩ Kiều Hưng nên sau khi phổ nhạc xong, nhạc sĩ Nguyễn Thành gửi tôi bản thảo bài hát “Cảm xúc tháng Mười” để đưa đến cho Kiều Hưng tập trước chờ ngày thu thanh. Tối chủ nhật sau đó, nhạc sĩ Triều Dâng, Nguyễn Thành và tôi cùng Kiều Hưng có mặt ở phòng thu lớn ở 58 Quán Sứ.
“Không thể nói trời không trong hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường. Khi đoàn quân kéo về mùa Thu ấy/ Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường…”. Ngày 10/10/1954, chúng ta tiến về giải phóng Thủ đô. Đoàn quân chiến thắng cùng cán bộ, đồng bào ra đi từ ngày nổ súng “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” (19/12/1946), sau 8 năm kháng chiến gian khổ đã trở về phấp phới cờ đỏ sao vàng, trong vòng tay ấm áp của nhân dân Hà Nội giữa một ngày nắng đẹp đầy hoa, tạo nên nhiều cảm xúc khó quên. Nhà thơ cũng như nhạc sĩ của “Cảm xúc tháng Mười” không muốn làm công việc tả cảnh đón mừng vốn dĩ đã là một cảnh tượng huy hoàng, nhộn nhịp. Bởi khi hồn thơ lắng đọng thì nét nhạc, lời ca cũng thể hiện tâm tình. Ngày trở về tuy vẫn còn trong độ tuổi thanh xuân nhưng cái sôi nổi của tuổi trẻ đã nhường lại cho sự xúc động đi vào chiều sâu, sự tôi rèn trong gian khổ, trong chiến đấu và chan chứa niềm tự hào.
Vượt lên hàng đầu là các mẹ mong tìm thấy con mình trong đoàn quân chiến thắng. Nét nhạc ở đây càng sâu lắng, ấm áp chân tình, lắng đọng và xao xuyến. “Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt/ Xốn xang mẹ thầm gọi các con/ Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ/ Nghe niềm vui ấm cả tâm hồn”. Bao nhiêu kỷ niệm, ký ức ngày nào lại hiện về. Đó là cái đêm rút lui khỏi vòng vây quân giặc để bảo toàn lực lượng. Cuộc rút lui với bao người ra đi, trong đó có cả bà mẹ bế đứa con mới sinh ra trong lửa khói vượt qua gầm cầu Long Biên lặng lẽ, trong lúc trên mặt cầu đèn vẫn rực sáng và từng tốp quân giặc vẫn đi lại tuần tra mà không hề hay biết. Cái đêm rút lui thần kỳ ấy đã để lại niềm tin hát khúc khải hoàn. “Đêm, cái đêm rút qua gầm cầu/ Anh, anh đã hẹn ngày mai trở lại/ Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi/ Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca…”. Mùa Thu trong xanh, năm cửa ô Hà Nội rộng mở đón đàn con trở về. Nhịp điệu âm nhạc đã nhanh hơn, rộn ràng hơn. Nó chuyển động như nhịp thở của thơ khi còn vương vấn những xúc cảm của ký ức và cảm xúc như được nhân đôi trong lâng lâng và say đắm: “Một sớm thu trong đất thắm sao vàng/ Năm cửa ô xòe năm cánh rộng/ Đoàn quân về nhấp nhô như sóng/ Những ngôi nhà đường muốn cao thêm/ Tháng Mười ấy là khúc ca xanh/ Khúc ca mở những chiến công đầy…”.
Đã 42 năm kể từ ngày Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi trên sóng ca khúc “Cảm xúc tháng Mười”, thơ gọi nhạc, nhạc gọi thơ, những cảm xúc chân thành và lắng đọng của hai tác giả: nhà thơ Tạ Hữu Yên và nhạc sỹ Nguyễn Thành - những anh bộ đội Cụ Hồ luôn chiếm được cảm tình của hàng triệu triệu trái tim người dân đất Việt.
Những ngày cuối thu này tôi nhớ đến nhạc sĩ Nguyễn Thành (1930-2002) quê ở Hà Nam, người nổi tiếng với hai ca khúc “Qua miền Tây Bắc” và “Cảm xúc tháng Mười”. Nhớ đến nhà thơ- nhà báo - đại tá Tạ Hữu Yên (1927- 2013) quê ở Ninh Bình – người nổi tiếng với hàng trăm bài thơ được phổ nhạc. Hai cuộc đời người lính hòa nhịp với nhau cho ta một ca khúc “Cảm xúc tháng Mười” sống mãi trong lòng người nghe mỗi khi tháng Mười về.