Hào hứng khi đi, thất vọng khi về
Hầu hết ở các festival, người dân và du khách cảm thấy thất vọng khi không cảm nhận thấy sự hoành tráng như ban tổ chức đã “vẽ” ra. Festival Huế dù tổ chức nhiều kỳ nhưng chưa thực sự để lại ấn tượng mạnh tới du khách. Chương trình Lễ hội đường phố diễn ra, người dân chỉ “biết ngó” vì thấy lạ thì xem mà không có ai giải thích để hiểu văn hóa dân tộc các nước trên thế giới. Chương trình nghệ thuật trong nước cũng rơi vào cảnh “chợ chiều” vì nhạt nhòa, kém hấp dẫn. Chương trình nghệ thuật dàn dựng rất cầu kỳ nhưng bị sân khấu hóa, nhộn nhạo, thiếu bản sắc. Các tiết mục na ná nhau. Sự luẩn quẩn của các kịch bản rực rỡ màu sắc bên ngoài, mà thiếu hụt chất lượng nội dung bên trong. Có những chương trình chỉ đông đúc vào ngày đầu mà không còn khán giả đến vào ngày sau.
Festival Hoa Đà Lạt cũng làm cho du khách kém mặn mà. Chưa tới giờ khai mạc mà ở những không gian trang trí, những bông hoa héo rũ, tàn tạ. Điểm nhấn của festival là lễ hội đường phố hoa và ánh sáng. Vậy nhưng, chúng khiến nhiều người thất vọng. Tìm mỏi mắt suốt thời gian diễn ra lễ hội đường phố vẫn chẳng thấy ai trình diễn nghề thủ công truyền thống như ban tổ chức đã hứa hẹn. Chợ đêm thời trang xứ lạnh lộn xộn với đủ loại hàng hóa, từ áo len đến quần áo cũ… được bày trên những tấm ni lông trải trên nền đất, tiếng rao hàng inh ỏi không khác gì những khu chợ trời. Chúng chẳng khác gì lễ hội… “Tả pín lù”. Còn nhớ, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 3, không gian hoa trên đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt chỉ lèo tèo vài cụm hoa héo; triển lãm hoa quốc tế thì toàn đá cảnh; phiên chợ hoa luộm thuộm và nhếch nhác, một giải golf mở rộng nhưng lại chỉ dành cho giới quan chức tham gia! Đêm khai mạc, chỉ có 60% lượng khách mời được dự, còn lại đều bị lực lượng an ninh ngăn cản không cho vào chỉ vì lý do rất đơn giản: hết ghế ngồi… Không chỉ du khách, cả người dân địa phương cũng tỏ rõ sự thất vọng của mình. Ngoài sự yếu kém trong khâu tổ chức, sự thất vọng vẫn còn tiếp diễn sau vài ngày bế mạc, không còn một chậu hoa nào để người dân và du khách thưởng ngoạn như một lời chia tay với thành phố ngàn hoa.
Lễ khai mạc Festival cầu Long Biên 2010 thưa thớt và ảm đạm. Nguyên nhân khiến người dân thờ ơ với festival này là sự tẻ nhạt và yếu kém trong khâu tổ chức. Trên cây cầu nối 3 thế kỷ, được bài trí rất sơ sài những bức ảnh được in trên pano, được chằng buộc đơn giản tại đầu cầu phía Hà Nội. Phần chiều dài còn lại kéo dài tới tận đầu kia phía Gia Lâm thì còn giản tiện hơn với việc dựng những khung tranh vẽ thiếu nhi để lấp chỗ trống. Quốc kỳ các nước được cắm trên các… cọc tre ở giữa cầu (đoạn cầu mất nhịp) đã bị gió cuốn bay xuống sông Hồng khá nhiều. Tệ hơn, tấm vải trắng để ghi lại cảm xúc của những người tham dự lễ hội thì ngoài những dòng lưu bút chân thành thể hiện tình yêu với Hà Nội xuất hiện nhiều nét vẽ bậy lẫn lời… tỏ tình của các nam thanh nữ tú.
