Ảnh minh họa
"Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương
Mắt ngời châu rung ánh sáng Nghê Thường"
Ai có thể cầm lòng mà không bâng khuâng, ngây ngất trước người con gái Việt có vẻ đẹp tự nhiên mê hồn như thi sĩ Bích Khê ngẫu cảm? "Sắc nước hương trời" của người đẹp vừa là ân huệ Tạo hóa ban cho (trong đó có gen trội di truyền từ cha mẹ, dòng tộc) vừa là sự biết cách chăm sóc, nâng niu... Làn da nõn nà, mịn màng và thơm hương tuổi trẻ của người đẹp là yếu tố dễ gây ấn tượng cho những ai có dịp tiếp xúc, chiêm ngưỡng.
Độc đáo nghệ thuật tắm hơi bằng hương thơm
Từ xa xưa người đẹp Đại Việt đã sớm phát hiện và sử dụng phương thức tắm hơi bằng hương thơm để dung dưỡng nhan sắc, tăng cường sinh lực và còn tạo thêm sự hấp dẫn quyến rũ nồng nàn trong khi ân ái... Chuyện tắm gội ấy đã trở thành nghệ thuật độc đáo trong thời đại xây dựng nền độc lập tự chủ Tiền Lê. Những người khởi xướng tắm hơi bằng hương thơm- một loại hình nghệ thuật độc đáo lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử văn hóa Đại Việt chính là Đô Hồ phu nhân (còn gọi là Bà Chúa Hến) và vua Lê Đại Hành. Làng Tó (huyện Thanh Trì- Hà Nội) là nơi sinh ra và bao đời nay còn duy trì lễ tắm tượng (lễ mộc dục) vua Lê Đại Hành và tượng Đô Hồ phu nhân như một thứ tín ngưỡng thiêng liêng trong dịp lễ hội truyền thống đầu Xuân. Sau khi rước tượng và bài vị vua Lê Đại Hành và tượng Đô Hồ phu nhân từ đình Hoa Xá đến đền Bà Chúa Hến thì đến 10 giờ đêm (giờ Hợi) dân làng tiến hành lễ tắm tượng bằng nước thơm. Các tráng đinh khiêng 2 chiếc chóe cổ từ căn hầm kiên cố có nắp đậy bằng bê tông khá nặng đến nơi quy định. Các bô lão được chọn lựa từ những gia đình vợ chồng song toàn, con cái thành đạt sẽ có diễm phúc mở xiêm áo hai pho tượng. Từ hai chiếc chóe cổ đựng nước hương trầm bốc hơi phả vào thân tượng. Cứ sau mỗi lần hơi nước đọng vào thân tượng, họ lấy khăn lụa lau khô cho đến khi toàn bộ thân tượng sực nức mùi trầm hương.
Tình sử của hai nhân vật anh hùng liên quan đến việc chiến trận và tắm hơi bằng hương thơm thật ly kỳ. Dân gian truyền tụng và thần phả đình Hoa Xá ghi lại rằng: Vào đời Đinh- Tiền Lê, ở Tó có một người con gái nghèo, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống cô quạnh trong túp lều của xóm Đức Lân (cạnh ngôi chùa Thắm ngày nay). Hằng ngày cô gái thường đi làm thuê cấy mướn, nhổ cỏ lúa cho người. Ngày giáp hạt cô ra sông mò cua bắt hến, chiều về kiếm củi đưa ra chợ Tó bán.
Năm 981, vua Lê Đại Hành cất quân từ kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) đi đánh giặc Tống, thuyền chiến theo dòng sông Nhuệ đến ấp Hòa Xá tạm dừng để huy động thêm binh lương. Dân chúng quanh vùng nô nức theo ngài rất đông, Tó Tả thì góp lương, Tó Hữu thì góp thuyền. Giữa trưa nắng chói chang, nhà vua trông thấy một cô gái gánh gạo trong đám dân công, đầu đội nón lá, mặc áo vải thô, gương mặt sáng ngời xuống sông vốc nước rửa tay thì bỗng nhiên trên trời hiện ra đám mây ngũ sắc giống tán lọng che đầu. Nhà vua linh cảm cô gái không phải người tầm thường, rồi từ đó đem lòng yêu mến. Khi đoàn quân tiến ra mặt trận cô gái được nhà vua giao cho trông coi lương thực và việc nuôi quân. Không chỉ khéo tay chế biến các loại lương khô mà trong các cuộc giao chiến ác liệt cô cùng quân sĩ xông pha diệt giặc. Vốn là người thạo nghề sông nước, cô gái đã giúp vua đóng loại thuyền nhỏ dễ dàng cơ động trong mọi tình thế chiến sự.
