Đại tá Đinh Thế Văn
Làng rối nước Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) xuất hiện cách đây trên 300 năm và con cháu của làng vẫn giữ “nghề” truyền thống này từ bấy đến giờ. Cha ông Đinh Thế Văn là cụ Đinh Văn Viết, một “ông bầu” của làng múa rối nước Đào Thục, sinh thời có dặn con trai, lúc ông Văn còn tại ngũ: “Nếu sau này con về hưu mà còn mạnh khỏe, con nên tiếp tục truyền thống rối nước của làng, đừng để mai một mà có lỗi với ông bà”. Năm 1990, vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 tên lửa anh hùng, người trực tiếp chỉ huy đơn vị “vít cổ” hơn hai chục siêu pháo đài bay B52 của Hoa Kỳ vào 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Về đời thường, bàn tay cầm súng bao năm giờ đây lại bắt đầu làm quen với những con rối quê mình. Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ một lần nữa tỏa sáng trong ông. Cùng với các nghệ nhân và các vị trưởng bối trong làng, ông dành thời gian đi gặp gỡ nhân dân, chính quyền địa phương và các cơ quan, đoàn thể những mong tìm cách phục dựng lại nghề tổ. Làng Đào Thục chỉ cách trung tâm Hà Nội 30 cây số nhưng thuộc “vùng sâu vùng xa”, bởi bùn lầy đã vây lấy làng, mỗi mùa mưa đến đường làng quá lầy lội. Khó khăn là vậy nhưng ánh đèn để diễn rối nước nơi thủy đình của làng Đào Thục thì chưa có năm nào tắt. Ông Văn nghĩ, rối nước với các vở cũ ngày một “mòn” nên đã cùng một số nghệ nhân của làng bàn nhau sáng tác ra vở mới. Có lẽ, trận đánh B.52 năm nào vẫn còn “cựa quậy” trong người lính già này nên ông đã đưa trận đánh B.52 lên sân khấu rối nước. Nhưng mỗi lần diễn rối nước, ban tổ chức lại phải chạy vạy gõ cửa khắp làng để xin “tài trợ”, nuôi diễn viên. Làm như thế sẽ không bền chặt. Nghĩ vậy, ông Văn lại ra Hà Nội gõ cửa Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, gặp Giáo sư Hoàng Chương – Giám đốc Trung tâm – một người rất “máu” với vốn văn hóa cổ truyền. Giáo sư Chương về Đào Thục cùng ông Văn để xem “Đánh B.52” và rất tâm đắc. Sau chuyến đi đó, hễ có đoàn khách nước ngoài nào “mê” văn hóa truyền thống của Việt Nam, GS Chương lại dẫn về Đào Thục để thưởng lãm. Dần dà, các tour du lịch cũng đưa rối nước Đào Thục vào chương trình của họ. Thế rồi, con đường làng lầy lội năm nào đã thành con đường nhựa bon bon cùng với hệ thống điện chiếu sáng kéo về đến tận thủy đình vừa mới tân trang, tất cả đều được nhà nước đầu tư xây dựng.
Cả làng Đào Thục bắt tay vào làm du lịch, quảng bá các sản phẩm mộc dân dụng do những người thợ lành nghề chế tác. Phường rối xây dựng website riêng để bạn đọc xa gần biết tiếng, đầu tư thêm hai thủy đình di động để đi biểu diễn ở những nơi xa. Lưng vốn của Đào Thục hiện nay đã có hơn 20 nghệ sĩ nông dân, ngày làm kinh tế, tối dầm mình trong nước lạnh với bảy sắc cầu vồng sân khấu rối, với 30 tích trò có dấu ấn riêng biệt, không trộn lẫn với các phường rối khác như: "Ba khí giáo trò", "Lên võng xuống nước", "Trâu chui ống", "Phùng đánh hổ", "Dệt cửi"... Và gần đây là các tích trò được tập thể giáo phường dàn dựng như: "Tặng hoa ngày hội", "Rước ảnh Bác Hồ", "Hà Nội 12 ngày đêm"... Dù còn nhiều khó khăn, song phường rối Đào Thục vẫn đang là một trong số hiếm những phường nghề bước đầu sống được và bảo vệ được vốn văn hóa dân gian cổ truyền.
Năm 2013, Đại tá Đinh Thế Văn được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cũng trong năm đó, ghi nhận công lao của Đại tá, Anh hùng Đinh Thế Văn với văn hóa nghệ thuật dân tộc, Hội đồng Giải thưởng Ðào Tấn đã quyết định trao tặng giải thưởng cao quý này cho ông. Bước sang tuổi 80, song Anh hùng - Nghệ nhân Đinh Thế Văn vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn, sống khiêm nhường, giản dị. Từ trái tim đến với trái tim, từ tấm lòng đến với tấm lòng, tâm huyết, nghị lực của người anh hùng đã cùng người dân Đào Thục vượt qua thử thách, đạt được những ước mong.