Festival Thuyền buồm Quốc tế nhưng chỉ có 21 chiếc tham gia. Sự đơn điệu này thể hiện ngay sau lễ khai mạc, các đoàn vận động viên điều khiển thuyền lượn lờ trên biển chỉ nhằm phục vụ công tác tuyên truyền chứ không thể hiện chút nghệ thuật nào. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, chương trình dành quá nhiều thời gian cho các bữa tiệc tùng, chiêu đãi, đến nỗi nhiều người cứ ngỡ là ban tổ chức đã… quên sự kiện chính! Thậm chí, chương trình biểu diễn thuyền buồm chỉ luẩn quẩn ở khu vực Mũi Né - Hàm Tiến chứ không vào cảng Phan Thiết như đã quảng bá trước đó, một số nội dung cũng bị ban tổ chức lược bỏ.
Một điểm “chết” của những festival là ở buổi khai mạc có sự “góp mặt” của các bài diễn văn dài lê thê với đầy đủ các loại thưa gửi, kính gửi làm người nghe sốt ruột, ngán ngẩm. Festival mất bản sắc là do sự tham gia của các công ty tổ chức sự kiện. Họ được coi là thủ phạm của tình trạng sân khấu hóa lễ hội, khiến người dân bị bội thực bởi hàng loạt lễ hội với kịch bản na ná nhau. Không ít festival khiến du khách “hào hứng khi đi, thất vọng khi về”.
Hiện nay, các festival “trăm hoa đua nở” ở các địa phương. Mục tiêu quan trọng mà ban tổ chức các festival luôn đặt ra là quảng bá được hình ảnh, thương hiệu sản phẩm văn hóa rất riêng của mình, thu hút khách du lịch, tạo thu nhập cho người dân, qua đó phát triển kinh tế địa phương. Tốn kém hàng chục tỉ đồng nhưng lợi ích mang lại chẳng là bao, thậm chí không có. Đại diện ban tổ chức (xin giấu tên) than thở: “Chi phí một festival hết 40 tỉ đồng bằng ngân sách và xã hội hóa. Bao nhiêu hoạt động, sự kiện, chương trình nghệ thuật được “bày” ra để đón du khách. Chi phí nhiều, thời gian, sức lực bỏ ra không ít, nhưng lượng người đến chỉ bằng 1/8 dự kiến ban đầu. Vị đại điện này cũng thừa nhận với cách tổ chức nghiệp dư, manh mún, cẩu thả như hiện nay, du khách quay lưng với các festival là điều dễ hiểu.
Không nên “đặt hàng” làm festival
Việt Nam có rất nhiều festival nhưng ít festival thành công bởi vì thiếu sự tham gia tự nhiên của cộng đồng. Một số festival còn mơ hồ về mục tiêu, ý tưởng xa vời, thiếu tính thực tế và việc sân khấu hóa truyền thống một cách thô vụng đã làm lễ hội trở nên nhàm chán. Vì vậy, chúng không được mọi người hưởng ứng.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho rằng, việc các địa phương sẵn sàng bỏ công sức và tiền của để tổ chức festival nhằm quảng bá thương hiệu cho mình là điều tốt, nhưng cốt yếu phải có sự cân nhắc, chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp từ ý tưởng đến khâu tổ chức để thu hút sự chú ý của người dân, du khách. Không nên bắt đầu bằng những chủ trương làm “sự kiện” hoặc “kỷ niệm” và nhất là không nên “đặt hàng” làm festival. Lễ hội nào không được sự cộng hưởng từ người dân, du khách thì lễ hội đó sẽ lu mờ dẫn đến thất bại hoàn toàn. Cần chú ý đời sống văn hóa hàng ngày của cộng đồng dân cư thay vì tổ chức những festival hoành tráng mà người dân, du khách lại… thờ ơ.