Đất nước khải hoàn nhà vua cho mở tiệc tại kinh đô Hoa Lư và ban tặng bổng lộc rất hậu cho các tướng sĩ có công. Tiếp đó nhà vua chọn ngày lành về ấp Hoa Xá- nơi dừng quân ngày trước cho mở yến tiệc mời dân làng đến dự và ban quần áo lụa cho những cô gái đã giúp vua nuôi quân trong những ngày đánh giặc. Cô gái năm xưa được vua phong danh là Đô Hồ phu nhân, cho dựng Minh Lâu (lầu ánh sáng) trên nền nhà cũ của nàng đồng thời cấp cho hàng trăm mẫu ruộng và đặt tên cho làng Tó là "ấp thang mộc" (ấp tắm gội).
Tôn trọng và chiều theo sở thích ở lại quê nhà của Đô Hồ phu nhân, vua Lê Đại Hành không ép nàng phải vào cung. Tuy có 5 Hoàng Hậu và vô số Phi Tần nhưng vua Lê Đại Hành không quên mối tình nảy sinh trong chiến trận với người con gái làng Tó và hương thơm kỳ lạ từ hơi thở, làn da như kết tụ lan tỏa các loài hoa quý hiếm của thế gian sau mỗi lần nàng tắm gội. Nhớ nàng, vua Lê Đại Hành thường xuyên vượt ngàn dặm đường từ kinh đô Hoa Lư ra làng Tó để cùng Đô Hồ phu nhân hưởng lạc thú tắm hơi bằng hương thơm do nàng sáng chế từ những dược liệu thiên nhiên.
Nhà tắm hơi của người đẹp làng Tó thời Tiền Lê được thiết kế kỳ công, kín đáo ở địa điểm mà theo thuật Phong Thủy xem xét là có long mạch hấp thụ, tích trữ và hưng vượng nhiều sinh khí vũ trụ có lợi cho thể chất tinh thần con người. Hai chiếc chóe cổ khổng lồ có thể giữ nhiệt lâu chứa đầy nước thơm của Trầm Hương bốc hơi ngào ngạt nóng hổi phả vào cơ thể sau khi cởi bỏ hết xiêm y. Những mệt nhọc, tà khí (do trúng gió, cảm mạo, nhiễm độc...) trong người cũng phải toát ra ngoài theo tuyến mồ hôi, chân tơ kẽ tóc. Mỗi lần mồ hôi túa ra, họ dùng khăn lụa cực mịn lau khô khắp thân thể rồi tiếp tục tắm hơi cho đến khi nào hai chiếc chóe "đại tướng" kia nguội hẳn mới thôi. Sau mỗi lần tắm hơi, cặp trai tài gái sắc có cảm giác sảng khoái, nhẹ nhàng tưởng chừng thân thể bay lên được cõi giới thanh thoát nào đó. Tâm trí sáng suốt hơn, làm việc bền bỉ, khỏe khoắn và ngay cả chuyện chăn gối cũng mãnh liệt, thi vị, lãng mạn hơn trong hương thơm siêu phàm kỳ đặc...
Tại sao người đẹp Đại Việt dùng Trầm Hương làm chất liệu chính trong nghệ thuật tắm hơi?
Trong các hàng đặc sản cao cấp của Việt Nam thì Kỳ- Trầm đứng thứ 3 sau Ngọc Trai và Yến Sào. Nó là những biệt dược được Vua chúa các triều đại ưa chuộng và cũng là món hàng giao thương đắt giá trong giao thương quốc tế với các nước.
Theo các nghiên cứu khoa học thì Trầm Hương là chất kết tinh trong ruột cây Dó sống lâu năm, nó là thành phần của các chất hữu cơ: Benzyn Axeton, Mêtoxi Benzyn Axeton và Axit Amin... Khi tổng hợp thành Trầm thì chia thành 2 loại: Trầm Hương và Kỳ Nam, gọi tắt là Kỳ- Trầm.
Trầm Hương là thứ có ít dầu, thường có trong loại Dó Lưỡi Trâu và Dó Cam. Kỳ Nam là thứ có nhiều dầu, có trong loại Dó Bầu. Vì vậy trong khoa học chúng có tên riêng: Trầm Hương là Aquilaria Agallocha và Aquilaria Crassna Pierre, thuộc họ Thymeliacea. Kỳ Nam có 4 loại: Bạch Kỳ, Thanh Kỳ, Hoàng Kỳ, Hắc Kỳ. Công hiệu của Kỳ Nam là chữa trị bệnh tiêu hóa, đường ruột, giải độc. Còn Trầm Hương có thể chế thành nước hoa thượng hạng hết sức độc đáo hay những sản phẩm thẩm mỹ cho phụ nữ. Trầm Hương cũng chia làm 4 loại: Trầm nghĩ mục (Trầm mắt kiến), Trầm căn (Rễ Trầm), Tử mục Trầm (Trầm mắt tía) và Trầm tốc. Riêng Trầm tốc còn có nhiều tên gọi: Tốc hoa, Tốc nước, Tốc xám, Tốc nhẹ, Tốc đá, Tốc ớt, Tốc hương... Tất nhiên khi đã phân ra như thế là để xác định công năng từng loại và định giá. Mỗi loại Kỳ hoặc Trầm tùy theo giá trị mà có sự hơn kém chênh nhau từ vài triệu đến đến hàng chục, hàng trăm triệu mỗi kg.
Phàm những gì quý thường cực kỳ khan hiếm. Kỳ- Trầm cũng vậy, bởi chúng hoàn toàn là sản phẩm thiên nhiên, khó có thể nhân tạo được.
Để có được Kỳ - Trầm, loài cây Dó phải chịu đựng những vết thương cơ học ở rễ, thân cành. Rồi trải qua "kiếp nạn" ấy hàng chục thậm chí hàng trăm năm nhựa cây- “máu lệ" ứa quanh vết thương nhờ sương gió nắng trời ngấm lặn vào trong từng tế bào thớ gỗ trong ruột cây mới biến hóa thành thứ dầu thơm tuyệt hảo.
Tìm được Kỳ- Trầm gian nan chẳng khác gì “mò kim đáy bể". Người đi tìm Trầm thường dùng Dủm (dụng cụ bằng sắt, vẹt và sắc nhọn phía đầu) đục vào thân cây Dó nếu thấy mềm và đỏ ruột là gặp Trầm nhưng thường trong cả ngàn cây may mới có một cây tạo Trầm. Huyền thoại về Trầm Hương và giá trị của nó mãi mãi là mối quan tâm của nhiều thế hệ luôn có khát vọng trường xuân.
Người Việt từ hơn ngàn năm trước (minh chứng qua câu chuyện của Đô Hồ phu nhân và vua Lê Đại Hành) đã biết sử dụng Trầm Hương vào nghệ thuật tắm hơi để nâng cao sức khỏe, vẻ đẹp, trí tuệ và thăng hoa chất lượng tình yêu- tình dục. Phải chăng đây là một phát minh sớm trong lĩnh vực thẩm mỹ?
Box: Thời Lý Trần, Thanh Trì (nay là một huyện của Thủ đô Hà Nội) có tên là Long Đàm, đến năm 1407 đổi thành Thanh Đàm. Theo "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi thì huyện Thanh Đàm có 75 xã, 5 thôn, 2 sở. Đến thế kỷ XVI vì kiêng tên húy của vua Lê Thế Tôn là Lê Duy Đàm nên đổi là Thanh Trì. Trong các làng xã của Thanh Trì xưa thì xã Tả Thanh Oai còn có tên Nôm là Kẻ Tó. Hơn ngàn năm trước, nơi đây đã có sự quần cư đông đúc và sớm có truyền thống khoa bảng, văn chương rất đặc biệt, thể hiện rất rõ qua các thư tịch ở các Trung tâm lưu trữ Quốc gia, qua các nguồn Hán Nôm lưu trữ tại làng (Văn bia, bản khắc gỗ, gia phả các dòng họ) trong đó đáng chú ý là "Lư sử điển yếu điều lệ"- một loại hình độc nhất vô nhị. "Lư sử điển yếu điều lệ" ghi chép cẩn thận sự tích Thành hoàng làng ở đình Hoa Xá là vua Lê Đại Hành (húy Lê Hoàn) - người có công phá Tống bình Chiêm mang lại sự thanh bình cho đất nước ở thế kỷ X và một phụ nữ làng Tó trở thành vợ vua được tôn làm Đô Hồ phu nhân.
Tại đình Hoa Xá còn lưu giữ nhiều di sản quý giá (Văn bia, thần phả, câu đối, 16 đạo sắc phong của các triều đại, đôi ngựa đá do Tiến sĩ, Binh Bộ Thượng thư Phương Quận công Ngô Thì Nhậm ở thế kỷ XVIII cung tiến và bóng dáng kiến trúc Hậu Lê. "Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ nền cũ lâu đài bóng tịch dương" về Đô Hồ phu nhân- vua Lê Đại Hành và nghệ thuật tắm hơi bằng hương thơm có sớm trong lịch sử văn minh Đại Việt còn phảng phất đâu đây như lưu luyến tâm hồn và bước chân du khách.